Lần đầu mở cửa đón khách, trụ sở UBND TP.HCM đón gần 1.500 khách tham quan
Theo Sở Du lịch TP.HCM, qua 2 ngày tổ chức, trụ sở HĐND và UBND TP.HCM đã đón tiếp 51 đoàn với gần 1.500 khách tham quan trong nước và quốc tế. Khách đến tham quan được đón tiếp chu đáo, tất cả các đoàn tham quan đều tuân thủ các hướng dẫn về an ninh an toàn, các quy định phòng chống dịch Covid-19 và nội quy tham quan.
Riêng ngày 30/4, trụ sở HĐND và UBND TP.HCM đã đón tiếp 27 đoàn tham quan với hơn 800 khách gồm người dân Thành phố, du khách trong nước đến từ nhiều tỉnh thành xa như Hà Nội, Hà Giang…, khách quốc tế, văn nghệ sĩ…
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trò chuyện với khách tham quan trụ sở UBND TP.HCM ngày 30/4. Ảnh: Sở Du lịch TP.HCM |
Ban Tổ chức cũng đã gửi thư cảm ơn cho từng khách trước khi du khách hoàn thành chương trình tham quan, trên thư có QR code để tải ảnh lưu niệm (chụp tập thể) và các thông tin giới thiệu thêm về công trình kiến trúc.
Đặc biệt, trụ sở đã đón vị khách 96 tuổi, Trung tá Nguyễn Văn Thành, thương binh (ngụ ấp 5, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè), cùng gia đình vào tham quan. Gia đình ông Thành cho biết theo truyền thống, ngày 30/4 hàng năm, mọi người đều đưa ông tham quan Hội trường Thống Nhất.
Khi biết năm nay, trụ sở HĐND và UBND TP.HCM mở cửa phục vụ tham quan, gia đình đưa ông Thành đến cùng tham quan với các du khách khác và mong hoạt động này cũng sẽ trở thành truyền thống ngày 30/4 hàng năm của gia đình.
Trụ sở UBND TP.HCM là công trình được xây dựng từ năm 1889, mang phong cách nghệ thuật Phục Hưng. |
Đáng chú ý, ngày 30/4, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã có mặt tại trụ sở và chào hỏi, trò chuyện, chụp ảnh lưu niệm với khách tham quan. Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cũng chúc sức khỏe và lắng nghe ý kiến của khách thăm quan đánh giá về chương trình. Ông Phan Văn Mãi đề nghị ban tổ chức tiếp tục vận hành đồng bộ, chu đáo chương trình để mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho các vị khách.
Trụ sở UBND TP.HCM được xây dựng từ năm 1889 và hoàn thành vào năm 1909. Đây là công trình do kiến trúc sư nổi tiếng Femand Gardès thiết kế và Nhà điêu khắc Louis – Lucien Ruffier đảm nhiệm phần trang trí kiến trúc ngoại thất ngoài. Lấy hình mẫu từ tòa thị chính ở Paris theo phong cách Phục Hưng, công trình được thiết kế theo dạng lầu chuông đúc cao – kiểu kiến trúc phổ biến ở miền Bắc nước Pháp với phần chính giữa là tháp nhọn nhô cao, hai bên có tầng mái cân đối. Trang trí bên ngoài toà nhà có sự pha trộn của nhiều phong cách kiến trúc châu Âu như bố cục mặt bằng kiểu Phục Hưng và các chi tiết trang trí đều mang độ tinh xảo, sắc nét cao. Sau khi hoàn thành, toà nhà được chính quyền Pháp thuộc gọi tên là Hotel de ville, còn người Việt thường gọi là Dinh xã Tây. Đến thời Việt Nam Cộng hòa, tòa nhà được đổi tên là Tòa đô chánh Sài Gòn. Sau năm 1975, nơi này trở thành trụ sở UBND TP.HCM. Cùng với một số công trình như Nhà thờ Đức Bà, Nhà hát Lớn, Bưu điện TP.HCM, Tòa án nhân dân TP.HCM…, trụ sở UBND TP.HCM là một trong những di sản kiến trúc Pháp còn lại của TP.HCM. Năm 2020, toà nhà đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. |
Nguồn: Báo lao động thủ đô