Hồi âm bạn đọc về vụ việc Công ty TNHH Skydoor Việt Nam có “dấu hiệu” vi phạm quyền sở hữu trí tuệ
(Xây dựng) – Báo Xây dựng nhận được đơn thư của Công ty TNHH màn ngăn cháy Việt Nam (có trụ sở tại 75C đường số 4, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh) do ông Nguyễn Dương Hùng làm Giám đốc. Công ty TNHH màn ngăn cháy Việt Nam phản ánh việc Công ty TNHH Skydoor Việt Nam đã tiến hành sử dụng sản phẩm “Màn cuốn ngăn cháy có giới hạn chịu lửa EI 70” giống sáng chế của Công ty cho mục đích thương mại, dù không có quyền sử dụng trước.
Đơn thư của Công ty TNHH màn ngăn cháy Việt Nam gửi Báo Xây dựng. |
Báo Xây dựng tóm tắt nội dung như sau:
Ngày 11/7/2022, đơn đăng ký sáng chế với tên gọi “Màng chắn ngăn cháy dạng cuốn cách nhiệt không phun nước” của Công ty TNHH màn ngăn cháy Việt Nam đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) ban hành Quyết định số 11623w/QĐ-SHTT về việc chấp nhận đơn hợp lệ. Theo đó, Cục Sở hữu trí tuệ đã ghi nhận ngày nộp đơn của sáng chế trên là ngày 18/3/2022.
Theo quy định của pháp luật về Phòng cháy chữa cháy, thì sản phẩm “Màn chắn ngăn cháy dạng cuốn cách nhiệt không phun nước” thuộc diện cần phải được kiểm định trước khi được lưu hành, sử dụng ngoài thị trường nhằm mục đích thương mại.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, Công ty TNHH màn ngăn cháy Việt Nam phát hiện Công ty TNHH Skydoor Việt Nam đã tiến hành sử dụng sản phẩm “Màn cuốn ngăn cháy có giới hạn chịu lửa EI 70” giống sáng chế “Màng chắn ngăn cháy dạng cuốn cách nhiệt không phun nước” cho mục đích thương mại, dù không có quyền sử dụng trước. Việc này, gây thiệt hại cho công ty TNHH màn ngăn cháy Việt Nam.
Ngày 15/3/2023, sau khi phát hiện sản phẩm của mình bị vi phạm quyền sáng chế, Công ty TNHH màn ngăn cháy Việt Nam đã có thư cảnh báo gửi Công ty TNHH Skydoor Việt Nam yêu cầu chấm dứt việc sản xuất kinh doanh sản phẩm “Màn cuốn ngăn cháy có giới hạn chịu lửa EI 70” trong hoạt động kinh doanh; gỡ bỏ tất cả các biển hiệu, poster quảng cáo sử dụng hình ảnh sản phẩm “Màn cuốn ngăn cháy có giới hạn chịu lửa EI 70” trong hoạt động kinh doanh; gỡ bỏ các thông tin trên mạng internet có chứa hình ảnh quảng cáo “Màn cuốn ngăn cháy có giới hạn chịu lửa EI 70”, thu hồi toàn bộ sản phẩm “Màn cuốn ngăn cháy có giới hạn chịu lửa EI 70” còn lưu giữ trong kho, phân phối bên ngoài thị trường trong phạm vi cả nước.
Tuy nhiên từ đó đến nay, chúng tôi không thấy Công ty TNHH Skydoor Việt Nam có động thái thực hiện các yêu cầu của công ty chúng tôi. Công ty TNHH Skydoor Việt Nam đã cố tình vi phạm, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của công ty chúng tôi, làm tổn hại uy tín và doanh số của công ty chúng tôi. Việc làm của Công ty TNHH Skydoor Việt Nam gây ảnh hưởng xấu đến thị trường cạnh tranh lành mạnh, môi trường kinh doanh của Việt Nam, coi thường pháp luật.
Qua nghiên cứu đơn thư, Báo Xây dựng nhận thấy, thẩm quyền giải quyết vụ việc trên thuộc các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Vì vậy, Báo Xây dựng hồi âm bạn đọc và đề nghị các cơ quan chức năng kiểm tra, giải quyết vụ việc theo đúng quy định của pháp luật.
Căn cứ Điều 131 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2006, được sửa đổi, bổ sung năm 2009, năm 2019 và năm 2022 quy định về quyền tạm thời đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí như sau: 1. Trường hợp người nộp đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp biết rằng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp đang được người khác sử dụng nhằm mục đích thương mại và người đó không có quyền sử dụng trước thì người nộp đơn có quyền thông báo bằng văn bản cho người sử dụng về việc mình đã nộp đơn đăng ký, trong đó chỉ rõ ngày nộp đơn và ngày công bố đơn trên Công báo sở hữu công nghiệp để người đó chấm dứt việc sử dụng hoặc tiếp tục sử dụng. 2. Đối với thiết kế bố trí đã được người có quyền đăng ký hoặc người được người đó cho phép khai thác thương mại trước ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nếu người có quyền đăng ký biết rằng thiết kế bố trí đó đang được người khác sử dụng nhằm mục đích thương mại thì người đó có quyền thông báo bằng văn bản về quyền đăng ký của mình đối với thiết kế bố trí đó cho người sử dụng để người đó chấm dứt việc sử dụng thiết kế bố trí hoặc tiếp tục sử dụng. 3. Trong trường hợp đã được thông báo quy định tại khoản (1) và (2) Điều này mà người được thông báo vẫn tiếp tục sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí thì khi Bằng độc quyền sáng chế, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn được cấp, chủ sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí có quyền yêu cầu người đã sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí phải trả một khoản tiền đền bù tương đương với giá chuyển giao quyền sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí đó trong phạm vi và thời hạn sử dụng tương ứng. |
Nguồn: Báo xây dựng