Quảng Bình: Thiệt hại do thiên tai năm 2022 khoảng 286 tỷ đồng

Quảng Bình: Thiệt hại do thiên tai năm 2022 khoảng 286 tỷ đồng

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Binh, năm 2022, tình hình thiên tai có phần giảm nhẹ so với những năm gần đây, ít hiện tượng thời tiết cực đoan.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, năm 2022, tình hình thiên tai có phần giảm nhẹ so với những năm gần đây, ít hiện tượng thời tiết cực đoan. Tuy nhiên diễn biến phức tạp, khó lường, trái quy luật nhiều năm, như: Lũ trái mùa vào đầu tháng 4; tháng 6 mới xuất hiện bão; tháng 11, 12 còn xuất hiện lũ.

Năm 2022, do ảnh hưởng của thiên tai, toàn tỉnh có 914 nhà bị ngập; 8.300m chiều dài kênh mương, 2.400m đê bị sạt lở, cuốn trôi; 2 hồ chứa nước bị hư hỏng, sự cố; 9.380 ha lúa và 557 ha hoa màu và cây ăn quả bị ngập, thiệt hại; 917 ha cá lúa và 62 lồng bè bị cuốn trôi; 15.348m chiều dài đường giao thông quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên xã bị sạt lở và sạt lở bờ sông, biển dài 69,9km làm 11 nhà dân bị đổ, hư hỏng phải di dời. Ước tính tổng giá trị thiệt hại toàn tỉnh do mưa lũ khoảng 286,7 tỷ đồng.

1(1).jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng chủ trì hội nghị. Ảnh: Ngọc Hải

Năm qua, các sở, ngành, đơn vị, địa phương cũng đã tổ chức kiện toàn, thành lập Ban Chỉ huy PCTTvà TKCN; nâng cao năng lực đội xung kích PCTT tại các địa phương; thực hiện có hiệu quả công tác chuẩn bị ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh tổ chức diễn tập phòng chống lụt bão TKCN tại huyện Tuyên Hóa, phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại Cảng Hàng không Đồng Hới; tổ chức rà soát, đánh giá hiện trạng công trình đê điều, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển và lập phương án hộ đê năm 2022…

Mặt khác, công tác dự báo, cảnh báo thiên tai các đài từ Trung ương đến địa phương tương đối chính xác, tần suất liên tục nên đã cung cấp thông tin kịp thời cho công tác chỉ đạo, điều hành; UBND tỉnh đã bố trí kinh phí 105 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương để hỗ trợ các địa phương khắc phục thiệt hại do thiên tai đối với các công trình bị sự cố, hư hỏng do các đợt thiên tai năm 2022 gây ra…

Theo nhận định của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ tháng 4-6/2023, lượng mưa tại khu vực Việt Nam và các vùng lân cận có xu hướng thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Số lượng bão, ATNĐ hoạt động trên khu vực Biển Đông, cũng như ảnh hưởng đến đất liền có khả năng ít hơn. Có khoảng 10-12 xoáy thuận nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó có 2-4 cơn ảnh hưởng đến thời tiết khu vực Trung Trung Bộ; hiện tượng El Nino đang có xu hướng mạnh lên báo hiệu một mùa hè nắng nóng gay gắt, nguy cơ rất cao về cháy rừng, hạn hán vào mùa khô; mưa, bão diễn biến phức tạp vào cuối năm.

Tại hội nghị, đại diện các sở, ngành, địa phương, đơn vị đã tập trung phân tích, thảo luận những kết quả đạt được, những tồn tại hạn chế cũng như đề ra những giải pháp chủ yếu nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả công tác PCTT và TKCN trong năm 2023.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng biểu dương, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương trong công tác PCTT và TKCN, góp phần bảo đảm an toàn, tài sản cho người dân; đồng thời thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác PCTT và TKCN thời gian qua cần phải được khắc phục, đặc biệt là việc đầu tư cơ sở vật chất cho nhiệm vụ này chưa đáp ứng yêu cầu.

Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, dự báo trong thời gian tới, diễn biến thiên tai bất thường khốc liệt, không theo quy luật; do đó, trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ PCTT và TKCN đòi hỏi cao hơn, với mục tiêu giảm thiểu thiệt hại tài sản, tính mạng của người dân.

2(1).jpg
Cuộc họp được kết nối trực tuyến đến các huyện, xã. Ảnh: Ngọc Hải

Để triển khai thực hiện tốt công tác PCTT và TKCN trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng yêu cầu các sở ban, ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục khó khăn, hạn chế, yếu kém, thực hiện nghiêm các chỉ thị, Nghị quyết, kế hoạch của cấp trên, UBND tỉnh trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, xác định PCTT và TKCN là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên, liên tục cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Đồng thời, công tác dự báo, cảnh báo phải chính xác, kịp thời; kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp, các ngành; nâng cao năng lực, kỹ năng của các lực lượng nòng cốt PCTT; kiểm tra công tác chuẩn bị PCTT các hồ chứa nước, đê điều; đối với các địa phương vùng núi có phương án di dời dân; kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư lập phương án bảo đảm an toàn trong quá trình thi công, phương án ứng phó với các tình huống thiên tai.

Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, nhất là các dự án khắc phục sự cố đê điều, hồ đập, sạt lở bờ sông, bờ biển, di dời dân khẩn cấp đã được bố trí kinh phí; bảo đảm hậu cần, thông tin, liên lạc, an toàn giao thông, hệ thống điện, nước trước, trong và sau thiên tai, sự cố; triển khai lực lượng, phương tiện, vật tư sớm khi có tình huống xảy ra; tăng cường bảo đảm an toàn trật tự, an ninh xã hội, sớm ổn định đời sống sinh hoạt, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh sau thiên tai; xử lý môi trường phòng, chống dịch bệnh sau thiên tai…

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích