Mô hình thông tin công trình (BIM): “Chìa khóa vàng” của chuyển đổi số ngành Xây dựng
(Xây dựng) – Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 17/3/2023 phê duyệt Lộ trình áp dụng BIM trong hoạt động xây dựng, xác định rõ vai trò và tầm quan trọng của BIM. Đây được coi là công cụ hữu hiệu, tạo sự đột phá trong quá trình chuyển đổi số của ngành Xây dựng Việt Nam trong thời gian tới đây.
Phóng viên Báo Xây dựng đã có cuộc trao đổi với TS Tạ Ngọc Bình – Trưởng phòng Nghiên cứu Kinh tế đầu tư và Xây dựng số, Viện Kinh tế Xây dựng (Bộ Xây dựng) để thấy rõ vai trò của BIM trong hoạt động xây dựng tại nước ta. Từ đó, phân tích những điều kiện thuận lợi, khó khăn, thách thức của các đơn vị khi áp dụng BIM trong quá trình chuyển đổi số ngành Xây dựng.
Xin ông cho biết, so với thế giới thì BIM tại Việt Nam đang ở giai đoạn nào? BIM có vai trò như thế nào trong quá trình chuyển đổi số của ngành Xây dựng Việt Nam?
– Mô hình thông tin công trình (BIM) được coi là xu thế của ngành Xây dựng hiện đại. Việt Nam là một thành viên trong mạng lưới BIM toàn cầu (Global BIM network (https://www.globalbim.org/), tổ chức kết nối các đại diện khối Nhà nước của các quốc gia và tổ chức đa phương, để thực hiện chuyển đổi số và chia sẻ lợi ích kinh tế xã hội cho người dân và các nơi.
Thông qua chia sẻ từ các nước thành viên khu vực châu Á (Việt Nam, Hồng Kông, Singapore…), châu Âu (Anh, Pháp, CH Séc…), châu Mỹ (Hoa Kỳ, Peru, Colombia…) và châu Úc (Úc, New Zealand) về tình hình áp dụng BIM có thể thấy Việt Nam nằm trong những nước thúc đẩy mạnh mẽ việc áp dụng BIM và hiện đang ở Top giữa.
Đề án áp dụng BIM trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình theo Quyết định số 2500/QĐ-TTg ngày 22/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ được triển khai từ 2016 – 2021. Theo kết quả tổng kết thực hiện và kết quả theo dõi, đánh giá việc áp dụng BIM trong giai đoạn vừa qua cho thấy nhiều dự án, công trình quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp sử dụng vốn đầu tư công, vốn Nhà nước ngoài đầu tư công đã áp dụng BIM, đem lại nhiều hiệu quả rõ rệt (rút ngắn thời gian thiết kế, thi công; giảm thời gian xem xét thiết kế, xử lý các thay đổi, nâng cao hiệu quả công việc…). Một số chủ đầu tư tư nhân cũng đã tiếp cận, tổ chức áp dụng BIM trong quá trình quản lý dự án đầu tư xây dựng.
BIM là công cụ chính để cụ thể hoá nhiệm vụ số hoá của ngành Xây dựng, đóng vai trò là nền tảng cơ bản để kết hợp hệ thống các công nghệ số với các hoạt động cơ học trên công trường. BIM giúp kết nối các công cụ kỹ thuật số như: Công nghệ quét video và laser, trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán đám mây, phân tích dữ liệu và dữ liệu lớn, đám mây điểm, chuỗi khối, mô phỏng và tăng cường thực tế để hỗ trợ tốt hơn trong các hoạt động xây dựng.
Gần đây, báo cáo số hoá trong kỹ thuật và xây dựng – Sức mạnh thay đổi của BIM của Tập đoàn tư vấn Boston có đề cập: Đến năm 2025, “số hóa toàn diện… sẽ tiết kiệm hằng năm trên toàn cầu chi phí thiết kế từ 13 – 21%, thi công xây dựng và vận hành từ 10 – 17%”. Có thể nói BIM là “chìa khóa” tạo sự đột phá trong quá trình chuyển đổi số của ngành Xây dựng.
Hiện nay, BIM đang được ứng dụng chủ yếu ở những khâu nào của một dự án đầu tư xây dựng? Và các đơn vị áp dụng gặp thuận lợi và khó khăn gì, thưa ông?
– Thời gian qua, tại nhiều dự án thí điểm và ngoài thí điểm đã triển khai áp dụng BIM. Từ năm 2018, Bộ Xây dựng quyết định dự kiến thí điểm 20 dự án, công trình (theo Quyết định số 362/QĐ-BXD ngày 02/4/2018) và đến đầu năm 2019 thì bổ sung thêm 12 dự án thí điểm (Quyết định số 01/QĐ-BXD ngày 03/01/2019).
Các công trình, dự án thí điểm áp dụng BIM ở các khâu như: Lập dự án, khảo sát, thiết kế, thi công, hoàn công, quản lý vận hành… Có thể kể đến các dự án: Đầu tư xây dựng trụ sở Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) áp dụng ở khâu lập dự án, thiết kế, thi công và hoàn công; Dự án xây dựng Nhà Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào áp dụng khâu thiết kế, thi công…
Tính đến thời điểm hiện tại, hệ thống cơ sở pháp lý và các chính sách thúc đẩy áp dụng BIM cơ bản hoàn thiện, là điều kiện thuận lợi cho các đơn vị ứng dụng BIM, như quy định tại Điều 6 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng; Nghị định số 10/2021/NĐ-CP và Thông tư số 12/2021/TT-BXD quy định về chi phí áp dụng BIM; Hướng dẫn áp dụng BIM tại Quyết định số 348/QĐ-BXD và 347/QĐ-BXD. Gần đây nhất là Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 17/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lộ trình áp dụng BIM trong hoạt động xây dựng.
Một yếu tố thuận lợi nữa có thể thấy được là năng lực áp dụng BIM của các đơn vị liên quan dần được nâng cao, điều kiện tiếp cận khoa học, công nghệ và yếu tố con người được đào tạo bài bản, chuyên sâu đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng BIM, còn gặp nhiều khó khăn do các đơn vị đã quen với cách làm cũ, theo lối mòn, ngại thay đổi. Ngoài ra, một số yếu tố khác về chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng phần cứng, hệ thống phần mềm khá cao so với một số đơn vị là rào cản cho việc áp dụng BIM. Điều quan trọng nhất vẫn là năng lực cá nhân, nhà thầu chưa đồng bộ, theo kịp BIM.
Xin ông chia sẻ thêm cách khai thác tối đa tiềm năng của BIM đối với các dự án đầu tư xây dựng tại Việt – Nam?
– Cách hiệu quả nhất để khai thác tối đa tiềm năng của BIM tại các dự án xây dựng là tận dụng tính trực quan của mô hình BIM để tăng cường trao đổi thông tin và đưa ra các quyết định cho dự án một cách nhanh chóng.
Đồng thời, cần thúc đẩy thói quen giải quyết công việc ở nhiều khâu của dự án xây dựng sao cho nhiều thành viên trong nhóm dự án sử dụng mô hình BIM nhất. Bằng cách này, các chủ thể tham gia dự án đầu tư xây dựng có thể xem xét trước và đánh giá hiệu quả của nó trước khi thực hiện, kiểm soát được các xung đột, độ chính xác của thiết kế, giải quyết được các vấn đề liên quan ngay ở giai đoạn ban đầu của dự án hoặc quá trình thi công, đạt được kết quả tiết kiệm đáng kể về mặt thời gian, chi phí và năng lượng. Chất lượng công trình, hiệu quả đầu tư cũng vì thế mà nâng cao.
Với BIM các nhà thầu có thể phát triển quy trình công việc kỹ thuật số hiệu quả bằng cách sử dụng dữ liệu nhất quán trong các dự án của họ từ lập kế hoạch, điều phối, xây dựng đến bàn giao dự án. BIM có thể hiểu đơn giản chỉ là điều phối dữ liệu mô hình từ các phần mềm khác nhau hoặc có thể đến tận công trường mà không cần bản vẽ và làm việc thông qua thiết bị di động. Rõ ràng, dữ liệu là tối quan trọng, nhưng khả năng hiển thị và khả năng truy cập của dữ liệu đó cũng là chìa khóa quan trọng.
Theo ông để áp dụng rộng rãi BIM trong hoạt động xây dựng, thì cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp cần những điều kiện gì?
– Tổng kết kinh nghiệm của một số nước đã áp dụng BIM tương đối thành công (như Singapore, Malaysia, Trung Quốc, Hồng Kông, Anh, Đức, Brazil…) cho thấy việc triển khai áp dụng BIM cần phải theo một lộ trình nhất định. Trong đó, gắn với các quy định bắt buộc áp dụng đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công, mức độ áp dụng BIM từng bước từ dự án, công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp đến dự án, công trình có quy mô nhỏ, kỹ thuật đơn giản tương ứng với các khoảng thời gian nhất định.
Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 258/QĐ-TTg trong đó bắt buộc áp dụng BIM đối với dự án có công trình cấp I và cấp đặc biệt có vốn đầu tư công từ năm 2023. Sắp tới, BIM sẽ được áp dụng rộng rãi trên cả nước.
Hiện nay, Việt Nam cơ bản đã có đầy đủ hành lang pháp lý và điều kiện để triển khai áp dụng BIM trong các dự án đầu tư xây dựng. Việc các bên có liên quan, đặc biệt là các doanh nghiệp xây dựng cần tiếp tục nâng cao năng lực vật chất cơ sở hạ tầng và con người để khai thác tiềm năng hiệu quả của việc áp dụng BIM trong các dự án.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Báo xây dựng