Bác kháng cáo của Công ty Tôn Phương Nam trong vụ “phù phép” tôn trôi nổi

Ngày 27/4, TAND tỉnh Thái Nguyên mở phiên tòa hình sự phúc thẩm xét xử các bị cáo: Nguyễn Minh Hưng (SN 1983, trú tại phường Kỳ Bá, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình), Lê Văn Hùng (SN 1994, trú tại thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) và Phan Tuấn Anh (SN 1986, trú tại phường Quang Trung, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) về tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”. Đây là vụ án liên quan đến hành vi “phù phép” tôn trôi nổi thành thương hiệu “Tôn Phương Nam”.

Phiên tòa phúc thẩm được mở theo đơn kháng cáo của Công ty Tôn Phương Nam đề nghị hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra lại và thay đổi tội danh đối với các bị cáo từ tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” sang tội “Buôn bán hàng giả”.

Trong đơn kháng cáo, Công ty Tôn Phương Nam cho rằng, bản án của Tòa án cấp sơ thẩm không khách quan, lời khai của các bị cáo chứa đựng nhiều mâu thuẫn, tội danh cũng như hình phạt đối với các bị cáo không đủ sức răn đe, phòng ngừa tội phạm.

Theo bản án sơ thẩm, ngày 22/10/2021, Công an huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên phối hợp với lực lượng chức năng bất ngờ kiểm tra Công ty TNHH sản xuất và thương mại thép Hùng Cường (viết tắt là Công ty Thép Hùng Cường). Tại đây, cơ quan chức năng phát hiện và thu giữ 8 cuộn tôn mạ màu dán tem nhãn phụ Tôn Phương Nam nhưng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Bác kháng cáo của Công ty Tôn Phương Nam trong vụ
Ba bị cáo Hùng, Hưng và Tuấn Anh tại phiên tòa phúc thẩm.

Tại cơ quan điều tra, ban đầu Lê Văn Hùng (người quản lý Công ty Thép Hùng Cường, bố đẻ của Hùng đứng tên giám đốc công ty nhưng thực tế không làm gì) cùng đồng phạm khai, Nguyễn Minh Hưng là Trưởng phòng kinh doanh, Phan Tuấn Anh là nhân viên kinh doanh của Công ty Tôn Vikor, địa chỉ tại tỉnh Thái Bình. Hưng và Tuấn Anh đồng thời còn là cộng tác viên kinh doanh của Công ty Kim khí Thái Bình.

Khoảng tháng 9/2021, Hưng và Tuấn Anh đến địa bàn huyện Đại Từ gặp Hùng để giới thiệu sản phẩm tôn mạ màu giả nhãn hiệu Tôn Phương Nam.

Giữa tháng 10/2021, Hùng liên hệ với Tuấn Anh đặt mua 8 cuộn tôn mạ màu (hơn 31 tấn) giả nhãn hiệu Tôn Phương Nam với giá 800 triệu đồng để bán ra thị trường kiếm lời cao. Hưng sau đó báo cho lãnh đạo Công ty Tôn Vikor và nhận được sự đồng ý của là sẽ sản xuất lượng hàng hóa giả theo yêu cầu của Hùng.

Do công ty của mình không có phôi gia công tôn mạ màu nên Hưng liên hệ với Giám đốc Công ty Kim khí Thái Bình để lấy 8 cuộn phôi tôn, rồi chuyển về Công ty Tôn Vikor gia công tôn giả của Công ty Tôn Phương Nam.

Hoàn thành đơn hàng, Công ty Tôn Vikor giao lại cho Công ty kim khí Thái Bình 8 cuộn tôn mạ màu giả. Sau đó Hưng gọi xe container và giao Tuấn Anh áp tải hàng chở lên cho Hùng. Khi đó, số hàng hóa này được đóng nguyên đai, nguyên kiện, nhưng không dán tem nhãn phụ và không có hóa đơn, chứng từ nguồn gốc, xuất xứ.

Về phía Hùng, ngay sau khi mua được lô hàng tôn “lậu” đã thuê người in tem mẫu tem nhãn phụ của Tôn Phương Nam dán vào 8 cuộc tôn trôi nổi nhằm đánh lừa khách hàng. Thế nhưng số hàng hóa này chưa kịp tiêu thụ thì bị lực lược chức năng phát hiện, bắt giữ. Theo kết luận giám định, 8 cuộc tôn mạ màu không rõ nguồn gốc, xuất sứ và dán nhãn giả thương hiệu Tôn Phương Nam tương ứng với giá trị hàng hóa thật là hơn 1,1 tỷ đồng.

Tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra cuối tháng 12/2022, TAND huyện Đại Từ đã tuyên phạt bị cáo Hưng, bị cáo Hùng và bị cáo Tuấn Anh từ 18 tháng tù đến 30 tháng tù, cho hưởng án treo về tội “Xâm phạm sở hữu công nghiệp”.

Sau một ngày xét xử phúc thẩm, TAND tỉnh Thái Nguyên nhận thấy, không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của Công ty Tôn Phương Nam, do hành vi của các bị cáo đã cấu thành tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” đúng như bản án sơ thẩm đã xác định. Với nhận định trên, TAND tỉnh Thái Nguyên quyết định bác kháng cáo của Công ty Tôn Phương Nam, giữ nguyên các quyết định của bản án sơ thẩm.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích