Hiến máu ghép tế bào gốc cứu sống bé trai bị Lymphoma Burkitt đầu tiên ở Việt Nam
Hiến máu ghép tế bào gốc cứu sống bé trai bị Lymphoma Burkitt đầu tiên ở Việt Nam
Để cứu sống bé trai 7 tuổi bị u hạch Lymphoma Burkitt tái phát, các y bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế đã tình nguyện hiến máu để tiến hành ca ghép tế bào gốc thành công đầu tiên ở Việt Nam.
Ngày 14/9, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, đơn vị vừa hoàn tất thủ tục cho xuất viện đối với bệnh nhi bị u hạch Lymphoma Burkitt tái phát sau khi ghép tế bào gốc thành công.
Theo đó, bệnh nhi là cháu Nguyễn Xuân B. (7 tuổi, đến từ huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh). Cháu B. khởi bệnh với biểu hiện sốt tái diễn kèm đau bụng thường xuyên. Chụp CT scan ổ bụng phát hiện một khối u lớn ở ruột. Sau đó, cháu được cắt bỏ khối u, làm hậu môn nhân tạo.
Các y bác sĩ bệnh viện Trung ương Huế tiến hành ghép tế bào gốc cho bệnh nhi B.
Kết quả giải phẫu bệnh cho thấy cháu bị u hạch Lymphoma Burkitt và được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 theo phác đồ. Sau khi hoàn tất điều trị được 1 tháng, cháu không may bị tái phát bệnh trở lại.
Theo lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế, để kéo dài sự sống cho bệnh nhi, cần phải tiến hành điều trị hóa chất liều cao kèm ghép tủy tự thân. Vì thế, bệnh viện Nhi Đồng 2 tiếp tục điều trị cho cháu theo phác đồ tái phát và gửi đến Bệnh viện Trung ương Huế để tiến hành ghép tủy.
Bệnh nhân được chuyển đến Huế điều trị trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Việc thực hiện ghép trong mùa dịch vì vậy cũng gặp nhiều khó khăn.
Trong thời điểm cấp bách, Ban Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế đã gấp rút tiến hành hội chẩn đa chuyên khoa toàn viện để lên kế hoạch điều trị cho bệnh nhân với các bước cụ thể: Thu hoạch tế bào gốc, tấn công tiếp vòng thuốc thứ 3 còn lại theo phác đồ, đóng hậu môn nhân tạo, và sau đó tiến hành ghép tủy.
Mặt khác, triển khai ghép tủy trong mùa dịch Covid-19 cũng gặp phải những khó khăn về tìm nguồn máu hỗ trợ. Có những thời điểm thiếu nguồn máu, đội ngũ y bác sĩ trong bệnh viện đã tình nguyện hiến máu để đảm bảo thành công cho ca ghép.
Bệnh nhi B. được cho xuất viện về theo dõi tại nhà.
Đến nay, sau 14 ngày tiến hành ghép, các dòng tế bào máu đã được phục hồi, bệnh nhi B. chính thức được xuất viện, tiếp tục được theo dõi điều trị tại nhà và tái khám theo hẹn. Thành công với ca ghép tủy Burkitt Lymphoma tái phát không chỉ là niềm vui của gia đình bệnh nhân, mà cũng là niềm vui to lớn, là bước ngoặt của Bệnh viện Trung ương Huế.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế, ghép tế bào gốc ở trẻ em mới được đơn vị thực hiện trong thời gian gần đây, tuy nhiên đã được triển khai được trên nhiều mặt bệnh khác nhau. Hiện tại, đơn vị này vẫn đang nỗ lực tiếp tục thực hiện nhiều ca ghép tiếp theo. Trong tương lai, ngoài ghép tủy tự thân, Bệnh viện Trung ương Huế sẽ triển khai thêm ghép tủy đồng loại để mang lại sự sống cho các bệnh nhi.