Đông Triều (Quảng Ninh): Tuyến đường sắt “vô dụng” án ngữ đô thị
(Xây dựng) – Ngoài tuyến đường sắt Cái Lân – Kép chạy qua địa bàn “ế ẩm” lâu ngày, tại thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) còn có một tuyến đường sắt “vô dụng” khác đang cản trở phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.
Tuyến đường sắt chuyên dụng của Công ty Xi măng Vicem Hoàng Thạch xây dựng lơ lửng không kết nối được với hệ thống đường sắt quốc gia, phong sương gần 40 năm nhiều đoạn đã chìm sâu dưới lớp đất. |
Cụ thể, đó là tuyến đường sắt chuyên dụng của Công ty Xi măng Vicem Hoàng Thạch xây dựng năm 1983, khổ đường 1.435mm; chiều dài 4,190km, kéo dài từ ga Hoàng Thạch thuộc phường Mạo Khê chạy vòng qua phường Yên Thọ, kết nối với tuyến đường sắt Cái Lân – Kép, mục đích để vận chuyển than đốt lò và thành phẩm xi măng bằng đường sắt.
Diện tích sử dụng đất cho tuyến đường sắt này là 41.994,9m2, cộng với hành lang an toàn 2 bên đường theo Luật Đường sắt Việt Nam và nhà ga bến bãi, tổng diện tích công trình thuê đất theo Quyết định số 1485/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Ninh là 237.939,6m2, hạn định sử dụng đến ngày 01/01/2046.
Ga Mạo Khê trên tuyến đường sắt “mẹ” Cái Lân – Kép bỏ hoang đã lâu. |
Nhưng từ khi đầu tư xây dựng xong, công trình này đã không phát huy được tác dụng, do các nguyên nhân: Một là, nó chịu chung số phận với tuyến đường sắt Cái Lân – Kép, do quy hoạch thiết kế thất cách, khổ đường ray không ăn nhập được với hệ thống đường sắt Việt Nam. Tuyến đường sắt (mẹ) Cái Lân – Kép trước đây còn một ngày chạy được một chuyến hàng chợ, nay dừng hẳn.
Hai là, Công ty Xi măng Vicem Hoàng Thạch có lợi thế giao thông đường thủy, đường bộ… sản phẩm đổ xuống sà lan ăn hàng ở ngay bến sông Đá Vách dễ dàng, đường bộ thông thương xe ôtô ghé thùng vào tận cửa kho bốc hàng, rồi chở một mạch đến nơi tiêu thụ, chẳng ai vẽ ra việc chuyển tải lên xuống mấy lần qua đường tàu hỏa. Vì thế mà tuyến đường sắt (con) này vô dụng, lâu ngày trở thành đống của bỏ hoang.
Trên tuyến đường sắt này có 7 nút giao cắt với đường Quốc lộ 18. |
Công trình xây dựng không những không đem lại hiệu quả, gây lãng phí tiền của mà còn ảnh hưởng tới đời sống dân sinh và sự phát triển đô thị thị xã Đông Triều. Cụ thể, trên tuyến đường sắt có 7 nút giao cắt với đường Quốc lộ 18 và 1 điểm giao cắt đường tránh đô thị Mạo Khê; 5 vị trí giao cắt với tuyến đường dân sinh ở hai phường Mạo Khê và Yên Thọ. Tuyến đường sắt “vô dụng” này chiếm dụng 237.939,6m2 đất đai, gây phiền toái cho công tác quy hoạch, phát triển công trình hạ tầng động lực ở địa phương như: Đường 10 làn xe ven sông Đá Vách kết nối Cầu Triều cửa ngõ Hải Dương tại thị xã Đông Triều với đường cao tốc Hạ Long –Hải Phòng tại thị xã Quảng Yên. Chưa kể các dự án khu đô thị mới, cụm dân cư mới, cụm công nghiệp địa phương và xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Nhiều đoạn cây dại, dây leo phủ kín không thể hình dung ra đây là tuyến đường sắt bạc tỷ. |
Ngày 10/5/2021, UBND thị xã Đông Triều có Văn bản số 1333/UBND-QLĐT gửi Tổng Công ty Xi măng Việt Nam, Công ty Xi măng Vicem Hoàng Thạch đề nghị thanh thải tuyến đường sắt này, nhưng chưa nhận được trả lời. Trước đó, năm 2019, UBND thị xã Đông Triều cũng đã có 2 công văn nội dung tương tự gửi UBND tỉnh và các Sở, ngành liên quan đề nghị can thiệp với Công ty Xi măng Vicem Hoàng Thạch giải quyết vấn đề này.
Ngày 13/11/2019, theo chỉ đạo của UBND tỉnh Sở Tài nguyên và Môi trường có Công văn số 7240/TNMT-QHKH trả lời UBND thị xã Đông Triều, chiếu theo Quyết định phê duyệt số 11/QĐ-BXD ngày 11/01/2016 của Bộ Xây dựng về phương án xử lý, sắp xếp lại nhà, đất của Tổng Công ty Xi măng Việt Nam trong đó cho phép tiếp tục quản lý, sử dụng tuyến đường sắt này.
Hệ thống trạm gác, công trình đảm bảo an toàn cho tuyến đường sắt bỏ hoang lâu ngày rêu phong cỏ mọc mất mỹ quan đô thị. |
Nhưng Quyết định của Bộ Xây dựng phê duyệt phương án xử lý, sắp xếp lại nhà, đất của Tổng công ty Xi măng Việt Nam cách đây đã 6 năm mà tuyến đường sắt chuyên dụng của Công ty Xi măng Vicem Hoàng Thạch xây dựng từ năm 1983 đến nay vẫn không dùng đến, phần mất mát, phần hư hỏng, đất đai bỏ hoang, còn án ngữ công tác quy hoạch, xây dựng phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương; và đương nhiên, công nhân Công ty Xi măng Vicem Hoàng Thạch hàng năm vẫn phải “còng lưng” trả tiền thuê 237.939,6m2 đất “vô dụng”.
Tổng Công ty Xi măng Việt Nam và tỉnh Quảng Ninh cần sớm báo cáo với Chính phủ và Bộ Xây dựng để xin ý kiến xử lý công trình xây dựng vô dụng, lãng phí tiền của, tiềm năng đất đai này.
Nguồn: Báo xây dựng