Đào tạo nhân lực ngành Xây dựng: Đáp ứng yêu cầu thị trường lao động

(Xây dựng) – Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Xây dựng, trong nhiều năm qua, Bộ Xây dựng luôn chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng.

Đào tạo nhân lực ngành Xây dựng: Đáp ứng yêu cầu thị trường lao động
Bộ Xây dựng tập huấn triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.

Nhu cầu nhân lực tăng thêm 400.000 – 500.000 lao động

Hiện nay, chất lượng nguồn nhân lực ngành Xây dựng của Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Nhiều công trình lớn ở nước ta vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nhân lực của nước ngoài, kể cả lực lượng thiết kế, giám sát và vận hành thiết bị tiên tiến như công trình giao thông ngầm, công trình hóa chất phức tạp… Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc nhiều DN xây dựng Việt Nam không thể cạnh tranh, khi đấu thầu các dự án trong và ngoài nước.

Nhiều chuyên gia trong ngành Xây dựng đưa ra dự báo, nhu cầu nhân lực của ngành Xây dựng sẽ tăng thêm khoảng 400.000 – 500.000 lao động mỗi năm. Với tốc độ phát triển như hiện nay thì số lượng lao động làm việc trong ngành Xây dựng vào năm 2030 có thể đạt 12 – 13 triệu người.

Không chỉ gia tăng về số lượng, ngành Xây dựng còn đặt mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong thời đại mới. Hiện nay, tỷ lệ nhân lực ngành Xây dựng qua đào tạo ở Việt Nam đạt 65%. Mục tiêu đến năm 2030 là tăng tỷ lệ lao động ngành Xây dựng qua đào tạo đạt 75%.

Trên cả nước có khoảng 80 trường đại học, cao đẳng và trên 300 cơ sở đào tạo nghề (gồm cao đẳng nghề, trung cấp nghề, sơ cấp nghề và đào tạo nghề ngắn hạn) có đăng ký đào tạo chuyên ngành Xây dựng. Nhiều trường, cơ sở đào tạo đã triển khai đào tạo theo các chương trình tiên tiến, đặc biệt có những cơ sở đào tạo nghề xây dựng đạt chuẩn quốc tế.

Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng

Với mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Xây dựng có đủ phẩm chất, trình độ và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra; năm 2022, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã phê duyệt Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, kèm theo Quyết định số 130/QĐ-BXD ngày 23/3/2021 và giao Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị trực thuộc Bộ tổ chức thực hiện.

Đào tạo nhân lực ngành Xây dựng: Đáp ứng yêu cầu thị trường lao động
Sinh viên Trường Đại học Kiến trúc.

Về cơ bản, các khóa bồi dưỡng được triển khai hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của cán bộ, công chức, viên chức trong giai đoạn hiện nay. Nội dung của các khóa bồi dưỡng tập trung vào các lĩnh vực: Bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch; bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo quản lý; bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm, kiến thức kỹ năng chuyên ngành bắt buộc…

Việc tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng được triển khai hiệu quả do Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy định cụ thể về công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức. Nội dung các chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng được sửa đổi bổ sung, cập nhật mới thường xuyên đảm bảo đúng quy định, chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tế. Đội ngũ cán bộ giảng dạy luôn được quan tâm, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm thực tiễn để đáp ứng với mỗi đối tượng học viên. Cơ sở vật chất được trang bị đầy đủ trang thiết bị hiện đại, đáp ứng nhu cầu cần thiết của các học viên trong việc nâng cao chất lượng học tập và nghiên cứu.

Giải pháp đào tạo với tư duy đột phá

Bên cạnh đó, công tác đào tạo phát triển nhân lực ngành Xây dựng chuyển biến tích cực, theo hướng đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Các cơ sở đào tạo chuyên ngành Xây dựng đã phát triển rộng khắp tại các vùng miền, địa phương.

Trong những năm qua, Bộ Xây dựng đã đầu tư, nâng cấp, mở rộng về cơ sở vật chất các trường, trong đó có hai trường đại học hàng đầu trực thuộc Bộ Xây dựng là Đại học Kiến trúc Hà Nội và Đại học Kiến trúc TP.HCM. Hiện nay, Bộ đã có 1 cơ sở đạt chuẩn quốc tế (Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế LILAMA 2).

Bộ Xây dựng và các cơ quan, đơn vị đã nghiên cứu xây dựng Chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực giai đoạn tiếp theo 2021 – 2026, trong đó, đưa ra những giải pháp đào tạo với tư duy đột phá và tầm nhìn lâu dài, phù hợp với thực tiễn. Như việc đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề xây dựng vì thực trạng nhân lực ngành Xây dựng hiện nay đang “thừa thầy, thiếu thợ”, chính vì vậy, trong mối quan hệ hợp tác, đầu tư này, việc xây dựng các trường nghề đạt chuẩn quốc tế hoặc, các trường đại học, cao đẳng có các trung tâm dạy nghề đạt chuẩn quốc tế thực sự là việc hết sức cần thiết.

Bên cạnh đó, các trường phải đáp ứng theo xu hướng nâng cao trình độ đào tạo đạt chuẩn quốc tế. Do vậy, cần phải liên kết với các trường nghề trên thế giới. Nâng cấp, đầu tư năng lực cơ sở vật chất tại các trường nghề, bởi trang thiết bị của trường nghề ngành Xây dựng đòi hỏi phải đáp ứng được thực tiễn.

Ngành Xây dựng cần đầu tư cho các trường nghề, các trường xây dựng có liên quan, hợp tác với quốc tế để học hỏi kinh nghiệm nước ngoài, ứng dụng các công nghệ xây dựng quốc tế vào Việt Nam.

Đào tạo nhân lực ngành Xây dựng: Đáp ứng yêu cầu thị trường lao động
Chương trình đào tạo và thiét bị thực hành theo tiêu chuẩn quốc tế của Trường Cao đẳng công nghiệp quốc tế LILAMA2.

Hình thành các quỹ hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, huy động, phát huy vai trò, đóng góp của các DN trong và ngoài ngành. Đẩy mạnh và tạo cơ chế phù hợp để thu hút các nguồn lực từ nước ngoài cho sự phát triển của nguồn nhân lực xây dựng ở Việt Nam và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn của nước ngoài hỗ trợ phát triển nhân lực (ODA).

Bộ Xây dựng không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, để nâng cao tri thức và phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Xây dựng.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích