Tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu có thể khiến 200 triệu người phải di cư
Tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu có thể khiến 200 triệu người phải di cư
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank) công bố hôm 13/9 cho biết biến đổi khí hậu là một nguyên nhân dẫn tới việc di cư ngày càng nhiều.
Trước đó, trong báo cáo năm 2018, các nhà nghiên cứu ngân hàng chủ yếu đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với việc di cư ở Nam Á, Mỹ Latinh và châu Phi cận Sahara, với dự báo khoảng 143 triệu người ở những khu vực này có thể buộc phải rời bỏ nhà cửa vào năm 2050.
Như vậy, số liệu dự báo cập nhật mới đây (216 triệu người) tương ứng với khoảng 3% trong tổng số dân dự kiến ở các khu vực được tiến hành nghiên cứu.
Phần thứ hai của báo cáo Groundswell do Ngân hàng Thế giới (World Bank) công bố hôm 13/9 xem xét tác động của biến đổi khí hậu diễn ra chậm như khan hiếm nước, năng suất cây trồng giảm và mực nước biển dâng cao có thể dẫn đến hàng triệu người mà báo cáo mô tả là “người di cư khí hậu” vào năm 2050 dưới các kịch bản khác nhau.
Các kịch bản này tùy theo mức độ của phát triển kinh tế và biến đổi khí hậu.
+Theo kịch bản bi quan nhất: với mức phát thải cao và sự phát triển không đồng đều, báo cáo dự báo có tới 216 triệu người di chuyển trong quốc gia của họ trên sáu khu vực được phân tích. Các khu vực đó là Châu Mỹ Latinh; Bắc Phi; Châu Phi cận Sahara; Đông Âu và Trung Á; Nam Á; và Đông Á và Thái Bình Dương.
+ Trong kịch bản thân thiện với khí hậu nhất: với mức phát thải thấp và phát triển bền vững, đồng đều, số lượng người di cư có thể thấp hơn 80% nhưng vẫn dẫn đến việc di chuyển của 44 triệu người.
Báo cáo không xem xét các tác động ngắn hạn của biến đổi khí hậu, chẳng hạn như ảnh hưởng đến các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.
Chuyên gia cao cấp về biến đổi khí hậu tại Ngân hàng Thế giới, tác gải bài viết, Viviane Wei Chen Clement cho biết, các phát hiện “khẳng định lại khả năng của khí hậu trong việc thúc đẩy di cư trong các quốc gia”.
Báo cáo cập nhật nêu rõ biến đổi khí hậu là một nguyên nhân dẫn tới việc di cư ngày càng nhiều. Tình trạng thiếu lương thực và nước uống cùng hiện tượng nước biển dâng càng cho thấy tính cấp thiết phải hành động khi sinh kế và phúc lợi của con người ngày càng bị đe dọa.
+ Trong trường hợp xấu nhất: châu Phi cận Sahara – khu vực dễ bị tổn thương nhất do sa mạc hóa, bờ biển khúc khuỷu và sự phụ thuộc của người dân vào nông nghiệp – sẽ có sự di chuyển nhiều nhất, với tới 86 triệu người di cư vì khí hậu trong biên giới quốc gia.
Tuy nhiên, Bắc Phi được dự đoán là nơi có tỷ lệ người di cư vì khí hậu lớn nhất, với 19 triệu người di chuyển, tương đương khoảng 9% tổng dân số của khu vực này, chủ yếu do khan hiếm nước gia tăng ở bờ biển đông bắc của Tunisia, bờ biển tây bắc của Algeria, phía tây và phía nam Morocco, và chân đồi trung tâm Atlas, báo cáo cho biết.
Ở Nam Á, Bangladesh đặc biệt bị ảnh hưởng bởi lũ lụt và mất mùa, chiếm gần một nửa dự báo về số người di cư do khí hậu, với 19,9 triệu người, bao gồm cả tỷ lệ phụ nữ ngày càng tăng, sẽ di chuyển vào năm 2050 theo kịch bản bi quan.
Báo cáo cũng cảnh báo rằng các điểm nóng di cư có thể xuất hiện trong vòng một thập kỷ tới và tăng cường vào năm 2050. Cần có kế hoạch cho cả những khu vực mà mọi người sẽ chuyển đến và những khu vực họ rời đi để giúp đỡ những người ở lại.
Trong số các hành động được đề xuất có kiến nghị đạt được “lượng phát thải ròng bằng không vào giữa thế kỷ này để có cơ hội hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C” và đầu tư vào phát triển “xanh, chống chịu và bao trùm, phù hợp với Thỏa thuận Paris”.
Việt Nam cũng là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu và đặc biệt là hiện tượng nước biển dâng, tăng sự xâm mặn, lượng mưa tăng và hạn hán trầm trọng hơn. Vì vậy những giải phát là rất cần thiết để có được sự phát triển bình thường và bền vững hơn trươc những tác động của biến đổi khí hậu./.
A Hạ (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị