Kiến trúc ấn tượng những cây cầu vượt sông Hồng sắp xây dựng
Cầu Trần Hưng Đạo, cầu Tứ Liên, cầu Ngọc Hồi, cầu Mễ Sở,… sắp xây dựng được kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích phát triển cho khu vực hai bên bờ sông Hồng của Hà Nội.
Cầu Vĩnh Tuy 2
Cầu Vĩnh Tuy 2 được xây dựng về phía hạ lưu sông Hồng, kết cấu, hình dáng tương tự và nằm song song cầu Vĩnh Tuy 1, trị giá khoảng 2.538 tỷ đồng; tim cầu giai đoạn 2 nằm song song và cách tim cầu giai đoạn 1 về phía hạ lưu sông Hồng 21,25m.
Tổng chiều dài cầu và đường dẫn khoảng 3.473m; điểm đầu tại Km0+840, giao với đường Nguyễn Khoái và đường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng); điểm cuối tại Km4+312,62, giao với đường Long Biên – Thạch Bàn, đường Cổ Linh).
Thiết kế mặt cắt cầu Vĩnh Tuy 2 nhìn từ trên cao gồm 8 làn xe, trong đó có 4 làn xe ô tô, 2 làn đường xe buýt và làn xe thô sơ. Theo thiết kế này, cầu Vĩnh Tuy 2 là cầu đầu tiên tại Hà Nội có chia làn đường dành riêng cho xe buýt lưu thông.
Cầu đã khởi công xây dựng vào tháng 1/2021 và dự kiến hoàn thành trong quý II/2023. Đây là 1 trong 6 công trình giao thông trọng điểm của Hà Nội, được thành phố cho phép thi công trong thời gian giãn cách để bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Cầu Tứ Liên
Theo Quyết định phê duyệt kết quả tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc cầu Tứ Liên của UBND TP. Hà Nội, địa điểm xây dựng cầu sẽ nằm giữa cầu Nhật Tân và cầu Long Biên, nối quận Tây Hồ với huyện Đông Anh.
Cầu có tổng mức đầu tư 17.000 tỷ đồng với quy mô 6 làn xe. Phạm vi dự kiến có điểm đầu giao với đường Nghi Tàm, điểm cuối qua nút giao Quốc lộ 5, có tổng chiều dài theo tuyến thẳng khoảng 4,84km.
Cầu Tứ Liên được các chuyên gia của tập đoàn T.Y.Lin đến từ Mỹ đưa ra ý tưởng về phương án kiến trúc là cầu dây văng, kết hợp văng xoắn, tạo ra các nhịp lớn với hệ khung kết cấu thép nhẹ, hai hệ trụ cầu chính được tạo hình mang đậm nét lịch sử và văn hóa thủ đô Hà Nội.
Cầu Mễ Sở
Dự án này của Liên danh Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành và Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển hạ tầng Nguyên Minh. Tổng mức đầu tư khoảng 4.881 tỷ đồng; liên danh này đề xuất xây dựng dự án có chiều dài khoảng 13,8km, chiều rộng (giai đoạn 1) là 17m.
Điểm đầu dự án (Km0) là nút giao Quốc lộ 1A với đường vành đai 4 thuộc huyện Thường Tín. Điểm cuối dự án (Km 13+176) là nút giao đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với đường vành đai 4, thuộc huyện Văn Giang (Hưng Yên).
Dự kiến, khi hoàn thành dự án sẽ tạo sự kết nối từ đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ đến đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với mục đích phân luồng giao thông, giảm phương tiện vào khu vực nội đô thành phố, giảm ùn tắc giao thông. (Ảnh: Hạ Vũ)
Cầu Ngọc Hồi
Theo quy hoạch, cầu Ngọc Hồi sẽ nối huyện Thanh Trì với xã Văn Đức của huyện Gia Lâm, giáp thị trấn Văn Giang (Hưng Yên). Với tổng mức đầu tư: 4.880 tỷ đồng, quy mô 6 làn xe, chiều dài lên tới 13,8km. (Ảnh: Hạ Vũ).
Phần đầu cầu phía Đông đặt ở xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì. Phần đầu cầu phía Tây là địa bàn giáp ranh giữa xã Văn Đức (Gia Lâm, Hà Nội) với thị trấn Văn Giang. (Ảnh: Hạ Vũ).
Dự án này sẽ góp phần hoàn thiện giao thông cửa ngõ phía Nam thủ đô. Với quy hoạch trên, khi triển khai thi công cầu Ngọc Hồi thì tình trạng quá tải hiện nay ở cầu Thanh Trì sẽ giảm đi rất nhiều, các phương tiện lưu thông sẽ có thêm cung đường để lựa chọn. (Ảnh: Hạ Vũ)
Theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt, sẽ xây dựng 18 công trình đường bộ vượt sông Hồng khu vực Hà Nội, trong đó 8 cầu đã xây dựng. Thời gian tới sẽ xây dựng mới 10 cầu gồm: cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Hồng Hà, cầu Mễ Sở (Vành đai 4), cầu Thăng Long mới (Vành đai 3), cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2, đang xây dựng), cầu Thượng Cát, cầu Ngọc Hồi (Vành đai 3,5), cầu Phú Xuyên trên đường cao tốc Tây Bắc – Quốc lộ 5, cầu Vân Phúc (đường trục Bắc – Nam nối với tỉnh Vĩnh Phúc phục vụ giao thông liên tỉnh). (Ảnh: Dân trí)
Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản, nói rằng, trước năm 2010, khu Đông Hà Nội không được giới đầu tư quan tâm, nhưng nhờ hệ thống cầu vượt sông ngày càng hoàn thiện, kéo theo loạt dự án đại đô thị có vốn đầu tư lên đến hàng tỷ USD tại Gia Lâm, Đông Anh, thị trường đã hoàn toàn thay đổi. Hạ tầng giao thông là yếu tố then chốt để thị trường bất động sản bứt phá. Đại diện Hội Bất động sản Việt Nam cho biết, với 10 cây cầu qua sông Hồng trong thời gian tới, khu vực phía Tây Hà Nội vốn đã quá nhiều dự án bất động sản sẽ giãn ra và nhường lại sân chơi cho khu phía Đông. |
Nguồn: Báo xây dựng