Phân chia di sản thừa kế khi không có di chúc
Phân chia di sản thừa kế khi không có di chúc
Hỏi: Thưa Luật sư, bố mẹ tôi lấy nhau năm 1991 và có 2 con (2 con đều đã trưởng thành và có gia đình, ổn định cuộc sống, ông bà tôi đã chết từ năm 1996). Mẹ tôi chết từ năm 2010, đến năm 2015 bố tôi có mua mảnh đất 45m2 để ở và đã được cấp sổ đỏ đứng tên bố tôi. Trước khi mất, bố tôi có nói để lại mảnh đất này cho tôi. Tuy nhiên, gần đây bố tôi vừa qua đời mà không để lại di chúc.
Hiện chị gái tôi cũng đồng ý cho tôi đứng tên mảnh đất này, vậy tôi có đủ điều kiện đứng tên trên sổ đỏ không và tôi phải làm những thủ tục gì? Mong Luật sư giải đáp giúp tôi.
Trả lời:
Văn phòng Luật sư xin tư vấn như sau:
Thứ nhất, về điều kiện thực hiện việc thừa kế quyền sử dụng đất
Theo thông tin bạn cung cấp, mẹ bạn đã chết trước bố bạn nên đây là tài sản riêng của bố bạn. Căn cứ Điều 188 Luật Đất đai năm 2013 quy định về điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất thì nếu thửa đất này có đủ các điều kiện như có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không có tranh chấp, không bị kê biên để bảo đảm thi hành án và vẫn đang trong thời hạn sử dụng đất thì có thể thực hiện quyền thừa kế quyền sử dụng đất đối với thửa đất này.
Thứ hai, về phân chia di sản thừa kế
Khi chết, bố bạn không để lại di chúc nên theo quy định của pháp luật, trong trường hợp không có di chúc, di sản của người chết để lại sẽ được chia theo pháp luật theo điểm a Khoản 1 Điều 650 Bộ luật dân sự 2015:
“1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:
a) Không có di chúc;”
Bên cạnh đó, Điều 651 quy định về người thừa kế theo pháp luật như sau:
“Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”.
Sau khi bố bạn chết, những người có quyền lợi liên quan cần phải làm thủ tục khai tử tại Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người chết và tiến hành mở thừa kế. Trong trường hợp của bạn, do mẹ bạn và ông bà của bạn đã chết trước bố bạn, bố bạn chết không để lại di chúc nên hàng thừa kế thứ nhất gồm 2 đồng thừa kế là bạn và chị gái. Về trình tự thì tại điều Điều 656 quy định Họp mặt những người thừa kế
1. Sau khi có thông báo về việc mở thừa kế hoặc di chúc được công bố, những người thừa kế có thể họp mặt để thỏa thuận những việc sau đây:
a) Cử người quản lý di sản, người phân chia di sản, xác định quyền, nghĩa vụ của những người này, nếu người để lại di sản không chỉ định trong di chúc;
b) Cách thức phân chia di sản.
2. Mọi thỏa thuận của những người thừa kế phải được lập thành văn bản.”
Theo thông tin bạn cung cấp, bạn và chị gái đã thống nhất về việc phân chia di sản thừa kế và quyền sử dụng di sản là thửa đất sẽ được chuyển cho bạn. Thỏa thuận phân chia di sản thừa kế này phải được lập thành văn bản được công chứng hoặc chứng thực tại ủy ban nhân dân cấp xã.
Sau khi có văn bản thỏa thuận phân chia di sản thì bạn mang giấy tờ làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế và đăng ký sang tên quyền sử dụng đất tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng tài nguyên và môi trường cấp huyện nơi có đất.