Phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo”

Với 5.922 di tích lịch sử văn hoá, 1.793 di sản văn hoá phi vật thể, 169 bảo vật quốc gia, 1.350 làng nghề thủ công, Hà Nội trở thành nơi nuôi dưỡng, hội tụ và thúc đẩy cảm hứng sáng tạo lan tỏa trong xã hội. Đó là nguồn lực nội sinh, sức mạnh mềm quan trọng để Hà Nội kiến tạo và phát triển văn hoá, tiếp thêm sức sống, sức sáng tạo mới cho cộng đồng. Với lợi thế về vốn văn hóa phong phú, đa dạng, Thủ đô Hà Nội đang từng bước phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp văn hóa.

Phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo”
Người dân vui chơi tại khu vực phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm.

Kể từ khi tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO đến nay, Hà Nội đã luôn nỗ lực triển khai các sáng kiến, giải pháp phát huy tiềm năng sáng tạo thành nguồn lực phát triển; thực hiện có hiệu quả các cam kết của thành phố với UNESCO.

Những năm gần đây, chính sách xã hội hóa các hoạt động văn hóa đã mang lại những kết quả tích cực đối với lĩnh vực văn hóa. Chủ trương xã hội hóa đã trở thành động lực thúc đẩy các hoạt động văn hóa phát triển, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa của các tầng lớp nhân dân, góp phần thực hiện nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.

Bên cạnh việc duy trì bản sắc truyền thống, Hà Nội đang trở thành “vườn ươm” cho sáng tạo trên khắp đất nước và đặc biệt thu hút giới trẻ. Đông đảo các dự án trẻ, hướng tới đa dạng các mảng màu văn hóa Thủ đô với cách tiếp cận độc đáo là minh chứng rõ ràng cho tiềm năng ấy.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và nền kinh tế số tạo ra những cơ hội thuận lợi cho sự phát triển văn hóa Thủ đô, giúp chúng ta khai thác tiềm năng kinh tế của văn hóa trên môi trường số, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu về phát triển khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Theo Thạc sĩ Lê Thị Trang – Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, lộ trình biến tiềm năng văn hóa thành cơ hội trong phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo” của Hà Nội vẫn có không ít khó khăn, thách thức, đặc biệt là vấn đề huy động nguồn lực xã hội.

Mặc dù sự tham gia của các thành phần xã hội vào các hoạt động sáng tạo văn hóa – nghệ thuật của Thủ đô Hà Nội đã được mở rộng, song cộng đồng xã hội vẫn chưa thật sự trở thành người đồng kiến tạo văn hóa cùng với nhà nước. Chính sách khuyến khích đầu tư cho văn hóa chưa đáp ứng được nhu cầu, chưa tương xứng với vai trò và vị thế văn hóa của Thủ đô khi đặt trong quan điểm phát triển bền vững.

Thách thức từ mối quan hệ đa chiều, đa lợi ích, đa chủ thể trong quá trình thực hiện xã hội hóa gắn với định hướng phát triển “Thành phố sáng tạo”. Đây được xem là vấn đề cốt lõi trong điều kiện huy động các nguồn lực tham gia sáng tạo những giá trị văn hóa mới, góp sức cho sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô. Thách thức từ việc duy trì và phát triển các không gian văn hóa sáng tạo.

Hà Nội đã và đang nỗ lực tìm kiếm con đường bứt phá phù hợp, tận dụng cơ hội, phát huy điểm mạnh, hạn chế điểm yếu, vượt qua thách thức để phát triển thương hiệu Thành phố sáng tạo. Mục tiêu lớn của Hà Nội trong tương lai gần là sẽ trở thành “Kinh đô sáng tạo” của khu vực Đông Nam Á, góp phần đưa Thủ đô Hà Nội trở thành một trong những “điểm sáng” văn hóa của khu vực và thế giới.

Theo Thạc sĩ Lê Thị Trang – Viện Văn hoá và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, yếu tố quan trọng đối với tầm nhìn này chính là sự nắm bắt và phát huy các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo. Để làm được điều đó, Hà Nội cần tập trung vào một số định hướng: Trước hết là vận động các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào công nghiệp văn hóa, bằng cách kiến tạo một thị trường cho công nghiệp văn hóa, xây dựng những chính sách khuyến khích phù hợp và một quy hoạch rõ ràng, hấp dẫn cho từng ngành kinh tế sáng tạo.

Thu hút và hỗ trợ đầu tư, Thành phố đặt mục tiêu quy hoạch, bố trí quỹ đất, nguồn lực đầu tư của Nhà nước và ngoài Nhà nước cho các công trình, dự án phát triển văn hóa chất lượng cao, trong đó ưu tiên phát triển không gian công cộng, điểm du lịch văn hóa, vui chơi giải trí, nghệ thuật biểu diễn, kết hợp phố – không gian đi bộ, điểm mua sắm, mở rộng tạo không gian văn hóa dành cho cộng đồng.

Đồng thời thành phố Hà Nội cần chú trọng hình thành và phát triển mạnh mẽ hệ thống mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo trẻ – nguồn nhân lực dồi dào, tiềm năng và sẵn có của Hà Nội…

N.Hoa

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích