Ngành Xây dựng lớn mạnh qua các công trình
(Xây dựng) – Kinh qua nhiều vị trí công tác, từ Phó Chỉ huy công trường xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại (Hải Dương) đến Phó viện trưởng Viện Khoa học công nghệ xây dựng, Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), PGS.TS Trần Chủng là người gắn bó sâu sắc với ngành Xây dựng.
PGS.TS Trần Chủng |
Đến nay, thông qua công việc ở nhiều “vai” khác nhau, PGS.TS vẫn tiếp tục cống hiến, dành tâm huyết cho ngành. PGS.TS đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Xây dựng, chia sẻ những cảm nhận trân trọng yêu thương và cả những trăn trở đối với ngành Xây dựng.
Thưa PGS.TS, trước đây, nhắc đến dấu ấn ngành Xây dựng là nhắc đến các công trình trọng điểm quốc gia như Thủy điện Thác Bà, Hòa Bình, Trị An, Sơn La, Lai Châu… hay các công trình nhiệt điện lớn như Phả Lại, Uông Bí…, các công trình dân dụng như Trung tâm hội nghị Quốc gia, Nhà Quốc hội… Vào thời kỳ đó, những công trình trọng điểm, những DN trực thuộc Bộ Xây dựng có vai trò quan trọng như thế nào?
– Trải qua 65 năm phát triển, ngành Xây dựng có thể tự hào về các công trình xây dựng đã, đang là điểm nhấn của các giai đoạn cách mạng nước nhà.
Nếu tính từ năm xây dựng Nhà nước Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đó là các công trình đại thủy nông Bắc Hưng Hải trong nông nghiệp và hàng loạt các công trình công nghiệp tạo dựng nền tảng cho ngành công nghiệp non trẻ như nhà máy cơ khí trung quy mô, nhà máy gang thép Thái Nguyên hay các nhà máy của ngành dệt, may. Công trình thủy điện Thác Bà như là mũi đột phá kỹ thuật, với sự trợ giúp của nền kỹ thuật xây dựng thủy điện Nga.
Ngành Xây dựng phát triển nở rộ sau khi đất nước thống nhất, năm 1975. Với khát vọng “Xây dựng đất nước ta to đẹp hơn mười ngày nay”, ngành Xây dựng đã thực sự trưởng thành về nhân lực và trí tuệ, làm nên những công trình thế kỷ như Sông Đà, Trị An, Sơn La, đường dây 500 KV, khí điện đạm Cà Mau, lọc hóa dầu Dung Quất và nhiều công trình dân dụng kỳ vĩ như Trung tâm Hội nghị Quốc gia, nhà Quốc hội…
Bộ mặt đô thị là một sự đổi thay mạnh mẽ nhất, tạo lên những khu đô thị mới hiện đại, với đường phố rộng mở, các tòa nhà cao tầng và siêu cao tầng, thể hiện bộ mặt văn minh và phồn vinh của quốc gia. Đó chính là niềm tự hào của ngành Xây dựng nước nhà và những người xây dựng.
Thời điểm này, ngành Xây dựng có hàng loạt DN hùng mạnh như Sông Đà, LILAMA, LICOGI, COMA, VINACONEX, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, Tổng công ty 1, HUD và nhiều DN khác.
Các DN này đã làm rạng danh ngành Xây dựng bằng các sản phẩm cụ thể, kỳ vĩ. Chúng ta biết ơn sự cống hiến trí tuệ, mồ hôi và cả sinh mạng của họ, để tạo dựng lên những giá trị thực không thể phủ nhận, bằng các sản phẩm xây dựng làm giàu, đẹp thêm đất nước.
Những năm gần đây, ngành Xây dựng phát triển mạnh các công trình dân dụng, công trình giao thông, nhất là các công trình cao tầng với công nghệ thi công phức tạp, các dự án đường cao tốc quy mô lớn… Ở giai đoạn này, các DN tư nhân lớn dường như có sự phát triển vượt trội hơn. PGS.TS nhận định ra sao về thực trạng này?
– Đây là một thực tế không thể phủ nhận. Tôi nhìn nhận sự thay đổi đó là một sự phát triển tự thân của lực lượng sản xuất, khi quan hệ sản xuất đã được đổi mới. Quy luật của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã đòi hỏi lực lượng sản xuất phải thay đổi, để vào cuộc cạnh tranh mới “khốc liệt” hơn.
Công việc xây dựng không còn là nhiệm vụ “pháp lệnh” được chỉ định nữa mà phải cạnh tranh thông qua đấu thầu. Sự phát triển của khoa học công nghệ trong xây dựng và quy mô của các công trình ngày càng phức tạp, đòi hỏi năng lực sáng tạo của các nhà thầu nhiều hơn, chứ không chỉ thuần túy dựa vào kinh nghiệm. Sự chuyển động này đòi hỏi tính năng động của mỗi tổ chức.
Các DN xây dựng muốn tồn tại phải thực sự có tâm thế “vượt vũ môn” bằng tri thức về khoa học quản trị, theo hướng chuyên nghiệp hóa, trong đó coi trọng chất lượng nguồn nhân lực, thiết bị và nguồn lực tài chính.
Làm được điều này cần có khát vọng và sự dấn thân năng động, cuốn theo cả hệ thống phải thay đổi nhận thức và hành động. Sự chậm đổi mới và cơ cấu tổ chức cồng kềnh của các DN xây dựng truyền thống đã làm mất cơ hội bứt phá.
Tôi được tham gia trực tiếp xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, công trình trọng điểm số 1 quốc gia, trong các năm 1980 – 1983. Trong suốt thời gian sau đó, với tư cách là một cán bộ nghiên cứu tại Viện Khoa học công nghệ xây dựng và trong trọng trách phụ trách công tác quản lý về chất lượng xây dựng tại Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, tôi chứng kiến và cảm nhận được vị thế không thể thay thế về vai trò của các DN Nhà nước trong sự nghiệp xây dựng nước nhà.
Nhưng từ những năm đầu của thế kỷ XXI, hàng loạt các công trình dân dụng, nhà ở, công trình cầu, hầm hiện đại được xây dựng với chất lượng cao, tiến độ nhanh, giá thành được kiểm soát đều do các DN tư nhân thực hiện thành công, đã làm thay đổi phương thức đánh giá của tôi về DN Nhà nước trong lĩnh vực xây dựng.
Những khu đô thị mới hiện đại được xây dựng như Times City, Phú Mỹ Hưng…, những tòa nhà văn phòng, khách sạn cao tầng và siêu cao tầng xuất hiện làm bộ mặt đô thị trở lên sang trọng hơn, hiện đại hơn với chất lượng công trình được khách hàng hài lòng, quy hoạch chuẩn mực, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ…
Nhiều công trình mới phức tạp về kỹ thuật, tầm cỡ về quy mô mà trước đây thi công xây dựng đều có dấu ấn của “nước ngoài” thì nay là các sản phẩm thuần Việt, ví dụ như tòa tháp cao thứ 17 thế giới Lanmark 81 tại TP.HCM do Cotecons thực hiện, hay hầm đường bộ xuyên Đèo Cả dài 4.500 m (dài thứ hai sau hầm Hải Vân 6.300 m) do Tập đoàn Đèo Cả thực hiện.
Nếu theo quy định về điều kiện năng lực thì các DN đã làm các công trình này đều “chưa có công trình tương tự”. Phải chăng họ vi phạm pháp luật? Và để tránh “vi phạm”, các DN Việt Nam sẽ mãi mãi là thầu phụ cho các nhà thầu nước ngoài?
Tôi suy nghĩ rất nhiều về lý do tại sao các DN tư nhân lại tạo được đột phá quan trọng như vậy? Tôi tiếp cận các chủ DN tư nhân này, tôi tâm phục khát vọng cống hiến cho đất nước bằng trí tuệ và niềm tự hào dân tộc của họ.
Theo PGS.TS, trong thời gian tới, ngành Xây dựng sẽ tiếp tục đối diện với những thách thức nào và phải làm gì để đáp ứng yêu cầu trong phát triển hiện đại của đất nước và vươn ra thế giới?
– Chúng ta đang sống trong thời đại mà khoa học công nghệ chuyển động mau lẹ. Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 cùng quá trình chuyển đổi số đang tăng tốc làm cho ngành Xây dựng muốn tồn tại thì không thể bảo thủ. Hàng loạt các loại vật liệu tính năng cao, công nghệ thi công tiên tiến đang thách thức các kiến trúc sư, kỹ sư trong cuộc đua tạo ra các sản phẩm xây dựng mới. Những công trình mới ngày một phức tạp hơn, yêu cầu kỹ thuật khắt khe hơn. Trong đó, bài toán tuân thủ yêu cầu về phát triển bền vững luôn là mục tiêu không dễ vượt qua.
Do vậy, tới lúc này là muộn, nhưng cần thiết phải thay đổi. Thay đổi để chủ động hội nhập với xu thế chuyển động của cả nền kinh tế đất nước. Vì vậy, mỗi DN xây dựng, trên nền tảng và truyền thông hoạt động của mình, cần xây dựng chiến lược tăng trưởng tập trung tạo ra mũi nhọn của mình, cùng hệ sinh thái xoay quanh mũi nhọn đó.
Thực hiện chiến lược đó thành công hay không, quyết định là nhân tố con người. Ai cũng nói vậy, nhưng làm được mới khó. Phần lớn các DN ngành Xây dựng đã được cổ phần hóa, nhưng người lãnh đạo mới là yếu tố quan trọng để phát triển sau cổ phần hóa.
Trong ngành Xây dựng chúng ta đã ấn tượng về truyền thống của Tổng công ty VINACONEX. Nhưng sau cổ phần hóa, VINACONEX đã vươn lên bằng các công trình thật có chất lượng cao, tiến độ nhanh và hiện nay đang là tổng thầu lớn nhất của các dự án đầu tư công trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông.
Nhiều tập đoàn tư nhân cũng vươn lên nhanh chóng, vững vàng, khi họ chọn được chiến lược phát triển tập trung, có bộ máy lãnh đạo chuyên nghiệp, coi trọng con người và kỹ năng quản trị, xây dựng các liên kết với các đối tác chiến lược, nhanh chóng tạo được vị thế trong thị trường xây dựng.
Ở các DN này họ đều coi trọng xây dưng nguồn nhân lực lâu dài với các chính sách đào tạo căn bản và chế độ đãi ngộ theo cống hiến. Họ coi trọng ứng dụng khoa học công nghệ mới như động lực để tạo hiệu quả kinh doanh. Họ gìn giữ và phát triển các đối tác chiến lược vì họ hiểu rằng, “muốn đi xa phải đi cùng nhau”.
Ngoài ra, họ rất coi trọng xây dựng văn hóa DN của riêng mình. Bởi thời buổi hôm nay, muốn giữ chân người tài, người lao động giỏi không chỉ còn là “thu nhập” mà còn là “văn hóa”. Bởi họ ý thức được rằng, “văn hóa và con người của DN” là hai thứ không thể vay mượn.
Trân trọng cảm ơn PGS.TS!
Nguồn: Báo xây dựng