Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô phù hợp với yêu cầu phát triển
Đồ án được đánh giá là rất cấp thiết, có ý nghĩa quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô.
Tạo cực tăng trưởng mới
Ngày 12/4, Hội đồng Thẩm định của Bộ Xây dựng đã họp, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực đối với nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Một trong những ý kiến đáng chú ý liên quan đến tên của quy hoạch, đó là “Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065”. Như vậy, thời hạn quy hoạch đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065 được kéo dài hơn so với quy hoạch gốc là Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Về vấn đề này, tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 12 BCH Đảng bộ TP. Hà Nội ngày 27/4 vừa qua, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, Ban chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội thống nhất điều chỉnh thời hạn của đồ án quy hoạch là “Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065” như đề nghị của Bộ Xây dựng để thống nhất với khoản 3 Điều 25 Luật Quy hoạch đô thị 2009 (thời hạn quy hoạch đối với quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương từ 20 đến 25 năm, tầm nhìn đến 50 năm).
Trên cơ sở kết quả thảo luận tại Hội nghị, Ban chấp hành Đảng bộ thành phố cơ bản thống nhất với định hướng nghiên cứu điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065). Bí thư Thành ủy yêu cầu các cơ quan chuyên ngành của thành phố trong quá trình nghiên cứu lập Đồ án điều chỉnh cần bám sát các định hướng của các Nghị quyết, Kết luận liên quan của Trung ương và Bộ Chính trị.
Trong đó, việc điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô phải đảm bảo định hướng “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”; đồng thời, phải khai thác được hiệu quả các điều kiện tự nhiên; giữ gìn bản sắc văn hóa; từng bước nâng cao chất lượng đô thị và nông thôn; đồng bộ giữa xây dựng mới và cải tạo, chỉnh trang, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa – xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu; đảm bảo an ninh quốc phòng.
Phát huy hiệu quả mọi nguồn lực xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; tập trung ưu tiên các dự án hạ tầng giao thông và hạ tầng số theo các chiến lược, mô hình phát triển kinh tế Thủ đô và của vùng Thủ đô.
Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, thành phố kiên định với định hướng phát triển hai thành phố trực thuộc Thủ đô là: Thành phố Bắc sông Hồng (Mê Linh – Sóc Sơn – Đông Anh), Thành phố phía Tây Hà Nội (Hòa Lạc – Xuân Mai). Cùng với đó là 5 trục không gian chính: Trục không gian sông Hồng, lấy Sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, thay đổi quan điểm phát triển theo hướng quay mặt ra sông thay vì quay lưng ra sông như hiện nay; Trục không gian Hồ Tây – Ba Vì kết nối giữa đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh.
Trục không gian Hồ Tây – Cổ Loa xác lập không gian kiểm soát đặc biệt là tổ hợp các khu chức năng công cộng gắn với các công trình biểu tượng. Trục không gian Nhật Tân – Nội Bài là trục đô thị thông minh. Trục không gian phía Nam kết nối không gian sinh thái với cụm du lịch tâm linh tại Mỹ Đức và Hà Nam.
Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu, tính toán định hướng phát triển Hà Nội với vai trò dẫn dắt, tạo sức mạnh lan tỏa trong Vùng Thủ đô…
7 mục tiêu, định hướng điều chỉnh
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chia sẻ, Thủ đô Hà Nội với vai trò là trung tâm đầu não chính trị – hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch của cả nước; với vai trò, vị thế quan trọng như vậy nên mỗi lần lập quy hoạch là một dấu ấn phát triển quan trọng của Thủ đô.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, mặc dù nhiệm vụ Đồ án đang trình Thủ tướng Chính phủ, song để đảm bảo tiến độ triển khai lập và phê duyệt Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo Ban Cán sự đảng UBND thành phố báo cáo, xin ý kiến Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về Định hướng nghiên cứu Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065).
Hiện nay, TP. Hà Nội đang phân tích, đánh giá cụ thể về 7 mục tiêu, quan điểm, định hướng và các giải pháp trọng tâm, nhất là các định hướng chính, cụ thể: Nghiên cứu điều chỉnh thời hạn của Đồ án quy hoạch là “Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065” để thống nhất với khoản 3 Điều 25 Luật Quy hoạch đô thị 2009 theo như đề nghị của Hội đồng thẩm định của Bộ Xây dựng; nghiên cứu định hướng dự báo dân số; định hướng phát triển không gian đô thị trung tâm, các thành phố phía Bắc, phía Tây của Thủ đô; nghiên cứu định hướng các trục không gian của thành phố; định hướng phát triển đô thị hai bên trục đường Vành đai 4; nghiên cứu định hướng sân bay thứ hai cho vùng Thủ đô Hà Nội tại khu vực phía Nam TP. Hà Nội; định hướng quy hoạch hệ thống hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật.
Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP. Hà Nội, trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp của Hội đồng thẩm định, hiện nay Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đang gấp rút bổ sung, hoàn thiện hồ sơ Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch để Thành phố báo cáo và trình Thủ tướng Chính phủ, dự kiến vào đầu tháng 5/2023. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch, UBND Thành phố tổ chức triển khai lập, hoàn thiện đồ án. Quá trình triển khai sẽ tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan. Dự kiến, đồ án sẽ được báo cáo Bộ Xây dựng xem xét trong tháng 8/2023, trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 10/2023.