Cần bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân theo đúng quy định của pháp luật
Từ việc nhờ người đứng tên…
Ông Trần Văn Hồng trình bày trong đơn gửi Tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu nông thôn: Tôi là người có quyền sử dụng hợp pháp đối với thửa đất số 63, tờ bản đồ số 16, diện tích 12117,5m2 (theo Bản đồ hiện trạng Nông trường Việt Mông đo đạc năm 2016) địa chỉ tại khu đảo Dài, thôn Phú Yên, xã Yên Bài, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội (Sau đây gọi là “thửa đất số 63”). Nguồn gốc thửa đất cụ thể như sau: Gia đình ông Nguyễn Văn Sử được Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì cấp quyền sử dụng đất tại thửa đất số 63, tờ bản đồ số 16, diện tích 12117,5m2 (theo Bản đồ hiện trạng Nông trường Việt Mông đo đạc năm 2016); trong đó có 500m2 đất thổ cư và còn lại là đất vương hộ sản xuất theo quy hoạch chung của nông trường theo Thông báo số 28/TB-Ub ngày 15/06/1989 của Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì.
Năm 1995, do không có nhu cầu sử dụng và điều kiện hoàn cảnh nên ông Nguyễn Văn Sử có chuyển 1 phần việc canh tác hoa màu cho ông Đoàn Quốc Hợi và ông Nguyễn Tiến Minh và làm chuyển nhượng toàn bộ quyền sử quyền đất, nhà ở và tài sản trên đất, cây cối hoa màu tại thửa đất số 63 cho tôi – Trần Văn Hồng. Việc chuyển nhượng và giao, nhận tiền được tôi trực tiếp thực hiện với ông Sử, ông Hợi và ông Minh và được lập bằng các biên bản xác nhận có chữ ký của các bên.
Thời điểm năm 1995, chỉ có người tại địa phương mới được mua đất nông trường, nên tôi nhờ ông Phùng Văn Doanh, nay ở thôn Thanh Vy, xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội đứng tên. Kể từ khi nhận bàn giao đất từ ông Sử, ông Minh và ông Hợi thì tôi là người trực tiếp sử dụng, trông năm, chăm sóc, canh tác thửa đất từ năm 1995 đến nay. Đồng thời, tôi cũng là người trực tiếp thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế, phí đối với cơ quan nhà nước và Nông trường. Đối với việc làm thủ tục hồ sơ chuyển giao đất, như các bên đã thỏa thuận, thống nhất thì ông Sử sẽ là người tiến hành thủ tục xin chuyển nhượng tại Nông trường Hữu nghị và bàn giao lại toàn bộ Giấy tờ cho tôi.
Đến năm 2016, Nông trường giải thể nên đã thuê đơn vị đo đạc lại. Tôi đã nhờ bà Nguyễn Thị Mạch ở thôn Thanh Vy, xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội đi làm giúp thủ tục. Bà Nguyễn Thị Mạch yêu cầu tôi đưa hồ sơ gốc, tôi nói là bị thất lạc, chỉ có bản photo. Cuối năm 2019, tôi đã tìm được hồ sơ gốc và hiện đang giữ hồ sơ gốc. Tháng 6 năm 2021 có anh Thao và chị Lan ở Hà Nội lên nhà tôi tìm hỏi về hồ sơ đất. Họ nói rằng mua của bà Phùng Thị Tâm ở xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội, hai bên đã làm Hợp đồng mua bán, đồng thời đặt cọc 500.000.000 đồng (Năm trăm triệu đồng).
… Đến chuyện bị bán và phá hoại tài sản
Cũng theo đơn trình bày của ông Hòng thì, cuối năm 2021, ông Phùng Văn Mong ở thôn Thanh Vy, xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây đem máy xúc vào vườn, khu đất của gia đình tôi, đào bới, xây dựng. Tôi đã báo cáo với công an xã, UBND xã Yên Bài. Công an xã và UBND xã đã cử người tới làm biên bản ngừng hoạt động máy móc. Ông Mong trình bày với chính quyền xã, ghi tại biên bản là ông mua của bà Mạch khu đất này cách đây 10 năm. Khi chính quyền hỏi giấy tờ, chính chủ… thì ông Mong không xuất trình được và đã cho ngừng hoạt động, di chuyển máy xúc về.
Ngày 20/10/2022, tôi ủy quyền cho ông Hoàng Văn Phượng và làm hợp đồng cho ông Hoàng Văn Nam ở xã Vân Hòa, huyện Ba Vì vào sửa nhà cũ và làm cỏ vườn để cải tạo đất trồng hoa màu. Nhưng có ông Phùng Văn Đức ở Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây là người của bà Mạch và nhiều người vào cản chở, gây rối với người được ủy quyền và thợ xây, họ còn dùng nhiều lời xúc phạm và đe dọa làm cho thợ sợ không thể tiếp tục xây dựng nên đã gây thiệt hại về kinh tế cho gia đình tôi.
Tiếp đó, sáng ngày 07/11/2022, phía gia đình bà Mạch và ông Đức đã dùng ô tô chở một ngôi nhà tôn đã hoàn thành khung và dùng cần cấu to cẩu chiếc nhà tôn qua đường dây điện và tường bao để đặt vào khu đất đang thuộc quyền sử dụng của tôi.
Đất của tôi, giấy tờ gốc tôi đang cầm và không có bất kỳ giao dịch mua bán nào, vậy mà bà Mạch đã viết đơn tố cáo tôi chiếm đoạt tài sản. Đêm 07/11/2022, ông Trinh – cán bộ địa chính xã Yên Bài đã điện thoại mời tôi vào xã làm việc. Ngày 08/11/2022, tôi đã vào UBND xã Yên Bài để làm việc với lãnh đạo và cán bộ địa chính xã. Tôi đã xuất trình đầy đủ hồ sơ đất bản gốc mà tôi đã mua và đền bù từ năm 1995, đồng thời phô tô lại có ký nháy từng trang gửi cho xã. Xã yêu cầu dừng sửa chữa tôi đã chấp hành để đợi chính quyền xem xét, giải quyết cho đến nay chưa xong.
Vào ngày 05/12/2022, ông Phùng Văn Đức và một nhóm thanh niên trên 10 người đứng bảo vệ để máy xúc phá tường bao, đập phá tài sản của gia đình tôi. Tôi đã báo cáo với công an, chính quyền sự việc trên. Chính quyền cử người xuống làm việc, yêu cầu dừng đập phá và lập biên bản nhưng ông Đức và số người trên không chấp hành, không ký biên bản làm việc mà vẫn tiếp tục cho máy và thợ làm.
Đề nghị Công an huyện Ba Vì xem xét, xử lý dứt điểm vụ việc, bảo vệ tài sản, tính mạng cho công dân.
Trao đổi trực tiếp với phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu nông thôn, ông Trần Văn Hồng cho biết: Hành vi đưa người và công cụ (xe ủi, xe cẩu) vào thửa đất của gia đình ông để phá hoại cây cối, công trình xây dựng, tài sản, xâm nhập gia cư bất hợp pháp… của bà Nguyễn Thị Mạch, ông Phùng Văn Đức, ông Phùng Văn Mong có dấu hiệu của tội Hủy hoại tài sản quy định tại Điều 178 và tội Gây rối trật tự công cộng quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); hành vi bán đất của người khác, không có giấy tờ chính chủ.
Sau rất nhiều lần bị làm phiền, tháng 12/2022, ông Trần Văn Hồng làm đơn lên Công an huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội kêu cứu, đề nghị bảo vệ tài sản, tính mạng cho ông và gia đình trước đe dọa, xúc phạm của một một số cá nhân. Ông Hồng đề nghị Công an huyện Ba Vì xác minh đơn tố giác tội phạm, làm rõ hành vi, dấu hiệu phạm tội của các ông, bà Phùng Văn Doanh, Phùng Thị Tâm, Phùng Văn Đức, Nguyễn Thị Mạch và ông Phùng Văn Mong.
Tháng 1/2023, cán bộ điều tra Công an huyện Ba Vì mời ông Hồng lên cung cấp hồ sơ gốc để giám định, xác minh.
Khi chúng tôi thực hiện nội dung này, là cuối tháng 04/2023, ông Trần Văn Hồng vẫn khẳng định, đã cung cấp tài liệu, chứng cứ cho cơ quan điều tra Công an huyện Ba đã hơn 3 tháng, nhưng từ đó đến nay, gia đình ông vẫn sống trong lo sợ, vẫn chưa nhận được thông báo giải quyết gì từ Công an huyện Ba Vì.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu nông thôn, đại diện lãnh đạo xã Yên Bài khẳng định: Gia đình ông Hồng có hồ sơ gốc chứng minh diện tích đất và quyền sử dụng hợp pháp đối với thửa đất số 63, tờ bản đồ số 16, diện tích 12117,5m2 (theo Bản đồ hiện trạng Nông trường Việt Mông đo đạc năm 2016) địa chỉ tại khu đảo Dài, thôn Phú Yên, xã Yên Bài, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội gửi xã. Khi xảy ra tranh chấp, gia đình có trình báo Công an, chính quyền xã và chính quyền lập biên bản, chuyển hồ sơ lên cấp trên giải quyết.
Điều 178, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, Tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.
Hủy hoại (hay phá hoại) tài sản của người khác là hành vi làm cho tài sản bị mất đi giá trị sử dụng hoặc làm giảm đáng kể giá trị sử dụng của tài sản đó. Cụ thể:
1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
đ) Tài sản là di vật, cổ vật.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
c) Tài sản là bảo vật quốc gia;
d) Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Để che giấu tội phạm khác;
e) Vì lý do công vụ của người bị hại;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
4. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Điều 318, Bộ luật Hình sự năm 2015, Tội Gây rối trật tự công cộng
1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;
c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;
d) Xúi giục người khác gây rối;
đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu