Đan Phượng (Hà Nội): Không có cơ sở cấp tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp
(Xây dựng) – Mới đây, Báo điện tử Xây dựng nhận được đơn của bà Lê Thị Nga (xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, Hà Nội) phản ánh về việc 288m2 đất của gia đình bà bị thu hồi để thực hiện dự án xây dựng đường giao thông tuyến N1 đoạn từ đê Tiên Tân đến đường N4 nhưng không được đền bù thỏa đáng.
Ông Lê Văn Mạnh – Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Đan Phượng. |
Theo nội dung đơn kêu cứu, bà Nga cho biết: “Cụ nội tôi là ông Lê Hữu Trúc và cụ bà Nguyễn Thị Yên là chủ sử dụng thửa đất có nguồn gốc đất của ông, cha để lại có từ thời Pháp thuộc (trước ngày giải phóng 1954) ở Khu Đầm Ngoài (xưa tên là Xứ đồng Mai Rùa) với diện tích là 4 (bốn) sào Bắc Bộ (hiện nay là vị trí Nhà máy gạch tuynel Alpha, có địa chỉ: Tiên Tân – Hồng Hà, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Thành phố Hà Nội). Năm 1986 cụ bà Nguyễn Thị Yên qua đời, năm 1991 cụ ông Lê Hữu Trúc qua đời. Toàn bộ mảnh đất nêu trên thừa kế cho 2 con của hai cụ là ông Lê Hữu Mừng và bà Nguyễn Thị Phúc. Năm 1992, gia đình ông bà Lê Hữu Mừng đã xây dựng một ngôi nhà cấp 4 để ở và trước khi ông bà qua đời có lập văn bản “giấy giao quyền sử dụng đất” được lập ngày 05/12/2005, phân chia 840m2 cho ba người con là ông Lê Hữu Trụ, ông Lê Hữu Lộc và tôi, mỗi người 1/3 diện tích trên. Mảnh đất thừa kế trên được nhiều thế hệ trong gia đình tôi đã và đang sử dụng ổn định, không phải đất nông nghiệp Nhà nước giao, không phải do lấn, chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép.
Đến năm 2019, tôi làm đơn đề nghị được chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất màu sang đất ở thì được chính quyền xã Hạ Mỗ trả hồ sơ với lý do: Theo hồ sơ thửa đất của hộ gia đình Bà Lê Thị Nga không đủ điều kiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất ở do nằm trong khu đất nông nghiệp xen kẹt có diện tích lớn, không phù hợp với với Quyết định số 12/2017/QĐ-UBND ngày 31/03/2017 của UBND Thành phố Hà Nội.
Ngày 24/6/2021, gia đình tôi nhận được Quyết định 2271/QĐ-UBND ngày 01/6/2021 của UBND huyện Đan Phượng, về việc thu hồi 288.1m2 đất để thực hiện dự án xây dựng đường giao thông tuyến N1 đoạn từ đê Tiên Tân đến đường N4 (Đan Phượng, Hà Nội). Trong quyết định này có nhiều điểm, tôi thấy chưa hợp lý, chưa phù hợp với lịch sử nguồn gốc đất, chưa phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai qua các thời kỳ.
Từ 18/6/2021 đến ngày 22/6/2021, tôi có làm đơn đề nghị UBND xã Hạ Mỗ (Đan Phượng, Hà Nội) để xin cấp trích lục bản đồ địa chính nhưng không được phản hồi. Ngay sau đó tôi trực tiếp ra Phòng Tài nguyên và Môi trường, đề nghị được cấp trích lục bản đồ địa chính (các thời kỳ) của thửa đất mà nhiều thế hệ đang sinh sống ở đây, làm căn cứ kiến nghị chính quyền là UBND huyện Đan Phượng.
Tôi không công nhận chung mức hạn đất nông nghiệp được giao theo Nghị định 64/CP là 276m2 tại thửa đất mà tôi đang sinh sống là đất màu cha ông để lại với diện tích 840m2 (theo bản đồ, sổ mục kê năm 1987 (299), lưu trữ gần đây nhất tại UBND xã Hạ Mỗ). Tuy nhiên trích lục bản đồ, mục kê không xác định được mốc ranh giới thửa đất. Còn thửa đất được chính quyền giao theo Nghị định 64/CP là diện tích đất hạn mức (theo khẩu) trồng lúa chia năm 1992 có địa chỉ ở cụm 7, xã Hạ Mỗ có diện tích 276m2. Thửa đất 276m2 này không nằm trong diện tích phải giải phóng mặt bằng thuộc dự án. Đây là hai thửa đất riêng biệt, không nằm ở cùng một địa điểm, nên tôi không đồng ý cách tính toán của chính quyền theo phương án trong dự thảo đã ghi”.
Theo hồ sơ tài liệu Báo điện tử Xây dựng có được, ngày 24/3/2021, UBND xã Hạ Mỗ có Báo cáo số 27/BC-UBND về nguồn gốc, hiện trạng sử dụng đất của bà Lê Thị Nga nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng dự án: Xây dựng đường giao thông tuyến N1 đoạn từ đê Tiên Tân đến đường N4, xã Hạ Mỗ (Đan Phượng, Hà Nội). Hồ sơ lưu trữ, bản đồ năm 1962, mục kê 1978: thửa đất số 19, tờ bản đồ số 02, diện tích 720m2, loại đất: đất màu, chủ sử dụng Lê Hữu Trúc. Bản đồ năm 1987, mục kê 1987, thử đất số 163, tờ bản đồ số 01, diện tíc 840m2, loại đất: đất màu, chủ sử dụng Lê Hữu Trúc. Bản đồ, sổ mục kê 2014 (VLA), thửa đất trên được tách thành 02 thửa, trong đó: Thửa đất số 7, tờ bản đồ số 05, diện tích 541,1m2, loại đất: đất BHK, chủ sử dụng Lê Hữu Trụ; Thửa đất số 8, tờ bản đồ số 05, diện tích 307,5m2, loại đất: đất BHK, chủ sử dụng Lê Thị Nga.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Bùi Tất Thêm – Chủ tịch UBND xã Hạ Mỗ khẳng định: Hiện trạng sử dụng đất của gia đình bà Lê Thị Nga đang sử dụng tại cụm 1, xã Hạ Mỗ không phải là đất nông nghiệp giao theo Nghị định 64. Theo giấy giao quyền sử dụng đất ngày 05/12/2005 phân chia quyền sử dụng đất cho 03 người con là Lê Hữu Lộc, Lê Hữu Trụ, Lê Thị Nga mỗi người được 1/3 mảnh đất tại cụm 1, xã Hạ Mỗ theo thứ tự từ mương vào là bà Lê Thị Nga đến ông Lê Hữu Lộc đến ông Lê Hữu Trụ. Văn bản không ghi diện tích nhưng theo bản đồ, sổ mục kê năm 1987 diện tích 840m2 chia đều cho 3 người là bà Lê Thị Nga, ông Lê Hữu lộc, Lê Hữu Trụ mỗi người được hưởng 280m2.
Theo bản đồ thu hồi, dự án đường nhánh N1 ông Lê Hữu Trụ và Lê Hữu Lộc sử dụng diện tích 546m2, bà Lê Thị Nga sử dụng diện tích đất 305,5m2 (trong đó đất nông nghiệp 293,5m2, diện tích lấn chiếm đất 12m2) tại cụm 1, xã Hạ Mỗ. Như vậy, có một phần diện tích đất của ông Lê Hữu Lộc nằm trên phần diện tích đất của bà Lê Thị Nga.
Ngày 22/3/2021, UBND xã Hạ Mỗ đã mời ông Lê Hữu Lộc, Lê Hữu Trụ và bà Lê Thị Nga đến trụ sở UBND xã Hạ Mỗ để làm việc thống nhất diện tích theo văn bản giao quyền sử dụng đất ngày 05/12/2005. Tại buổi làm việc, ông Lê Hữu Lộc đồng ý cho bà Lê Thị Nga phần diện tích tăng thêm theo văn bản phân chia ngày 05/12/2005 được lấy vào phần diện tích của ông Lộc. Như vậy, phần diện tích bà Lê Thị Nga được sử dụng theo hiện trạng là 305,5m2 (có biên bản làm việc kèm theo).
Tổng diện tích đất nông nghiệp bà Lê Thị Nga đang sử dụng là 581,5m2 (trong đó diện tích đất nông nghiệp được giao theo Nghị định 64/CP là 276m2, diện tích đất nông nghiệp cá thể của hộ gia đình được giao quyền sử dụng đất năm 2005 từ bố đẻ là ông Lê Hữu Mừng đang sử dụng là 305,5m2). Diện tích thu hồi dự án xây dựng đường giao thông tuyến N1 đoạn từ đê Tiên Tân đến đường N4 là 288,1m2 là đất nông nghiệp cá thể của hộ gia đình nhận giao quyền sử dụng từ bố đẻ. Căn cứ pháp lý cụ thể gồm: Căn cứ theo Văn bản số 95/HĐND ngày 22/8/2018 của HĐND huyện Đan Phượng về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường giao thông tuyến N1 đoạn từ đê Tiên Tân đến đường N4. Căn cứ Quyết định số 521/QĐ-UBND ngày 31/1/2020 của UBND Thành phố Hà Nội về việc phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2020 huyện Đan Phượng. Căn cứ Quyết định số 4669/QĐ-UBND ngày 30/10/2018 của UBND huyện Đan Phượng về phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình: Xây dựng đường giao thông tuyến N1 đoạn từ đê Tiên Tân đến đường N4.
Cũng theo Báo cáo số 117/BC-PTQĐ của Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Đan Phượng: cộng chung tổng diện tích đất nông nghiệp được giao và đất nông nghiệp đang sử dụng của các hộ gia đình để căn cứ tính hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất khi Nhà nước thu hồi đất theo Điều 19 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Thửa đất của gia đình đang sử dụng theo hồ sơ quản lý của UBND xã thuộc xứ đồng U Ngoài, xã Hạ Mỗ.
Gia đình bà Nga thuộc diện hộ nghèo, đời sống kinh tế rất khó khăn. |
Theo ông Lê Văn Mạnh – Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Đan Phượng: Hộ gia đình bà Nga không được chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất ở do có diện tích đất lớn hơn hạn mức công nhận đất ở do UBND thành phố quy định (theo thẩm quyền được giao tại điểm a khoản 4 Điều 103 Luật Đất đai năm 2013). Vị trí thửa đất nằm trong quy hoạch dự án Xây dựng đường giao thông tuyến N1 đoạn từ đê Tiên Tân đến đường N4 thuộc địa bàn xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, Thành phố Hà Nội. Khi thực hiện dự án này, UBND huyện cũng đã ban hành Quyết định thu hồi diện tích 288,1m2 đất nông nghiệp của gia đình bà Lê Thị Nga. Như vậy, đề nghị cấp tái định cư cho gia đình khi bị thu hồi đất nông nghiệp của bà Nga căn cứ theo Điều 86 Luật Đất đai năm 2013 là không có cơ sở.
“Tại buổi đối thoại với gia đình bà Nga có sự tham gia của đại diện Trung tâm phát triển quỹ đất huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện, UBND xã Hạ Mỗ và đại diện cụm dân cư, chúng tôi đã thông báo, giải thích mọi thông tin liên quan đến kiến nghị của gia đình, trả lời rõ không có cơ sở để cấp tái định cư. Xã Hạ Mỗ cũng có ý kiến về việc hoàn cảnh, điều kiện kinh tế của gia đình bà Nga thuộc diện khó khăn, đề nghị huyện quan tâm xem xét để có hướng hỗ trợ chỗ ở. Với diện tích đất còn lại của gia đình là 17,4m2 không đủ điều kiện tối thiểu để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản trên đất, huyện cũng hướng dẫn xã vận động chính các hộ lân cận là người thân của bà Nga cho, tặng thêm để đủ diện tích cấp sổ, huyện sẽ tạo điều kiện giải quyết các thủ tục hành chính cần thiết. Đồng thời vận động các nguồn đóng góp, ủng hộ từ xã hội hóa để hỗ trợ làm nhà ở cho gia đình bà Nga” – Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Đan Phượng chia sẻ thêm.
Nguồn: Báo xây dựng