30 năm xây dựng phát triển đô thị Nhơn Trạch
(Xây dựng) – Huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai được tái thành lập theo Nghị định số 51/CP ngày 21/6/1994 của Chính phủ (tách ra từ huyện Long Thành), với diện tích tự nhiên 410 km2, chiếm 6,9% diện tích toàn tỉnh, là huyện có diện tích lớn thứ 7/11 huyện, thị, thành phố.
Vị trí thuận lợi phát triển đô thị – công nghiệp
Có vị trí địa lý quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, cách trung tâm TP.HCM 30 km, cách TP Biên Hòa 40 km, với ba mặt giáp 5 con sông như: Đồng Nai, Nhà Bè, Lòng Tàu, Đồng Tranh và Thị Vải, nằm giữa 3 điểm trọng yếu về kinh tế, được xem là Tam giác vàng gồm TP.HCM – Đồng Nai – Bà Rịa – Vũng Tàu, đối diện qua các con sông là các huyện Cần Giờ, huyện Nhà Bè, Quận 7 và Quận 9 của TP.HCM. Như vậy, địa hình, địa thế thuận lợi cho phát triển đô thị công nghiệp, giao thương hàng hóa với TP.HCM và Bà Rịa – Vũng Tàu.
Được tái thành lập và xuất phát điểm là vùng đất thuần nông, với dân số 101.882 người (80% dân số sống bằng nghề nông), mức thu nhập thấp; giao thông không thuận lợi, hệ thống đường xá 90% là cấp phối sỏi đỏ, trên địa bàn các xã có trên 50 cầu khỉ và có nơi còn cách biệt với khu vực xung quanh nên nhiều vùng đất còn hoang hoá; hệ thống bưu điện chỉ mới bắt đầu xây dựng; hệ thống điện sinh hoạt mới có ở 5/12 xã và tỷ lệ hộ sử dụng điện còn thấp (24%); hệ thống chiếu sáng đường giao thông hoàn toàn chưa có; chưa có bệnh viện, chưa có trung tâm y tế huyện; chưa có khu công nghiệp, chỉ có 1 Trường THPT Nhơn Trạch; tỷ lệ hộ nghèo cao (27,6%)…
Xuất phát điểm khó khăn nhưng Nhơn Trạch có vị trí “thiên thời, địa lợi” để phát triển, nên ngay từ năm 1996 (chỉ sau 2 năm kể từ khi thành lập), Nhơn Trạch đã lập Quy hoạch tổng thể đô thị mới Nhơn Trạch, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Năm 2006, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch đô thị mới Nhơn Trạch, xác định Nhơn Trạch là một trong các trung tâm công nghiệp, thương mại – dịch vụ, du lịch, giáo dục – đào tạo và khoa học – công nghệ của tỉnh Đồng Nai và vùng trọng điểm phía Nam, hướng phát triển đạt tiêu chí của đô thị loại II.
Để hoạch định rõ mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phấn đấu xây dựng TP Nhơn Trạch đến năm 2020 đạt tiêu chí của đô thị loại II, do đó năm 2009, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 13- NQ/TU để xây dựng thành phố mới Nhơn Trạch.
Giai đoạn từ 2006 – 2015, chỉ trong vòng 10 năm, khu vực Đông Nam Bộ có sự phát triển mạnh mẽ, nhất là vị thế của tỉnh Bình Dương đã hình thành vùng “Tứ giác vàng” kinh tế gồm TP.HCM – Đồng Nai – Bà Rịa, Vũng Tàu – Bình Dương, và huyện Nhơn Trạch với lợi thế về địa lý kế cận Bà Rịa – Vũng Tàu cũng như các quận, huyện của TP.HCM phát triển mạnh, sự hình thành dự án sân bay Long Thành.
Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Nhơn Trạch, định hướng phát triển Nhơn Trạch là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh Đồng Nai; hỗ trợ các chức năng giáo dục – đào tạo, y tế, thương mại, dịch vụ hỗn hợp cho Vùng TP.HCM; là đô thị công nghiệp – cảng; xây dựng đô thị mới Nhơn Trạch đến năm 2020 cơ bản đạt tiêu chuẩn đô thị loại II, hướng đến trở thành đô thị loại I sau năm 2030.
Sau gần 30 năm, Nhơn Trạch đã thay đổi diện mạo với nhiều kết quả đạt được, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống Nhân dân, nhưng hình hài của một thành phố mới, từng được kỳ vọng vẫn chưa thành hình, chuyển đổi đô thị hóa của vùng nông thôn cũng chính là thách thức mà đến nay Nhơn Trạch chưa thể đạt tiêu chí đô thị loại II.
Tốc độ phát triển các KCN thuộc Top đầu tỉnh
Nhơn Trạch là địa phương có tốc độ phát triển các KCN thuộc Top đầu so với các địa phương khác trong tỉnh; là huyện phát triển KCN nhất trên cả nước; khi mới thành lập, huyện Nhơn Trạch chưa có KCN, đến nay huyện là vùng công nghiệp đô thị phát triển năng động nhất với 10 KCN như: KCN Ông Kèo lớn nhất 823 ha, 7 KCN còn lại có quy mô từ 200 – 600 ha. Trong đó, có 9 KCN đã được thành lập và đi vào hoạt động, với tổng diện tích 3.342 ha.
Các KCN này thu hút 590 dự án (chiếm 28,8% số dự án các KCN tỉnh), trong đó có 421 dự án FDI, với tổng vốn 10,68 tỷ USD; 137 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư trên 23 nghìn tỷ đồng (khoảng 1 tỷ USD); Giải quyết việc làm cho 120 nghìn lao động (chiếm 1/5 tổng số lao động tại các KCN). Diện tích đất công nghiệp cho thuê 2.346 ha, trong đó, diện tích đã cho thuê đạt 88,37%. Tỷ lệ lấp đầy các KCN huyện Nhơn Trạch cao so với mức bình quân của toàn tỉnh, chiếm 85%.
Những năm qua, thu ngân sách trên địa bàn huyện đều thực hiện đạt, vượt chỉ tiêu được giao. Tổng thu ngân sách tăng từ 31,19 tỷ đồng (năm 2000) lên 1.185 tỷ đồng (năm 2022), đứng thứ 4/11 địa phương (sau các địa phương Biên Hòa 3.705 tỷ đồng, Long Thành 2.392 tỷ đồng, Trảng Bom 1.247 tỷ đồng). Đóng góp ngân sách của các DN FDI trong KCN năm 2022 đạt khoảng 378 triệu USD.
Thiếu hạ tầng đồng bộ, nhiều dự án chưa triển khai
Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn nảy sinh các vấn đề xã hội gây khó khăn cho địa phương, đó là: Áp lực công nhân ngoại tỉnh nhập cư nhiều, chiếm 56,6% công nhân toàn huyện, số công nhân hiện đang ở nhà trọ là trên 72 nghìn người, chiếm 58,5% tổng số công nhân.
Địa phương đã cùng chủ đầu tư KCN tập trung xử lý vấn đề phát sinh, tuy nhiên chưa giải quyết được nhu cầu ở, các dịch vụ tiện tích thiết yếu nhất của công nhân, người lao động; dẫn đến đời sống chưa ổn định, tiềm ẩn rủi ro, tệ nạn xã hội, an ninh trật tự phát sinh…
Thách thức thứ hai, thành phố mới Nhơn Trạch được quy hoạch bài bản, là nơi trở thành cuộc đua của các dự án phát triển khu đô thị khang trang, quy mô, hiện đại như: Quy hoạch làng đại học trên địa bàn xã Long Tân và Phước Thiền, với quy mô khoảng 300 ha, thu hút các đơn vị đầu tư như Đại học khu đô thị Đông Sài Gòn, Đại học Kinh tế TP.HCM, Đại học Giao thông Vận tải. Tuy nhiên, đến nay, do thiếu giao thông hạ tầng đấu nối mà nhiều nhà đầu tư quan ngại không triển khai dự án.
Khu đô thị Swan Bay với diện tích hàng trăm héc-ta, có đường sá tiện ích dịch vụ khang trang nhưng rất ít dân cư sinh sống. Dự án HUD – Thành Hưng, dự án đô thị Đông Sài Gòn, Khu dân cư Phước An còn ít người ở. Do thiếu hạ tầng giao thông, thiếu liên kết vùng như cầu Cát Lái, cầu Phước Khánh, cầu Nhơn Trạch, thiếu hạ tầng xã hội, thiếu dịch vụ tiện ích là nguyên nhân không thu hút người dân đến sinh sống như kỳ vọng, khiến dân số Nhơn Trạch ở mức thấp.
Trong quy hoạch, Nhơn Trạch có nhiều dự án hạ tầng giao thông quy mô lớn, mang tính trọng điểm, liên kết vùng hấp dẫn. Từ đó đến nay, đã tạo nên 4 – 5 làn sóng tăng giá BĐS, làm giá đất tăng cao, nhất là khi có thông tin xây cầu thay phà Cát Lái, sân bay Long Thành, các tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, cao tốc Bến Lức – Long Thành, đường Vành đai 3. Thị trường BĐS Nhơn Trạch ở tình trạng đầu cơ mà không đầu tư, ảnh hưởng đến thị trường đầu tư lành mạnh, lao động sản xuất, nông nghiệp, đất để trống hoang hóa, không canh tác…
Hiện tại, địa phương đối mặt với khó khăn, thách thức như chất lượng nguồn nhân lực; sức ép về phát triển kết cấu hạ tầng, việc làm, nhà ở, dịch vụ thượng mại, dịch vụ y tế, giáo dục dẫn đến Nhơn Trạch chỉ đạt 67,5/100 điểm, dưới mức điểm tối thiểu (75 điểm) của các tiêu chuẩn về phân loại đô thị loại III. Hiện nay, còn 2 tiêu chí lớn chưa đạt.
Mật độ dân số: Dân số hiện nay hơn 273 nghìn người, chiếm 8,6% dân số toàn tỉnh nhưng mật độ dân số toàn đô thị chỉ đạt 1/2 tiêu chuẩn tối thiểu đô thị loại III và mật độ dân số nội thị chỉ đạt 1/5 tiêu chuẩn tối thiểu đô thị loại III. Việc khắc phục hạn chế này không thể nhờ vào tác động quản lý nhà nước mà phải dựa vào các tiện ích, các dịch vụ, hạ tầng xã hội vượt trội mới là động lực cốt lõi thu hút dân cư về sinh sống (nơi đây phải đáng sống hơn nơi họ đang ở).
Trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc cảnh quan đô thị với nhiều chỉ tiêu về hạ tầng kỹ thuật như tỷ lệ dân cư sử dụng nước sạch tập trung, tỷ lệ hỏa táng, mật độ đường giao thông, tỷ lệ bác sĩ, tỷ lệ số giường bệnh… chưa đạt tiêu chí.
Hạn chế về nguồn lực, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách cho hạ tầng kỹ thuật – hạ tầng xã hội còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu, việc thu hút đầu tư các dự án ngoài ngân sách chưa đạt kỳ vọng, chưa thu hút hiệu quả nguồn lực ngoài xã hội.
Quy hoạch dự báo chưa chính xác, chưa ước tính số lượng dân cư và nguồn dân cư phù hơp. Nhiều chỉ tiêu đã thay đổi cần cập nhật, điều chỉnh. Bất cập pháp luật về đất đai – xây dựng – đầu tư – quản lý tài sản công ảnh hưởng đến thu hút đầu tư và quá trình thu hồi đất, bồi thường, tái định cư dẫn đến nhiều dự án chậm tiến độ triển khai xây dựng do vướng bồi thường.
Cần giải pháp mang tính đột phá
Nhìn lại chặng đường gần 30 năm xây dựng và phát triển Nhơn Trạch và gần 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU, Tỉnh ủy Đồng Nai, UBND tỉnh, huyện Nhơn Trạch và Nhân dân huyện Nhơn Trạch tiếp tục phát huy lợi thế của địa phương, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, các sở, ngành tỉnh Đồng Nai, đoàn kết một lòng, đưa Nhơn Trạch đạt nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, làm thay đổi diện mạo nông thôn, vóc dáng của đô thị ngày càng rõ nét, tạo lập nhiều cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật cho tiến trình đô thị mới vào năm 2025 – 2030 theo định hướng của Chính phủ.
Vừa qua Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá Nghị quyết số 13- NQ/TU một cách công phu và khoa học, kết quả Nhơn Trạch chưa đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí của đô thị loại II, do đó tiến độ này phải điều chỉnh, để Nhơn Trạch có thêm thời gian hoàn chỉnh các tiêu chí chưa đạt. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận lập điều chỉnh quy chung đô thị Nhơn Trạch.
Việc định hướng xây dựng huyện Nhơn Trạch trong tình hình mới cần có giải pháp mang tính đột phá, là cú hích để giúp vùng đất này phát triển theo kỳ vọng. Cốt lõi là đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, huy động mọi nguồn lực trong xã hội để xây dựng Nhơn Trạch lên đô thị loại II. Đầu năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU về phát triển đô thị Nhơn Trạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 xác định rõ quan điểm chỉ đạo và mục tiêu đặt ra cụ thể cho 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 2026 – 2030 là giai đoạn then chốt tăng tốc về đích, tập trung rà soát, đầu tư để hoàn thành tiêu chí cơ bản của đô thị loại II.
Đến năm 2030, nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người đạt trên 1,4 – 1,75 lần so với mức trung bình cả nước, phấn đấu đạt các chỉ tiêu về phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các tiện ích đô thị thiết yếu để thu hút dân cư về sinh sống, lập nghiệp nhằm nâng cao và mật độ dân số. Đồng thời, tiếp tục lựa chọn nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho công nhân, người lao động thu nhập thấp trên địa bàn, hoàn thành 9.000 – 10.000 căn hộ.
Để triển khai các mục tiêu trên UBND tỉnh Đồng Nai xác định 8 nhiệm vụ đột phá, cần tập trung nguồn lực để thực hiện, đó là:
Thứ nhất, xác định quy hoạch xây dựng là chìa khóa then chốt, định hướng không gian, định hướng phát triển trong đầu tư phát triển đô thị, do đó phải khẩn trương, tập trung mọi nguồn lực để rà soát, cập nhật, định hướng mới, đẩy nhanh việc điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị mới Nhơn Trạch; lập và trình duyệt các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết cho phù hợp; Quy hoạch xây dựng các khu dân cư vùng ngoại thành, đảm bảo đồng bộ. Hoàn thiện hệ thống các công trình hạ tầng kinh tế – kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đáp ứng yêu cầu gia tăng dân số và sự phát triển lên thành phố trong tương lai.
Thứ hai, tập trung rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cảng trên địa bàn Nhơn Trạch phù hợp, gắn phát triển hệ thống cảng nhưng không cạnh trạnh với cảng Cái Mép và dành không gian phát triển hệ thống đô thị ven sông – thành phố Cảng trong tương lai.
Thứ ba, điểm nghẽn lớn nhất trong việc đẩy nhanh các dự án đầu tư xây dựng vẫn là khâu bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng, do đó phải có giải pháp đẩy nhanh công tác này.
Thứ tư, phối hợp với các cơ quan Trung ương và các cơ quan liên quan trong việc triển khai xây dựng các tuyến đường cao tốc, đường vành đai theo quy hoạch vùng, tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – Cảng hàng không quốc tế Long Thành và phát triển hệ thống giao thông đường thủy;
Thứ năm, tập trung thúc đẩy, phát triển một số khu nhà ở xã hội, các khu tái định cư, các khu dân cư thương mại tại khu trung tâm huyện; xây dựng khu trung tâm hành chính thị trấn Hiệp Phước, xã Đại Phước.
Thứ sáu, tập trung đầu tư các tuyến đường tỉnh qua địa bàn huyện; phát triển hệ thống giao thông đấu nối; đầu tư bê tông hóa, nhựa hóa các tuyến đường liên xã, đường giao thông nông thôn theo quy hoạch; Đầu tư mới và nâng cấp hệ thống điện, hệ thống cấp nước, đê bao, hệ thống thủy lợi đáp ứng yêu cầu sản xuất, phục vụ đời sống Nhân dân vùng ngoại thành.
Thứ bảy, tập trung đầu tư công đối với các dự án hạ tầng kỹ tuật, hạ tầng xã hội làm động lực thu hút các nguồn lực đầu tư ngoài xã hội vào các dự án phát triển đô thị, phấn đấu đến năm 2025, Nhơn Trạch đạt tiêu chí đô thị loại III và đến 2030 đạt các tiêu chí đô thị loại II.
Thứ tám, thực hiện mục tiêu chuyển đổi số, có các giải pháp cụ thể, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số.
Đứng trước tiềm năng được xác định, những lợi thế, thời cơ được nhận diện và cả những thách thức, nguy cơ đặt ra, tỉnh Đồng Nai xác định rõ mục tiêu cho từng giai đoạn, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện, các nhiệm vụ cần làm ngay mang tính tính đột phá để tạo “hơi thở” cho Nhơn Trạch sớm trở thành đô thị đáng sống và thịnh vượng, đạt tiêu chí đô thị loại III vào năm 2025 – thành lập thành phố, đến năm 2030 đạt tiêu chí loại II và sau năm 2030 hoàn thành đạt các tiêu chí đô thị loại I.
Hồ Văn Hà
Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai
Nguồn: Báo xây dựng