Thành phố bền vững giữa sa mạc ở Dubai
Thành phố bền vững giữa sa mạc ở Dubai
“Tại thành phố này, những hóa đơn điện thường là 0 đồng. Chúng tôi áp dụng mọi giải pháp tối ưu cho năng lượng từ việc thiết kế tường, cửa sổ, loại sơn, hướng nhà…”
Có thể nói, càng ngày con người càng cảm nhận sâu sắc hơn những mặt trái của phát triển tới tự nhiên từ ô nhiễm, hiệu ứng nhà kính cho tới khan hiếm năng lượng. Tuy nhiên, có một thành phố nhỏ tại Trung Đông lại đang kỳ vọng sẽ tìm ra lời giải cho tất cả những vấn đề này, đặc biệt thành phố đó được xây dựng nên từ một sa mạc vốn chỉ toàn nắng và cát tại Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất). Đó là “Sustainable City” (Thành phố Bền vững) ở ngoại ô Dubai.
Thành phố Bền vững tại Dubai (thuộc Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất- UAE) là mô hình thành phố bền vững đầu tiên ở Trung Đông, mở ra triển vọng mới về những thành phố cực kỳ hiện đại và thân thiện với môi trường trên thế giới trong tương lai.
Được thành lập vào năm 2015, Thành phố Bền vững rộng khoảng 46ha với hơn 2.700 cư dân đang hướng tới mục tiêu trở thành hình mẫu cho cuộc sống thân thiện với môi trường tại Trung Đông. Thành phố đã được Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (liên minh chính trị và kinh tế của tất cả các quốc gia Ả Rập ở Vịnh Ba Tư ngoại trừ Iraq, với nhiều mục tiêu kinh tế và xã hội) công nhận là “Cộng đồng Hạnh phúc nhất” trong ba năm qua.
Thành phố cũng đang nỗ lực để trở thành thành phố “Net Zero Energy” đầu tiên ở Dubai, tức là một thành phố cân bằng về năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo để sản xuất ra lượng năng lượng bằng với lượng năng lượng tiêu thụ từ lưới điện mỗi năm. Dựa trên các mục tiêu đó, Thành phố được xây dựng với cách tiếp cận ba cấp độ bền vững, bao gồm bền vững về xã hội, môi trường và kinh tế. Các nhà phát triển của thành phố mong muốn tạo ra một cộng đồng tự duy trì và thúc đẩy lối sống có ý thức.
Thành phố có năm cụm dân cư, mỗi cụm đều có trang trại đô thị riêng. Các trang trại nằm trong nhà kính mái vòm, có hệ thống nuôi trồng thủy sản thông thường kết hợp thủy canh (aquaponics). Toàn thành phố có tổng cộng 11 nhà kính mái vòm, cung cấp hơn 3.000m2 đất canh tác đô thị theo hướng bền vững. Nước thải sinh hoạt của thành phố được tái chế để thành nước tưới.
Quảng trường với các cửa hàng, nhà hàng, quán cà phê, văn phòng, căn hộ… của thành phố được thiết kế theo hướng tiết kiệm năng lượng. Biên giới của Thành phố được bao quanh bằng hơn 2.500 cây xanh, hoạt động như một vùng đệm chống lại các chất ô nhiễm và lọc không khí từ bên ngoài vào.
Đây là thành phố đầu tiên tại Trung Đông hoàn toàn không sử dụng năng lượng hóa thạch mà xe điện là phương tiện cơ giới duy nhất. Toàn bộ nhu cầu năng lượng của thành phố được đáp ứng thông qua những tấm pin Mặt trời trên mái nhà.
Tiến sỹ Muawieh Radaideh – cư dân của thành phố – cho hay: “Tại thành phố này, những hóa đơn điện thường là 0 đồng. Chúng tôi áp dụng mọi giải pháp tối ưu cho năng lượng từ việc thiết kế tường, cửa sổ, loại sơn, hướng nhà… Từ đó, các tấm pin năng lượng mặt trời có thể đáp ứng đủ nhu cầu điện cho cả thành phố”.
Thành phố còn cung cấp các ưu đãi cho người dân khi mua ô tô điện, bãi đậu xe được che bóng bởi các tấm pin mặt trời. Thành phố cũng đang phát triển dự án “Con người bền vững” (The Sustainable Human Project) do Phil Dunn – kiến trúc sư cảnh quan và là cư dân của thành phố – khởi xướng. Dự án được khởi động vào tháng 11 năm 2020, đang thử nghiệm cuộc sống bền vững trong thành phố trong suốt một năm.
Dự án bao gồm việc tự trồng thực phẩm trong các trang trại cộng đồng, tự sản xuất các sản phẩm từ gỗ… rồi trao đổi với những người hàng xóm để lấy những thứ cần thiết khác, tạo ra một nền kinh tế tuần hoàn quy mô nhỏ.
Tại thành phố bền vững, cư dân có thể tự trồng rau trên sa mạc. Khi nắng nóng cao điểm, việc canh tác sẽ được chuyển vào những trang trại mái vòm – nơi nhiệt độ được giữ ở mức 25 độ C nhờ một hệ thống làm mát cũng được chạy hoàn toàn bằng năng lượng Mặt trời.
Chị Anandi Benians – cư dân tại thành phố Bền vững, Dubai cho biết: “Khi bắt đầu cuộc sống bền vững, bạn sẽ phải bỏ các chi phí lắp đặt các tấm pin năng lượng Mặt trời, hệ thống lọc, tái chế nước thải. Nhưng sau một thời gian, bạn nhận ra mình đã tiết kiệm được rất nhiều, từ các hóa đơn điện, hay có thể tái sử dụng nước sinh hoạt”.
Hiện Dubai đang tiếp tục phát triển tầm nhìn tiểu vương bền vững. Công nghệ được xem không còn là rào cản, mà quan trọng là thay đổi nhận thức, xóa đi hoài nghi của con người về cuộc sống bền vững.
“Có thể sống bền vững trên sa mạc có nghĩa là chúng ta có thể sống bền vững ở bất cứ đâu. Dĩ nhiên, mỗi nơi cần có những cách thức bền vững riêng như ở Việt Nam không dồi dào ánh nắng như sa mạc, có thể dùng kết hợp năng lượng Mặt trời với năng lượng như gió, biogas hay các nguồn năng lượng khác”, Tiến sỹ Muawieh Radaideh cho hay.
Sau thời đại mà dầu mỏ được ví như “vàng đen” của các nền kinh tế nùng Vịnh thì nay các nguồn năng lượng tái tạo lại đang được ví như một thứ “vàng xanh”. Những dự án như tại đây chỉ là những bước đi đầu tiên, tuy nhiên là minh chứng cho thấy một cuộc sống phát triển, dựa hoàn toàn trên các nguồn năng lượng tái tạo có thể không còn là điều gì quá xa vời.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị