Chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay: một số vấn đề đặt ra và giải pháp

1. Thực trạng chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay

1.1. Cơ chế, chính sách về chuyển đổi số ở Việt Nam

Chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay được thể hiện trong rất nhiều văn bản pháp lý, cụ thể như:

Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư – phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam hoàn thành xây dựng chính phủ số, kinh tế số đạt khoảng 30% GDP và đứng trong nhóm 50 quốc gia đứng đầu thế giới, xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN về Chính phủ điện tử và phát triển kinh tế số;

Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 03/06/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đề ra 6 nhiệm vụ, giải pháp tạo nền móng chuyển đổi số, gồm: (1) Chuyển đổi nhận thức, kiến tạo thể chế; (2) phát triển hạ tầng số; (3) phát triển nền tảng số; tạo lập niềm tin, bảo đảm antoàn, an ninh mạng; (4) hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số;

Quyết định số 1658/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050” ngày 01/10/2021, xác định tăng trưởng xanh thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài. Tăng trưởng xanh dựa vào thể chế và quản trị hiện đại, khoa học và công nghệ tiên tiến, tăng trưởng xanh định hướng đầu tư vào công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, kết cấu hạ tầng thông minh và bền vững.

1.2. Kết quả đạt được

Với quy mô dân số gần 100 triệu người và tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh trong khu vực châu Á, dân số trẻ năng động và có khả năng tiếp cận công nghệ cao nhanh chóng, Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng rất lớn trong việc chuyển đổi số. Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tạo ra sự đột phá trên thị trường nhờ vào chuyển đổi số. Trong năm 2020, giá trị của một số công ty công nghệ trong nước tăng khoảng 200% trên Sàn giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, bao gồm Công ty Cổ phần Thế giới Số (Digiworld), nhà cung cấp dịch vụ phát triển thị trường; Công ty Viễn Liên, doanh nghiệp thiết bị viễn thông – tăng lần lượt 252,1% và 189,4%. (Ngân hàng Thế giới, 2021). Theo Báo cáo khảo sát xếp hạng mức độ phát triển chính phủ điện tử năm 2020 của Liên hợp quốc, năm 2021, doanh thu của các doanh nghiệp số ở Việt Nam tăng trưởng gần 10%. Xếp hạng chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam đã tăng 3 bậc so với năm 2016.

Theo kết quả khảo sát 400 doanh nghiệp về “Thực trạng chuyển đổi số trong doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện năm 2020, cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu nhận thức và ứng dụng các công nghệ số vào các khâu như: quản trị nội bộ, mua hàng, logistics, sản xuất, marketing, bán hàng và thanh toán. Khi đại dịch Covid-19 lan rộng, dẫn tới những hạn chế tiếp xúc và việc phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội đã buộc các doanh nghiệp phải ứng dụng nhiều hơn các công nghệ số trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là trong quản trị nội bộ, thanh toán điện tử, marketing trực tuyến. Trong một thời gian ngắn, tỷ lệ các doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ số tăng nhanh so với trước đây, cụ thể như trong việc quản lý nhân sự từ xa, hội nghị trực tuyến, học trực tuyến, phê duyệt nội bộ,…

Trong lĩnh vực quản trị nội bộ, điện toán đám mây là công cụ kỹ thuật được nhiều doanh nghiệp Việt Nam sử dụng nhất, với 60,6%, tăng 19,5% so với thời điểm trước đại dịch Covid-19. Tiếp theo là hệ thống hội nghị trực tuyến, hệ thống quản lý công việc và quy trình với xấp xỉ 30% số doanh nghiệp đã ứng dụng các công cụ này trước khi có đại dịch Covid-19 và xấp xỉ 19% số doanh nghiệp đã bắt đầu sử dụng các công cụ này từ khi có dịch bệnh.

Đồng thời, khảo sát trên cũng cho thấy kỳ vọng lớn của đại bộ phận doanh nghiệp Việt Nam đối với quá trình chuyển đổi số. Có tới 98% số doanh nghiệp kỳ vọng có sự thay đổi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh khi thực hiện chuyển đổi số, trong đó lớn nhất là khả năng giúp doanh nghiệp giảm chi phí (chiếm tỷ lệ hơn 71%), giảm cácgiấy tờ (61,4%); làm tăng giá trị gia tăng của sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ (45,3%).

Đối với các ngành như Tài chính, Du lịch, Giao thông,… các xu hướng chuyển đổi số đã và đang diễn ra mạnh mẽ. Điển hình như trong ngành Ngân hàng, các doanh nghiệp đã nghiên cứu và triển khai chiến lược chuyển đổi số bước đầu với ứng dụng IoT cho phép khách hàng truy cập sử dụng dịch vụ ngân hàng, kết nối với các hệ sinh thái số khác trên nền tảng Internet (dịch vụ ngân hàng số Timo của VPBank, Live Bank của TPBank, E-Zone của BIDV,…), hoặc cung ứng các dịch vụ ngân hàng thông qua ứng dụng được cài đặt ngay trên điện thoại di động (Mobile Banking,…).

Trong lĩnh vực giao thông, sự phát triển nhanh chóng của dịch vụ gọi xe công nghệ của nước ngoài như Grab hay Uber chính là đòn bẩy thúc đẩysự phát triển mạnh mẽ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ gọi xe trong nước như Be hay FastGo – là những doanh nghiệp có mô hình hoạt động mới dựa hoàn toàn trên nền tảng công nghệ.

VinGroup cũng đã xây dựng hệ thống quản lý khách hàng thống nhất với VinID, giúp khách hàng tích hợp và quản lý thông tin khi giao dịch với VinGroup ở nhiều dịch vụ khác nhau như thanh toán các hóa đơn gia đình, tiền điện, mua sắm hay các dịch vụ nghỉ dưỡng,…

Ngoài ra, hơn 30 thành phố cũng đã được đầu tư xây dựng những yếu tố trong Smart City (thành phố thông minh), được tích hợp nhiều công nghệ mới bên trong, để phục vụ hoạt động và lợi ích của con người.

Chính phủ và chính quyền cũng đã và đang nỗ lực trong việc xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới tương lai là Chính phủ số. Việt Nam chú trọng xây dựng Chính phủ điện tử nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi nền kinh tế số hóa. Những nỗ lực đầu tiên trong xây dựng Chính phủ điện tử được thực hiện bằng việc thành lập Ủy ban Chính phủ điện tử (năm 2018) với nhiệm vụ đề xuất chiến lược, chính sách tạo môi trường pháp lý xúc tiến thành lập Chính phủ điện tử. Việt Nam nằm trong Top 10 quốc gia có bước nhảy vọt chỉ số phát triển Chính phủ điện tử mức cao3và đặt mục tiêu trở thành top 4 quốc gia hàng đầu ASEAN về chỉ số phát triển Chính phủ điện tử trước năm 2025, trong nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử thế giới năm 2030.

Với hạ tầng viễn thông – công nghệ thông tin ở Việt Nam khá tốt, phủ sóng rộng, mật độ người dùng cao (khoảng 70% dân số sử dụng Internet) – xếp thứ 13/20 quốc gia có số dân sử dụng mạng Internet nhiều nhất thế giới, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ phát triển công nghệ số cao nhất thế giới. Hiện có khoảng 72% dân số đang sử dụng điện thoại thông minh, 70% số thuê bao di động đang sử dụng 3G – 4G. Việt Nam đang đẩy nhanh các phương án triển khai dịch vụ 5G cho phép kết nối Internet nhanh hơn 4G gấp nhiều lần để theo kịp xu hướng thế giới và bắt đầu thử nghiệm dịch vụ 5G. Công nghệ 5G sẽ tạo cơ sở hạ tầng tốt cho kết nối theo xu hướng IoT, mở ra cơ hội kinh doanh lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam.

1.3. Một số vấn đề đặt ra

Thứ nhất, trở ngại từ công nghệ. Chuyển đổi số chính là việc ứng dụng công nghệ vào mọi hoạt động của doanh nghiệp được thực hiện trong thời đại bùng nổ về công nghệ trên nền tảng của hệ thống internet,chính vì vậy, đòi hỏi trình độ cao cả về kỹ thuật cũng như nhân lực. Trong khi đó, Việt Nam vẫn còn đi sau thế giới về mặt công nghệ, chưa làm chủ được các công nghệ lõi của chuyển đổi số, các hệ thống nền tảng cơ bản. Chính vì vậy, chuyển đổi số tại Việt Nam hiện vẫn cơ bản sử dụng các công nghệ sẵn có trên thế giới.

Thứ hai, khó khăn từ vốn đầu tư. Đầu tư cho chuyển đổi số là đầu tư để thay đổi, từ nhận thức, chiến lược, nhân lực, kết cấu hạ tầng tới giải pháp công nghệ, vì vậy, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn. Tuy vậy, việc phải đầu tư lớn về tài chính và nhân lực đã tạo rào cản lớn với các doanh nghiệp Việt Nam. Chính vì thiếu vốn, nên nhiều doanh nghiệp cho rằng, chuyển đổi số là “cuộc chơi” của các doanh nghiệp lớn. Vì thiếu vốn nên các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam thường chọn “điện toán đám mây” là công nghệ để đầu tư nhiều nhất, bởi cho phép các doanh nghiệp mở rộng nhanh chóng khi có nhu cầu mà không phải đầu tư nhiều vốn vào kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin.

Thứ ba, thách thức từ nhận thức của doanh nghiệp. Chuyển đổi số sẽ tác động tới toàn bộ tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp, gây nên nhiều áp lực cho các nhà quản trị ngay từ vấn đề nhận thức tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với sự phát triển doanh nghiệp, nguồn tài chính đến tạo sự đồng thuận và huy động sự tham gia của đông đảo người lao động tại doanh nghiệp, về tính hiệu quả của chuyển đổi số,… Chuyển đổi số phải bắt đầu từ sự thay đổi tư duy người lãnh đạo, từ chiến lược, tư duy truyền thống sang chiến lược, tư duy kinh doanh công nghệ số hiệu quả.

Thứ tư, việc ứng dụng các công nghệ mới, hình thành các mô hình giao dịch mới, dịch vụ tài chính mới đòi hỏi phải có hệ thống khung pháp lý được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với các mô hình, dịch vụ mới này. Việc ứng dụng các công nghệ AI trong xây dựng các thuật toán cũng phát sinh các giao dịch tần suất cao, đồng thời công nghệ Big Data, công nghệ di động cũng phát sinh dịch vụ tài chính mới như phân tích đầu tư, giao dịch qua thiết bị di động, thu thập và phân tích dữ liệu khách hàng, hỗ trợ báo cáo tuân thủ, do đó khung pháp lý liên quan đến quản lý, giám sát giao dịch tần suất cao, bảo mật dữ liệu cũng là một vấn đề đặt ra.

Thứ năm, quy mô thương mại dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật số của Việt Nam là tương đối hạn chế so với các quốc gia trong khu vực, như Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan. Hơn nữa, kết cấu hạ tầng cho tiến trình chuyển đổi số cũng có nhiều yếu kém, đặc biệt trong việc chia sẻ hạ tầng thụ động giữa các ngành như cáp quang và tháp phát sóng vẫn chưa được thiết lập hoặc quản lý chặt chẽ.

Thứ sáu, trình độ lực lượng lao động của Việt Nam cũng là một thách thức để chuyển đổi số nền kinh tế. Người lao động Việt Nam chủ yếu thuộc nhóm có kỹ năng thấp với tỷ lệ hơn 40% (cao nhất khu vực Đông Nam Á) và chỉ khoảng 10% lực lượng lao động có kỹ năng cao (so với hơn 20% của Malaysia, Philippines và hơn 50% của Singapore). Trong khi đó, để thích ứng với các kỹ năng từ cơ bản đến nâng cao của quá trình chuyển đổi số và tự động hóa đòi hỏi số lượng lớn lao động có kỹ năng cao.

2. Đề xuất giải pháp

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế, tạo khuôn khổ pháp luật đẩy mạnh phát triển kinh tế số. Xây dựng nền tảng, thể chế cho các mô hình kinh doanh kinh tế số, trong đó, sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật cho các ngành đang có nhiều mô hình kinh doanh mới như thương mại điện tử, tài chính số, ngân hàng số; Cải cách thể chế để thu hút đầu tư công nghệ số trong các lĩnh vực đầu tư mạo hiểm theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho các hoạt động góp vốn, mua cổ phần, mua, bán, sáp nhập doanh nghiệp công nghệ số; Sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy định pháp luật về công nghệ thông tin và truyền thông; Xây dựng cơ chế quản lý phù hợp với môi trường kinh doanh số, điều chỉnh các mối quan hệ mới phát sinh trong quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số.

Thứ hai, tăng cường giáo dục kỹ thuật số, thúc đẩy đào tạo nguồn lao động chất lượng cao. Giáo dục trong nền kinh tế số không chỉ để thúc đẩy sự nhận thức chung về cơ hội, thách thức của nền kinh tế số mà đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng lực lượng lao động có kỹ năng, sẵn sàng thích ứng và nắm bắt cơ hội.

Thứ ba, đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật số. Phát triển hệ thống hạ tầng số quốc gia đồng bộ, rộng khắp đảm bảo đáp ứng yêu cầu kết nối, lưu trữ, xử lý dữ liệu, thông tin, các chức năng về giám sát, bảo đảm an ninh, an toàn mạng; Xây dựng, phát triển hạ tầng băng thông rộng chất lượng cao; Nâng cấp mạng di động 4G, phát triển mạng di động 5G để có thể theo kịp xu hướng thế giới. Công nghệ 5G sẽ tạo cơ sở hạ tầng tốt cho việc kết nối theo xu hướng IoT, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs); Mở rộng kết nối Internet trong nước, khu vực và quốc tế; chuyển đổi toàn bộ mạng Internet Việt Nam sang ứng dụng giao thức Internet thế hệ mới; Triển khai việc tích hợp cảm biến và ứng dụng công nghệ số vào hệ thống hạ tầng giao thông, điện, nước, quản lý đô thị; Xây dựng hệ thống hạ tầng thanh toán số quốc gia đồng bộ, thống nhất để thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt.

Thứ tư, củng cố lòng tin của người sử dụng thông qua bảo đảm các vấn đề liên quan đến bảo mật dữ liệu, an ninh mạng và hệ thống luật pháp công khai, minh bạch đối với hệ thống doanh nghiệp.

Thứ năm, bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại, băng thông đủ rộng để vượt qua các cuộc tấn công gây nghẽn mạng, thành lập hệ thống máy lưu trữ dự phòng để chuyển hướng dữ liệu trước các cuộc tấn công và phục hồi sau tấn công mạng; Thường xuyên rà soát, phát hiện, khắc phục lỗ hổng bảo mật trên toàn hệ thống, bổ sung thiết bị, phần mềm chuyên dụng có khả năng kiểm tra, kiểm soát an ninh, an toàn thông tin trên môi trường mạng viễn thông, Internet, tần số vô tuyến điện,…; Xây dựng, triển khai thực hiện các giải pháp kỹ thuật nhằm kiểm tra, phát hiện các nguy cơ gây mất an ninh thông tin; Đảm bảo xử lý kịp thời các nguy cơ gây mất an ninh, đe dọa gây mất an ninh thông tin ở Việt Nam.

Thứ sáu, xúc tiến nhanh hơn nữa một chính phủ điện tử. Chính phủ cần đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số. Sự tích cực dẫn dắt nền kinh tế chuyển đổi số của Chính phủ sẽ là chìa khóa quan trọng cho sự thành công của công cuộc này.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Thủ tướng Chính phủ (2020). Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 03/06/2020 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
  2. Liên Hợp quốc (2021). Báo cáo khảo sát xếp hạng mức độ phát triển chính phủ điện tử năm 2020.
  3. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) (2020). Kết quả khảo sát “Thực trạng chuyển đổi số trong doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19”.
  4. World Bank. (2021). Taking Stock: Digital Vietnam – The Path to Tomorrow. Madani, Dorsati H. & Morisset, Jacques. Working Paper, USA.

 

Theo Việt Nam Hội Nhập

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích