Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn điều chỉnh cụ thể đến từng bài của từng môn học tiểu học năm 2021-2022

Theo hướng dẫn chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học năm 2021-2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, với lớp 1, 2, nhà trường nghiên cứu chương trình môn học, mạch nội dung, kiến thức, chủ đề học tập và nội dung trong sách giáo khoa để xây dựng chủ đề dạy học trên cơ sở tích hợp một số nội dung và yêu cầu cần đạt.

Các trường ưu tiên dạy nội dung hình thành kiến thức mới, môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc. Việc sắp xếp chủ đề học tập cần phù hợp với hình thức dạy học trực tuyến hoặc có thể hướng dẫn cho học sinh tự học với sự hỗ trợ của phụ huynh.

Bộ cũng hướng dẫn điều chỉnh cụ thể đến từng bài của từng môn học ở phần phụ lục. Chẳng hạn ở môn Tiếng Việt 1, giáo viên được phép căn cứ vào trình độ học sinh để chủ động phân phối nội dung, thời lượng dạy học sao cho đảm bảo các em đạt được yêu cầu cần đạt của môn học một cách chắn chắn và không để tình trạng không biết đọc, biết viết tiếng Việt khi lên lớp 2.

Ở một số môn học khác, trong một vài chủ đề học tập, giáo viên phối hợp với phụ huynh để hướng dẫn học sinh thực hành yêu cầu cần đạt. Như ở môn Tự nhiên và Xã hội, mạch chủ đề “Gia đình” sẽ thực hiện theo cách này. Thầy cô cũng được linh hoạt thay đổi kế hoạch dạy học từng môn.

Ngoài điều chỉnh chương trình, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường bố trí thời gian thực hiện sao cho phù hợp với từng hình thức dạy học và không gây áp lực đối với học sinh, đảm bảo cuối năm đạt được yêu cầu cần đạt.

Chủ động, linh hoạt xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường phù hợp với tình hình dịch bệnh.

Với lớp 3, 4 và 5, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn nhà trường rà soát nội dung chương trình, sách giáo khoa, mức độ cần đạt của từng khối lớp đối với các môn học bắt buộc để điều chỉnh kế hoạch dạy học phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương, nhất là những địa bàn Covid-19 diễn biến phức tạp.

Việc điều chỉnh sẽ theo hướng tinh giản mức độ yêu cầu về kiến thức, kỹ năng đối với từng môn học; tinh giản nội dung có trong sách giáo khoa vượt quá mức độ cần đạt về chuẩn kiến thức, kỹ năng ở từng lớp, nội dung trùng lặp trong môn học và giữa các môn.

Ngoài ra, các nhà trường cũng cần tích hợp một số nội dung trong môn học và giữa các môn thành chủ đề học tập để tiết kiệm thời gian nhưng vẫn đảm bảo quy định của chương trình.

Tương tự với lớp 1, Bộ cũng đưa ra phụ lục hướng dẫn, trong đó nhiều bài học đã được giảm yêu cầu cần đạt, giảm bài tập, ghép thành chủ đề, cho phép giáo viên lựa chọn một trong số nội dung tương đương để dạy học, hoặc yêu cầu học sinh tự học ở nhà.

Ví dụ ở môn Tiếng Việt lớp 3, học sinh sẽ tự học thuộc lòng ở nhà bài tập đọc “Hai bàn tay em”. Tuần học đầu tiên có hai tiết chính tả là tập chép “Cậu bé thông minh” và nghe – viết “Chơi chuyền” thì giáo viên chọn một trong hai tiết để dạy. Tuần 5 có bài tập làm văn “Tập tổ chức cuộc họp”, Bộ hướng dẫn không dạy bài này.

Với hướng dẫn này, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường tiểu học xây dựng, tổ chức thực hiện và điều chỉnh kế hoạch giáo dục nhà trường năm học 2021-2022 sao cho khoa học, phù hợp với điều kiện của nhà trường.

Khi Covid-19 được kiểm soát, các trường tập trung dạy học trực tiếp để ôn tập, bổ sung kiến thức cần thiết cho học sinh trước khi dạy học bài mới và kiểm tra đánh giá theo quy định. Các trường không tổ chức kiểm tra, đánh giá nội dung, yêu cầu đã được tinh giản; các bài không dạy hoặc đã chuyển thành đọc thêm, tự học.

Hiện cả nước có gần 20 triệu học sinh phổ thông, trong đó hơn 7,35 triệu học sinh thuộc 26 tỉnh, thành phố tổ chức học trực tuyến do ảnh hưởng của Covid-19.

Nguồn: hoanhap.vn

Bạn cũng có thể thích