An Giang: Đánh giá tác động của lũ đến tính bền vững của nông dân trồng lúa 

Tài nguyên

An Giang: Đánh giá tác động của lũ đến tính bền vững của nông dân trồng lúa 

Mai Đan 27/04/2023 16:41

Viện Môi Trường và Tài Nguyên, Đại học Quốc Gia Thành phố Hồ Chí Minh vừa phối hợp với Viện Công nghệ Karlsruhe (Đức) hoàn thiện nghiên cứu “Đánh giá tác động của biến đổi sử dụng đất đến tính bền vững sinh kế nông dân trồng lúa tỉnh An Giang” nhằm đánh giá tác động của sự thay đổi mục đích sử dụng đất đến tính bền vững sinh kế của nông dân trồng lúa tỉnh An Giang.

71t33.jpg
Mô hình cánh đồng mẫu lớn ở tỉnh An Giang

Diện tích lúa ba vụ ngày càng mở rộng

Nghiên cứu đã sử dụng phương pháp giải đoán ảnh viễn thám để giải đoán bản đồ ngập lụt và bản đồ phân loại sử dụng đất giai đoạn 2010-2020; kết hợp với phương pháp đánh giá tổn thương sinh kế và phương pháp điều tra xã hội học.

Dữ liệu ảnh viễn thám được sử dụng với mục tiêu phân tích biến động sử dụng đất và động thái lũ lụt tỉnh An Giang giai đoạn 2010-2020 nhằm theo dõi tổng thể biến động sử dụng đất và tình hình ngập lụt của tỉnh.

Kết quả giải đoán ảnh viễn thám cho thấy diện tích lúa ba vụ ngày càng mở rộng trong giai đoạn 2010-2020. Diện tích lúa ba vụ mở rộng nhanh từ năm 2010-2016 (từ 35,55% lên 58,64%), sau đó giảm vào năm 2017-2018 (dưới 50%) và tăng nhẹ đến năm 2020.

Trong giai đoạn 2010-2020, diện tích lúa ba vụ ngày càng mở rộng cùng với sự gia tăng diện tích không ngập lũ. Trong đó, diện tích lúa ba vụ cao nhất vào thời kì hạn hán gay gắt trong giai đoạn 2015-2016, với trên 72% đất không ngập vào mùa lũ (2.550 km2) đã tạo điều kiện thuận lợi để nông dân mở rộng diện tích trồng lúa vụ ba (khoảng 2.000 km2).

Năm 2017-2018 lũ về lớn hơn dẫn đến diện tích lúa vụ ba giảm (còn khoảng 1.700 km2), đặc biệt tại huyện Tịnh Biên và Tri Tôn do vị trí đầu nguồn và vùng có hệ thống đê bao tháng Tám được xây dựng nhằm bảo vệ sản xuất vụ Hè Thu nên chỉ có khả năng bảo vệ hệ thống canh tác trước lũ nhỏ. Các huyện Thoại Sơn, Tri Tôn, Châu Phú có hệ thống đê bao triệt với cao trình đỉnh đê có khả năng chống lũ bảo vệ sản xuất cả năm nên diện tích trồng lúa tại các huyện này cao nhất tỉnh An Giang, đây cũng là những khu vực có diện tích trồng lúa ba vụ cao nhất.

Theo nhóm nghiên cứu, hệ thống đê bao bảo vệ diện tích canh tác lúa vụ ba đã dẫn đến những thay đổi về diện tích ngập lũ tại tỉnh An Giang, đặc biệt từ sau năm 2011 khi hệ thống đê bao triệt để cơ bản đã được hoàn thiện. Năm 2010, mặc dù mực nước tại trạm Tân Châu ghi nhận chỉ 3,2 m nhưng gây ngập cho trên 35% diện tích tỉnh An Giang. Đến năm 2012 và năm 2013, mực nước lũ ghi nhận tại trạm Tân Châu đạt 3,25 m và 4,35 m nhưng diện tích ngập lại thấp hơn năm 2010 (thấp hơn khoảng 10%).

Sự thay đổi mực nước và diện tích ngập lũ tỉnh An Giang đã ảnh hưởng đến thời gian canh tác lúa trong tỉnh, nông dân có thể trồng lúa quanh năm trong vùng đê bao, do đó diện tích lúa vụ ba ngày càng mở rộng trong giai đọan 2010-2020. Canh tác thâm canh quy mô lớn cùng việc lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu dẫn đến môi trường đất ngày càng ô nhiễm và suy thoái.

Môi trường đất bị ô nhiễm cùng những thay đổi về các yếu tố môi trường khác đã ảnh hưởng đến sinh kế nông dân trồng lúa tỉnh An Giang. Đặc biệt là những hộ dân có diện tích canh tác nhỏ, khả năng thích ứng thấp và khó tìm được việc làm để cải thiện thu nhập.

Ngoài ra, việc áp dụng các thiết bị máy móc và tự động hóa trong sản xuất lúa ngày càng phổ biến đòi hỏi chi phí lớn cũng là yếu tố dẫn đến mất bền vững trong sinh kế của nông dân trồng lúa tỉnh An Giang.

Phân tích bền vững sinh kế của nông dân trồng lúa 

Qua tìm hiểu thông tin cơ bản của nông dân trồng lúa tại các địa điểm được khảo sát của tỉnh An Giang, nhóm nghiên cứu nhận thấy có sự tương đồng cao về những đặc điểm cơ bản như tuổi, trình độ học vấn, chủ hộ và quy mô gia đình giữa các địa điểm được khảo sát.

Mặc dù những hộ dân được khảo sát có sự tương đồng cao về những thông tin cơ bản nhưng đặc điểm canh tác lúa của họ tại mỗi khu vực lại có sự khác nhau. Những hộ dân sở hữu diện tích canh tác ở mức trung bình, trong đó tại xã Phú Hữu (huyện An Phú) và Thị trấn Cô Tô (huyện Tri Tôn) có diện tích canh tác lúa lớn hơn (lần lượt 3,98 ha/hộ và 3,86 ha/hộ), hai khu vực còn lại có diện tích canh tác nhỏ hơn (2,71 ha/hộ tại xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú và 2,16 ha/hộ tại xã Bình Chánh, huyện Châu Phú).

Đáng chú ý, vụ Đông xuân (từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau) là thời gian thuận lợi để trồng lúa, sản lượng thu được cao nhất trong năm ở cả bốn địa điểm: với sản lượng lúa từ 7,91–8,36 tấn/ha và lợi nhuận khoảng 16 triệu/ha. Trong đó, xã Vĩnh Hội Đông là nơi có sản lượng và lợi nhuận cao nhất (8,36 tấn/ha và lợi nhuận trên 16 triệu/ha). Về giá bán lúa, trong năm giá bán lúa dao động từ 5,1 triệu đồng/tấn đến 5,6 triệu đồng/tấn và giống nhau tại các điểm khảo sát.

Đặc điểm canh tác cho thấy nông dân trồng lúa tại An Giang bị chi phối khá nhiều bởi hệ thống đê bao. Tại khu vực có hệ thống đê bao triệt để, điển hình là xã Bình Chánh có sản lượng lúa ổn định nhất giữa các mùa vụ (7,05-7,92 tấn/ha); xã Phú Hữu và Thị trấn Cô Tô, nơi có hệ thống đê bao tháng Tám cho sản lượng và lợi nhuận cao nhất vào vụ Đông Xuân (trung bình sản lượng cao hơn 1,7 tấn/ha; lợi nhuận cao hơn vụ Hè Thu khoảng 6 triệu/ha, cao hơn vụ Thu Đông khoảng 4,1 triệu/ha); xã Vĩnh Hội Đông nằm ngoài hệ thống đê bao nên được cung cấp phù sa hằng năm, sản lượng và lợi nhuận luôn cao hơn các khu vực còn lại (8,36 tấn/ha và lợi nhuận trên 16 triệu/ha).

Bên cạnh đó, hệ thống đê bao đã giúp tỉnh An Giang mở rộng diện tích sản xuất lúa vụ ba (tăng 17,63% giai đoạn 2010-2020). Do lợi nhuận thu được từ trồng lúa vụ ba ở mức khá cao (11-13 triệu/ha), trong khi sản lượng lúa trung bình chỉ 6,8 tấn/ha.

Kết quả khảo sát cho thấy nông dân tỉnh An Giang có những đặc điểm thuận lợi để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là cây lúa. Nông dân sở hữu diện tích canh tác ở mức trung bình (trên 2 ha/hộ) cùng với sản lượng và lợi nhuận thu được cao trong hệ thống đê bao ngăn lũ, do đó nông dân có thể canh tác lúa liên tục trong năm.

Tuy nhiên, thâm canh lúa liên tục trong hệ thống đê bao, cùng với lượng phân bón, thuốc trừ sâu được sử dụng ngày càng nhiều có thể gây nguy hại cho môi trường đất. Những thay đổi về môi trường đất và diện tích ngập lũ trong hệ thống đê bao tỉnh An Giang đã ảnh hưởng đến mục đích sử dụng đất và tính bền vững sinh kế của nông dân trồng lúa, đặc biệt là những hộ dân trồng lúa ba vụ.

Nhóm nghiên cứu mong rằng kết quả nghiên cứu sẽ góp phần đề xuất những giải pháp tổng thể trong công tác khuyến nông tại địa phương, cũng như là nguồn tài liệu hữu ích cho những nghiên cứu có liên quan tại tỉnh An Giang và vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Bạn cũng có thể thích