Hà Nội: Sinh viên chật vật với nỗi lo chỗ ở
Hà Nội: Sinh viên chật vật với nỗi lo chỗ ở
Hiện nay, nhu cầu ở nhà trọ ngày một tăng cao, đặc biệt là đối với sinh viên. Nhiều bạn trẻ khó có thể tìm được cho mình một nơi ở tốt mà phù hợp với giá tiền.
Giá nhà trọ tăng nhanh
Theo báo cáo của Batdongsan.com.vn, nhu cầu tìm thuê bất động sản toàn quốc đã tăng 101% so với cùng kỳ năm 2022. Tại Hà Nội, nhu cầu thuê chung cư và nhà trọ cũng dẫn dắt thị trường với lượt tìm thuê căn hộ tăng 112% và nhà trọ tăng 38%.
Theo khảo sát, vào thời điểm cuối năm 2022, đầu năm 2023, giá nhà trọ tại Hà Nội, đặc biệt ở các khu vực đông các trường đại học như khu vực Cầu Giấy, Chùa Láng, Hai Bà Trưng… có dấu hiệu tăng đột biến. Ngay trong những tháng đầu năm 2023, giá thuê trung bình của nhà trọ ở Hà Nội đã tăng mạnh hơn, cụ thể, mặt bằng giá thuê nhà trọ ở Hà Nội tăng hơn 33%.
Tùy vào vị trí của từng khu vực cũng như diện tích phòng mà giá thuê sẽ tăng khác nhau. Ở nhiều khu vực, giá phòng đã nhích lên thêm 100-300 nghìn đồng/tháng. Thậm chí tại một số nơi chủ trọ còn rục rịch kế hoạch tăng giá thuê khoảng từ 200-350 nghìn đồng/tháng.
Nhiều chủ trọ lý giải, năm nay số lượng sinh viên từ các tỉnh lên Hà Nội học rất đông, nhu cầu thuê trọ tăng mạnh. Trong khi đó, số lượng nhà trọ xây mới không nhiều, cầu nhiều hơn cung dẫn đến việc nhiều chủ trọ muốn tăng giá thuê lên cao hơn so với trước đó.
Trung bình, người thuê trọ phải mất từ 3-5 triệu đồng/tháng cho một phòng diện tích từ 15-20m2. Còn những căn chung cư mini đầy đủ tiện nghi, có nhà vệ sinh khép kín sẽ có giá từ 5-7 triệu đồng/tháng.
Nhu cầu tăng đi kèm với giá thuê tăng đã gây ra không ít phiền toái cho đối tượng thuê, đặc biệt là các bạn sinh viên trẻ đang muốn tìm được nơi ở phù hợp.
Muốn thuê được phòng, nhiều sinh viên phải ở ghép với những người xa lạ hoặc phải đi xa hơn vị trí trường học để có giá thuê vừa túi. Đặc biệt, một số người chấp nhận ở những khu trọ giá rẻ với điều kiện phòng trọ không đảm bảo an toàn, gây ảnh hưởng lớn tới việc học tập vì không thể thuê được phòng tốt hơn.
Sinh viên gặp nhiều khó khăn
Theo em Trịnh Phan Thùy Nhung hiện đang là sinh viên năm nhất Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, để đảm bảo với nhu cầu học tập và sinh hoạt, Nhung quyết định tìm những phòng trọ ở quận gần với khu vực mình học tập như quận Hai Bà Trưng. Đối với Nhung, việc tìm được một căn phòng trọ ưng ý vào thời điểm này dường như khá khó khăn, đặc biệt ở thời điểm đầu năm học.
“Em thấy khoảng thời gian các tân sinh viên nhập học là tìm phòng khó khăn nhất do nhu cầu tìm nhà trọ thời điểm đó là cực kỳ lớn. Em đã đến xem rất nhiều phòng trọ, nhưng đều thấy cơ sở vật chất không tương xứng với giá tiền, có lẽ do nhu cầu cao nên họ tăng giá phòng lên cao”.
Vì lý do trên, Nhung đã quyết định tìm một căn nhà trọ có giá thấp hơn, ở ghép cùng ba sinh viên có nhu cầu thuê mặc dù thực tế căn phòng này còn có vị trí xa hơn so với dự định ban đầu.
“Dù vị trí phòng hơi bất tiện với việc đi học của em nhưng em đã quyết định thuê căn phòng này vì đó là lựa chọn tốt nhất và hợp lý với ngân sách của em vào thời điểm đó”, Nhung nói.
Cũng giống như Nhung, Ma Thị Thu Thảo hiện là sinh viên của Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã tìm và thuê một căn phòng trọ có diện tích khoảng 15m2 tại khu vực Đống Đa, Hà Nội. Căn phòng nhỏ dành cho một người ở, có vị trí không mấy thuận tiện vì nằm trong hẻm, khá xa trường học, bệnh viện… nhưng lại có giá phòng đắt đỏ và chủ nhà lại lâu lâu tăng giá một lần.
“Khu vực mà em ưu tiên tìm trọ có mức giá khá cao, khoảng 4 triệu đến 5 triệu đồng tùy theo vị trí của từng phòng. Căn phòng em đang ở lúc mới vào có giá khoảng gần 4 triệu đồng, nhưng đến thời điểm hiện tại nó tăng thêm 100 nghìn đồng. Mỗi lần có người thuê mới vào thì chủ trọ sẽ tăng thêm một chút.
Mỗi lần chủ phòng tăng giá như vậy em lại thấy đau đầu vì vấn đề chỗ ở, vì tiền sinh hoạt không đủ để trả tiền phòng. Sau đó em phải vào các hội nhóm trên mạng xã hội để tìm những căn phòng có giá tầm trung nhưng vẫn rất khó. Cuối cùng em phải đi làm thêm để kiếm tiền trang trải sinh hoạt phí, tiền làm thêm của sinh viên không nhiều mà còn dành để trả tiền trọ hết”, Thảo nói.
Cũng như nhiều bạn tân sinh viên khác, em Nguyễn Văn Hoàng – tân sinh viên Trường Đại học Bách Khoa cũng vừa thuê được phòng trọ giá hơn 4 triệu đồng/tháng cho 3 người ở.
Do không tìm được phòng ưng ý trong khoảng thời gian rất lâu, Hoàng đã phải nhờ qua môi giới. Dù vậy, cũng phải xem qua 4 phòng, Hoàng mới quyết định thuê phòng trọ hiện tại.
“Em không hiểu tại sao các chủ trọ lại thổi giá trọ lên như vậy, phòng trọ của em chỉ có 15m2 và cách trường hơn 2km. Em thuê vì không còn lựa chọn nào khác, chỉ sợ đi học không có phòng để ở. Em chỉ mong giá nhà sớm bình ổn một chút, nếu không những sinh viên như chúng em rất khó xoay xở tiền thuê và tiền để sống”, Hoàng lo lắng nói.
Trước tình hình giá phòng trọ tăng cao, một số sinh viên đã chọn ở ký túc xá hoặc xin ở nhờ nhà anh chị, người thân để cắt giảm bớt chi phí cho gia đình. Tuy nhiên, không phải sinh viên nào cũng có điều kiện ở như vậy, vẫn bắt buộc phải tìm thuê nhà trọ, dù giá đang tăng rất cao.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị