Tiêu điểm chính sách mới lĩnh vực tài nguyên – môi trường tháng 3 – 4/2023
Tiêu điểm chính sách mới lĩnh vực tài nguyên – môi trường tháng 3 – 4/2023
Tháng 3, Tháng 4/2023, các cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành một số văn bản chính sách mới quan trọng trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 07/2023/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường do cơ quan trung ương thực hiện thẩm định.
Theo đó, Thông tư 07 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường do cơ quan trung ương thực hiện thẩm định, theo quy định tại Điều 36 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Thông tư này áp dụng đối với người nộp phí; tổ chức thu phí; tổ chức, cá nhân khác liên quan đến thu, nộp phí thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường do cơ quan trung ương thực hiện thẩm định.
Ngày 10/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 208/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái.
Theo đó, mục tiêu chung chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi, môi trường, hệ sinh thái sang các nghề khai thác hải sản có ảnh hưởng ít hơn hoặc chuyển một số tàu cá có nghề khai thác hải sản ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi, môi trường, hệ sinh thái sang lĩnh vực khác ngoài khai thác để từng bước cân bằng lại cường lực khai thác phù hợp với khả năng phục hồi tái tạo nguồn lợi thủy sản; từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả đội tàu cá trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi; cải thiện môi trường làm việc và đảm bảo 100% ngư dân chuyển đổi nghề có việc làm ổn định, thu nhập bảo đảm cuộc sống sau khi chuyển đổi nghề.
Ngày 13/3/2023 Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư 01/2023/TT-BTNMT về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng môi trường xung quanh.
Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành 05 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng môi trường xung quanh, bao gồm: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng đất; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước dưới đất; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/9/2023.
Ngày 14/3/2023 Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ký Quyết định số 569/QĐ-BTNMT ban hành Kế hoạch của Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai thực hiện Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030.
Kế hoạch bao gồm 6 nhiệm vụ cụ thể và danh mục 16 nhiệm vụ ưu tiên. Đối với các nhiệm vụ dài hạn, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xây dựng, hoàn thiện đồng bộ các quy trình, quy định, hướng dẫn kỹ thuật liên quan đến thu gom, vận chuyển, phân loại, tái sử dụng, tái chế, công nghệ xử lý chất thải; điều tra, đánh giá hiện trạng tại các địa phương; tổ chức triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, cũng như chuyển giao công nghệ tiên tiến trong quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải… Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu các đơn vị có liên quan thuộc Bộ chủ động, phối hợp với các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai bảo đảm chất lượng và tiến độ.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 10/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.
Nghị định đã bổ sung nhiều quy định mới quan trọng liên quan đến vấn đề quản lý, sử dụng đất đai. Nghị định có hiệu lực từ ngày 20/5 tới, đã bổ sung Điều 17a vào Nghị định 43/2014/NĐ-CP về đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia vừa ký Quyết định 21/QĐ-HĐTĐQH ngày 12/4/2023 ban hành Kế hoạch tổ chức thẩm định Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Kế hoạch nhằm cụ thể hóa tiến độ, các bước triển khai thực hiện công tác thẩm định Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học); phân công trách nhiệm với các bộ, ngành và địa phương (thông qua thành viên hội đồng thẩm định) trong quá trình thẩm định quy hoạch.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 3/4/2023 phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lí, sử dụng hiệu quả để phát triển nhanh và bền vững các ngành kinh tế biển và khu vực ven biển, nhất là các lĩnh vực kinh tế biển chủ lực theo thứ tự ưu tiên: (1) Du lịch và dịch vụ biển; (2) Kinh tế hàng hải; (3) Khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; (4) Nuôi trồng và khai thác hải sản; (5) Công nghiệp ven biển; (6) Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới; nâng cao đời sống và sinh kế cộng đồng.
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ra Thông báo số 185/TB-BTNMT ngày 7/4/2023 về việc tiếp nhận đề nghị công bố của tổ chức, đơn vị tái chế và tổ chức, đơn vị được ủy quyền tổ chức thực hiện tái chế sản phẩm, bao bì.
Theo đó, thực hiện khoản 6 Điều 79 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thực hiện công bố danh sách các tổ chức, đơn vị tái chế và tổ chức, đơn vị được ủy quyền tổ chức thực hiện tái chế sản phẩm, bao bì để nhà sản xuất, nhập khẩu biết, lựa chọn.
Bộ Tài nguyên và Môi trường thông báo rộng rãi để các tổ chức, đơn vị tái chế đang hoạt động và các tổ chức, đơn vị được ủy quyền tổ chức thực hiện tái chế sản phẩm, bao bì cho nhà sản xuất, nhập khẩu có nhu cầu được công bố theo quy định thì gửi Đơn đề nghị về Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 25/4/2023 để xem xét, công bố.
Tại Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2022 ngày 11/4, lần đầu tiên Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) công bố Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI). Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên có Chỉ số xanh cho cấp tỉnh.
PGI là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh như mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp tại địa phương, trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp, mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư về vấn đề môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề môi trường quan trọng khác. PGI được xây dựng nhằm cung cấp thông tin đầu tư vào phục vụ cho công tác hoạch định chính sách ở cả cấp trung ương và địa phương nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực việc biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đối với hoạt động sản xuất kinh doanh và tính bền vững của doanh nghiệp.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị