Tiếp nối Xiaomi, hãng xe Thuỵ Điển Koenigsegg gia nhập ‘đường đua’ sản xuất xe điện
Cụ thể, Koenigsegg chính thức thông báo mua lại 65% cổ phần của NEVS trong Meneko. Đây là công ty con của hãng siêu xe Thụy Điển, vốn được giao nhiệm vụ sản xuất chiếc hypercar 4 chỗ Gemera sắp ra mắt và phát triển công nghệ xe điện cho Koenigsegg.
Theo đó, tháng 1/2019, Koenigsegg thông báo về quan hệ đối tác chiến lược với công ty ôtô NEVS và thành lập Meneko. Mục tiêu chung là tăng tốc độ phát triển của công nghệ xe điện. Song song đó, Koenigsegg đã bán 20% cổ phần cho NEVS với giá khoảng 171 triệu USD.
Dẫu biết khởi nghiệp với một hãng xe hơi chưa bao giờ là dễ dàng trong công việc kinh doanh. Nhưng với sự mạo hiểm của chính mình, Christian von Koenigsegg đã thành công ngoài sức tưởng tượng với việc thành lập ra một trong những thương hiệu siêu xe đắt giá nhất thế giới vào năm 1994.
Hãng xe Thụy Điển Koenigsegg được xem là một trong những thương hiệu hypercar luôn được nhiều người khao khát, điển hình là Koenigsegg Jesko và Jesko Absolut hoàn toàn mới. Tuy nhiên với xu thế hiện nay, hầu hết hãng ô tô đang bắt đầu chuyển sang sản xuất xe thuần điện và Koenigsegg cũng không nằm ngoài ngoại lệ.
CEO Christian von Koenigsegg cho biết, sự tăng trưởng mạnh mẽ và ổn định của Koenigsegg cả về hoạt động và tài chính cho phép công ty mua lại quyền sở hữu của NEVS tại Meneko. Ông muốn cảm ơn NEVS và đội ngũ tuyệt vời của họ vì sự hợp tác này cho đến nay. Song song đó, ông mong muốn tiếp tục hợp tác với NEVS trong các dự án tiếp theo.
Trong tương lai gần, mục tiêu của Koenigsegg là sản xuất 300 chiếc Gemera tại phân xưởng hoàn toàn mới. Giả sử Koenigsegg theo đúng tiến độ, những chiếc Gemera đầu tiên sẽ rời dây chuyền lắp ráp và bàn giao đến tay khách hàng vào năm 2023.
CEO người Thuỵ Điển giải thích thêm, công ty đang tiếp tục đầu tư vào cơ sở vật chất, năng lực và cơ sở hạ tầng mới. Với vị thế tài chính vững mạnh của Koenigsegg, việc mua lại số cổ phần từ NEVS và sẵn sàng cho nhiều kế hoạch tương lai là điều không tồi đối với một thương hiệu ô tô chỉ mới 27 tuổi.
Trên thực tế, các nhà sản xuất ôtô độc quyền thuộc sở hữu tư nhân thường tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính từ bên ngoài để đảm bảo khả năng vận hành lâu dài. Pagani và McLaren là hai ví dụ điển hình. Trong khi đó, Rimac cũng phải ký kết các thỏa thuận hợp tác lớn với các ông lớn như Volkswagen Group và Hyundai.
Tại Việt Nam, ngày hôm nay, một kỹ sư ở Đà Nẵng đã chế tạo thành công trạm sạc nhanh cho ô tô điện trong vòng 30 phút.
Được biết, xe ô tô điện có ưu điểm về chi phí nhiên liệu thấp và hạn chế tác động môi trường về tiếng ồn, khí thải. Các hãng thế giới và Việt Nam đã bắt đầu kế hoạch thử nghiệm và bán loại xe này. Nhận thấy tiềm năng, từ năm 2017, ThS Trần Dũng và cộng sự Trung tâm Sản xuất thiết bị đo điện tử Điện lực miền Trung đã chế tạo trạm sạc cho ô tô điện.
ThS Trần Dũng, Giám đốc Trung tâm, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, trạm trang bị hai vòi sạc nhanh, được nghiên cứu theo tiêu chuẩn quốc tế về trạm sạc cấp 3, nên có thể đáp ứng các loại ô tô điện trên thế giới.
Cụ thể, trạm mang dòng điện áp một chiều từ 300-750 V với cường độ tối đa 60 A và công suất đạt 60 kW. Đặc biệt hiệu suất chuyển đổi từ điện lưới sang điện một chiều của trạm lên tới 93%, trong khi hiệu suất chuyển đổi năng lượng ở xe xăng truyền thống chỉ khoảng 17-21%.
Trạm sạc được tích hợp bảng hiển thị thông số về tổng lượng pin được nạp và thời gian sạc. Người dùng chỉ cần thao tác chọn bắt đầu quá trình sạc xe. Khi kết thúc, trạm tự động ngắt điện và có thông báo bằng âm thanh.
Tùy vào lưu lượng điện còn lại trong pin xe, trạm sạc có thể cung cấp 80% pin trong 30 phút. Để giảm tải lưới điện, ThS Dũng và cộng sự lắp đặt mái trạm sạc bằng pin mặt trời, giúp bổ sung nguồn năng lượng trong trường hợp không đủ điện dự trữ.
Trạm đảm bảo các tính năng an toàn cho xe và người dùng như ngắt mạch khi quá tải, chống sét, cảnh báo mất điện áp pha và cảm biến cháy nổ. Ngoài ra, mỗi trạm xe được kết nối với phần mềm quản lý giám sát từ xa giúp cập nhật các thông số người dùng để nhanh chóng phát hiện lỗi, sự cố bất thường khi sạc.
Người sạc xe có thể thanh toán bằng hình thức điện tử hoặc tiền mặt, dựa trên số kW điện được nạp. Tuy nhiên, ông Dũng cho biết, hiện cơ quan quản lý chưa có quy định về giá kW điện nạp cho dòng xe ôtô điện. “Dù vậy, giá có thể sẽ cao hơn giá điện dân dụng một chút”, ông nói.
Sản phẩm được làm hoàn toàn tại Việt Nam từ khâu gia công như vỏ tủ trạm sạc, phát triển phần mềm, lắp ráp thiết bị, vì vậy giá thành chỉ bằng khoảng 2/3 so với hàng ngoại nhập. Hoàn thành sau 3 năm, nhóm nghiên cứu đã lắp đặt 2 trạm sạc cấp 3 tích hợp trong cửa hàng xăng dầu tại thành phố Đà Nẵng, vận hành từ tháng 7/2020 đến nay.
Từ bước đầu thử nghiệm thực tế, nhóm nghiên cứu tiếp tục nâng cao tính năng của trạm (như hỏi ý kiến khách hàng, lưu lịch sử nạp điện) và tìm cách tăng hiệu suất chuyển đổi để giảm thời gian sạc. ThS Dũng mong muốn có thể mở rộng hệ thống trạm sạc nhanh cho xe ôtô điện tại Việt Nam trong năm 2022, tận dụng nguồn năng lượng tái tạo, sạch vào trong thực tế.
Thông thường, trạm sạc cho xe điện có ba cấp độ: cấp 1 (điện áp 120 V, một giờ sạc đi được hơn 6 km, thường dùng cho xe chạy bằng điện và xăng), cấp 2 (điện áp 208-240 V, một giờ sạc đi được hơn 26 km). Trạm sạc cấp 3 là chế độ sạc nhanh, với điện áp 600-800V, cho phép xe nạp điện đi 160 km chỉ trong 30 phút. Hiện một số hãng như Vinfast, Porsche đã lắp đặt loại trạm này tại một số thành phố lớn trong nước.
Diệu Hương (T/h)