Vĩnh Phúc: Đẩy nhanh tiến độ Dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa đền thờ Nguyễn Duy Thì

(Xây dựng) – Đền thờ Nguyễn Duy Thì tại thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên có niên đại cách đây khoảng 400 năm, được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 1992. Hiện nay, ngôi đền đã bị xuống cấp, các hạng mục kiến trúc, cảnh quan và phụ trợ tại di tích chưa được quy hoạch đồng bộ, ảnh hưởng đến nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân và phát huy giá trị của di tích.

Vĩnh Phúc: Đẩy nhanh tiến độ Dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa đền thờ Nguyễn Duy Thì
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan yêu cầu công trình phải được khởi công xây dựng trong tháng 8/2023.

Đền thờ Nguyễn Duy Thì (hay còn gọi là đền thờ Quan Thượng Láng) nay thuộc Tổ dân phố Đoàn Kết, thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên. Đền thờ là nơi thờ cúng Tế tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Duy Thì – vị quan khi xưa với bài khải “Đạo trị nước” dâng chúa Trịnh.

Theo lịch sử, Nguyễn Duy Thì (1571-1652), đỗ Tiến sỹ năm 27 tuổi (khoa thi năm Mậu Tuất (1598) đời Vua Lê Thế Tông). Sau khi đỗ đạt, cụ Nguyễn Duy Thì được triều đình Lê Trịnh trọng dụng, cử đi sứ sang nhà Minh, trở về được thăng quan, cấp nhiều bổng lộc. Suốt 50 năm làm quan, cụ lần lượt được thăng chức từ Tham tụng… Thượng thư bộ Lại, có những chức ngang hàng Tể tướng, giúp chúa Trịnh điều hành mọi công việc trong phủ Chúa.

Là một trí thức có vị trí và vai trò quan trọng trong xã hội Việt Nam thời Lê Trung Hưng, Nguyễn Duy Thì đã đem hết sức mình cống hiến cho sự ổn định tình hình chính trị đất nước ở buổi đầu thời Lê Trịnh, trong thì giữ yên chính trị, ngoài thì trấn áp phản loạn, khôi phục mối bang giao hữu hảo với phía Bắc, giữ gìn tình cảm truyền thống người Việt với nhà Nguyễn ở phía Nam; một lòng trung quân, ái quốc, thương dân.

Công lao của cụ Nguyễn Duy Thì với triều đình Lê – Trịnh nói riêng, với quốc gia Đại Việt rất lớn lao, cụ được xếp vào hàng 38 vị phù tá có công lao tài đức của nhà Lê Trung Hưng. Ngoài quan chức triều đình, cụ còn là nhà giáo dục, nhà văn, nhà thơ. Cụ được cử làm phó chủ khảo hai khoa thi Đình là Khoa Quý Sửu, niên hiệu Hoằng Định, đời vua Lê Kính Tông (1613) và khoa Đinh Sửu, niên hiệu Dương Hòa, đời vua Lê Thần Tông (1630).

Sau khi cụ mất, phủ đường nơi cụ từng ở và làm việc mỗi khi về quê được sử dụng làm nơi đặt bài vị thờ cụ, được nhân dân địa phương trân trọng, bảo vệ và giữ gìn cho đến ngày nay.

Đền thờ Nguyễn Duy Thì được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 1992. Đền hiện có mặt bằng kiến trúc kiểu chữ “Nhị” quy mô 5 gian tiền tế và 5 gian hậu cung. Hiện nay, di tích còn lưu giữ được nhiều hiện vật, tư liệu quý như chiếc đòn võng; một bản chúc thư (sao lại năm 1780); 34 đạo sắc phong và các đồ thờ có giá trị khác như án gian, ngai thờ, hoành phi, câu đối…

Tuy nhiên, do xây dựng lâu đời, trải qua thời gian, hiện nay ngôi đền đã và đang xuống cấp nghiêm trọng, các hạng mục kiến trúc, cảnh quan và phụ trợ tại di tích chưa được quy hoạch đồng bộ, ảnh hưởng đến nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân và phát huy giá trị của di tích.

Vĩnh Phúc: Đẩy nhanh tiến độ Dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa đền thờ Nguyễn Duy Thì
Đền thờ Nguyễn Duy Thì tại tổ dân phố Đoàn Kết, thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên.

Ngày 21/4/2023, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định số 876 phê duyệt nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư Dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa đền thờ Nguyễn Duy Thì từ nguồn vốn đầu tư công ngân sách tỉnh, thời gian chuẩn bị thực hiện trong năm 2023-2024. Việc tu bổ, tôn tạo đền thờ Nguyễn Duy Thì nhằm giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử văn hóa của di tích, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng và đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, tạo điểm đến về văn hóa du lịch cho huyện Bình Xuyên và tỉnh Vĩnh Phúc.

Tại buổi kiểm tra tiến độ thực hiện Dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa đền thờ Nguyễn Duy Thì vào sáng 3/5/2023, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan nhấn mạnh: Đây là công trình văn hóa lớn của tỉnh, không chỉ là nơi thờ tự mà còn lan tỏa niềm tự hào của người dân Vĩnh Phúc về một vị tướng tài giỏi, song toàn. Do đó, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; giao UBND huyện Bình Xuyên xem lại tổng thể các hạng mục, có thể triển khai trước một số hạng mục; sớm có phương án bồi thường, di dời 8 hộ dân sống gần đó để bàn giao mặt bằng cho dự án. Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu chậm nhất tháng 8/2023 công trình phải được khởi công xây dựng.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích