Xác định bảng giá đất sẽ được ban hành hàng năm

Theo phân tích, tổng kết thi hành Luật Đất đai 2013 cho thấy rất ít địa phương thực hiện việc công bố bảng giá đất 5 năm một lần và điều chỉnh khi có biến động 20%. Việc này làm cho bảng giá đất chưa phù hợp với diễn biến thị trường.

Để đảm bảo tính khả thi khi bỏ khung giá đất, đưa ra cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, Chính phủ cho biết, bảng giá đất hiện hành sẽ được sử dụng đến hết năm 2025. Tức là, từ năm 2026 sẽ áp dụng bảng giá đất mới được xây dựng theo nguyên tắc thị trường.

Với quy định này, các địa phương có đủ thời gian xây dựng, đưa ra bảng giá đất mới từ khi luật có hiệu lực thi hành đến cuối năm 2025.

Từ năm 2026 sẽ áp dụng bảng giá đất mới được xây dựng theo nguyên tắc thị trường. Ảnh minh họa.

Trước đó, một trong những điểm mới của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là bỏ khung giá đất do Chính phủ ban hành định kỳ 5 năm/lần. Đây được xem là quy định sẽ là “cởi trói” cho bảng giá đất địa phương, giúp cho việc định giá đất phù hợp với giá thị trường.

Tuy nhiên, cũng có nhiều lo ngại rằng công tác định giá thành lập bảng giá đất theo giá thị trường chắc chắn sẽ là thách thức lớn với các địa phương, ít nhất là ở giai đoạn đầu.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng cho rằng quy định bảng giá đất hàng năm sẽ không thực sự khả thi. Ông Lê Gia Chinh – Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Phát triển ứng dụng Khoa học công nghệ đất đai, Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường cho rằng, cần cân nhắc đến tính khả thi của quy định này, vì việc xây dựng bảng giá đất tốn khá nhiều thời gian, nhất là thời gian thực hiện các thủ tục theo quy định, nên thực hiện hàng năm sẽ có tính khả thi thấp.

Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng quy định này sẽ làm tăng khối lượng công việc rất lớn cho các cơ quan Nhà nước cấp tỉnh, nhất là Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Cục Thuế, Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Phân tích rõ hơn, ông Châu cho biết hiện chưa xây dựng được chính quyền điện tử, hoạt động của bộ máy hành chính chưa được số hóa, chưa xây dựng được “cơ sở dữ liệu giá đất đầu vào” đầy đủ, đáng tin cậy, cập nhật theo thời gian thực (update real time), chưa xây dựng được “cơ sở dữ liệu về giá đất” theo “vùng giá trị đất, giá thửa đất chuẩn”.  

Còn theo quy định hiện hành, bảng giá đất được xây dựng định kỳ 5 năm một lần. Nhưng do bị khống chế bởi cơ chế khung giá đất nên bảng giá đất không đảm bảo sự phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường, không phát huy được vai trò của bảng giá đất trong giai đoạn thực hiện Luật Đất đai 2013.

Theo đó, ông Châu cho rằng cơ chế bảng giá đất định kỳ 5 năm một lần và được xem xét điều chỉnh bằng các hệ số điều chỉnh giá đất hàng năm hoặc theo đối tượng, xét một cách thật khách quan thì có tính hợp lý, sát với thực tiễn, phù hợp với khả năng, trình độ hiện tại của bộ máy hành chính nước ta, do đó nên được kế thừa trong xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi).

Trong khi đó, theo TS Nguyễn Vinh Huy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM dù quy định này chưa mang tính khả thi, nhưng có ưu điểm là bảo đảm sự cập nhật kịp thời với biến động giá đất trên thị trường. Vị chuyên gia cũng lưu ý nếu có sự thay đổi về kỳ xây dựng bảng giá đất, cần đánh giá khả năng thực tế địa phương có đáp ứng được yêu cầu triển khai quy định này hay không? 

Nguồn: hoanhap.vn

Bạn cũng có thể thích