Người dân “đối phó” khi bị xử lý lấn chiếm vỉa hè

(Xây dựng) – Thời gian vừa qua, chính quyền, lực lượng chức năng của thành phố Hà Nội liên tục tổ chức các đợt ra quân nhằm lập lại trật tự vỉa hè. Đến nay, công cuộc giành lại vỉa hè đã có nhiều tín hiệu tích cực, tuy nhiên tại một số khu vực trung tâm thành phố, tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè vẫn xuất hiện.

Người dân “đối phó” khi bị xử lý lấn chiếm vỉa hè
Giành lại vỉa hè cho người đi bộ tuy không mới nhưng luôn là vấn đề nóng tại các đô thị lớn.

Vi phạm lấn chiếm vỉa hè, mất cảnh quan đô thị

Giành lại vỉa hè cho người đi bộ tuy không mới nhưng luôn là vấn đề nóng tại các đô thị lớn. Đặc biệt khi Hà Nội đã và đang có những chiến dịch ra quân để dọn dẹp vỉa hè, trả vỉa hè lại cho đúng công năng, công dụng vốn có.

Trong suốt một thời gian dài, vỉa hè Hà Nội đã bị lấn chiếm để sử dụng vào nhiều mục đích ngoài mục đích giao thông khiến nhiều người đi bộ phải đi dưới lòng đường chung với xe cơ giới, cản trở dòng xe lưu thông gây ra tình trạng ùn tắc trên nhiều tuyến đường.

Bên cạnh đó, nó cũng làm ảnh hưởng đến vấn đề vệ sinh môi trường dọc các tuyến đường do tình trạng xả rác của các đối tượng sử dụng. Hay tình trạng lộn xộn, bất quy tắc khi sử dụng vỉa hè với nhiều mục đích khác nhau gây mất mỹ quan đô thị, tác động không nhỏ đến cảnh quan chung và hình ảnh của thành phố.

Nhiều năm qua, chính quyền, lực lượng chức năng của các thành phố lớn đã ra quân để lập lại trật tự vỉa hè. Có những thời điểm, nhiều địa phương đã đưa ra những giải pháp mạnh. Như giai đoạn 2014 – 2015, Thành phố Hà Nội nêu cao khẩu hiệu: “Đảm bảo đường thông, hè thoáng”. Sang 2016 – 2017 đưa ra máy xúc đập bậc tam cấp ở những nhà mặt đường vi phạm, thậm chí một số phường còn lập chốt canh để phòng tái lấn chiếm.

Hà Nội hiện cũng đang thực hiện kế hoạch số 01 của Ban Chỉ đạo 197 Thành phố Hà Nội về việc tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn thành phố năm 2023, các cơ quan chức năng thực hiện các đợt ra quân “giành” vỉa hè cho người đi bộ với 3 giai đoạn, bắt đầu từ tháng 2 kéo dài đến tháng 11/2023.

Trước sự vào cuộc mạnh mẽ và quyết liệt của cơ quan chức năng cũng như sự đồng thuận của phần lớn người dân, công cuộc “giành lại vỉa hè” sau một thời gian triển khai đã có nhiều tín hiệu tích cực. Vỉa hè trên nhiều tuyến đường đã thông thoáng hơn, không còn cảnh lộn xộn, chật chội bàn ghế, xe cộ. Người dân đã có thể thoải mái đi lại trên vỉa hè mà không phải vất vả chen chân xuống lòng đường.

Đủ cách đối phó

Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực thì tại một vài khu vực trung tâm đông dân cư, tình trạng lấn chiếm vỉa hè vẫn còn tồn tại. Có nhiều lý do được đưa ra để giải thích cho thực tế này và nguyên nhân chủ yếu là do một bộ phận người dân vì mưu sinh nên chấp hành kiểu “đối phó”.

Có thể nói không chỉ những ngày này, mà đã từ rất lâu rồi người dân ở quận nội thành Hà Nội như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa… vẫn bất chấp vi phạm pháp luật buôn bán tràn lan trên vỉa hè các tuyến phố. Nhất là các tiểu thương, chiếm dụng từng mét vỉa hè ở phố cổ thuộc quận Hoàn Kiếm để bày bán đủ thứ hàng hóa. Trên nhiều tuyến phố, không khó để nhìn thấy hình ảnh các cửa hàng quán ăn bày bàn, ghế la liệt trên vỉa hè, coi vỉa hè trở thành “địa điểm” riêng nhằm phục vụ mục đích kinh doanh cá nhân.

Người dân “đối phó” khi bị xử lý lấn chiếm vỉa hè
Vỉa hè được tận dụng triệt để cho việc buôn bán.

Hay đối với một số đối tượng khác, chỉ buôn bán nhỏ, không thể đủ tiền thuê mặt bằng, họ chọn cách bán hàng trên xe, không những để tiện di chuyển mà còn để tránh những phiền phức có thể xảy đến với mình, đặc biệt là khi bị lực lượng chức năng bắt gặp. Nhiều hình thức kinh doanh “mới” xuất hiện nhưng họ không chọn hình thức tuân thủ pháp luật.

Người dân “đối phó” khi bị xử lý lấn chiếm vỉa hè
Người dân “đối phó” khi bị xử lý lấn chiếm vỉa hè
Nhiều hình thức kinh doanh vi phạm, lấn chiếm vỉa hè gây khó khăn cho lực lượng chức năng.

Bên cạnh đó, cũng có một số cơ sở kinh doanh vi phạm lấn chiếm vỉa hè bị lực lượng chức năng kiểm tra, họ chấp nhận nộp phạt. Nhưng ngay sau khi lực lượng chức năng rời đi được vài phút vỉa hè lại bị tái lấn chiếm.

Giải thích về việc này, chị Nguyễn Thu Vân – chủ của một cửa hàng tạp hóa trên đường Lê Đại Hành cho biết: “Tôi biết, bày hàng hóa trên vỉa hè là vi phạm pháp luật nhưng trên thực tế, không chỉ riêng tôi mà bất cứ ai cũng muốn bày hàng ra ngoài để bán cho dễ, vì như vậy người mua tiện xem và mua đồ hơn…”.

Có thể thấy, vì cuộc sống mưu sinh, họ chấp nhận nộp phạt chứ không thể buông tha vỉa hè. Sự cố chấp này đã mang lại không ít phiền toái cho các cơ quan chức năng khi phải liên tục đi kiểm tra, đốc thúc và nhắc nhở.

Người dân “đối phó” khi bị xử lý lấn chiếm vỉa hè
Nhiều cơ sở kinh doanh chấp nhận nộp phạt chứ không thể buông tha vỉa hè.

Có thể nói, việc giành lại vỉa hè không thể chỉ chờ lực lượng chức năng ra quân kiểm tra, nhắc nhở mà quan trọng nhất vẫn là ý thức tự giác, chấp hành của người dân. Đây cũng là nguyên nhân cốt lõi tạo sự bền vững trong chính sách lập lại trật tự đô thị.

Cùng với đó, các cấp chính quyền, địa phương cũng cần có trách nhiệm quan tâm đến vấn đề an sinh của người dân. Vừa đảm bảo cảnh quan đô thị sạch, đẹp, văn minh, vừa đảm bảo cho cuộc sống của những người trước đây phải mưu sinh, kiếm sống từ vỉa hè.

Video: Sự “đối phó” của người dân vi phạm lấn chiếm vỉa hè.

Lý Thị Băng
Sinh viên thực tập

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích