Sứ mệnh bảo vệ hệ sinh thái biển ở Thổ Nhĩ Kỳ lan tỏa khắp thế giới
Sứ mệnh bảo vệ hệ sinh thái biển ở Thổ Nhĩ Kỳ lan tỏa khắp thế giới
Nổi tiếng với màu xanh trong như pha lê, những bãi biển trải dài và vịnh nhỏ hoang sơ, Bờ biển Turquoise Coast là một trong những kỳ quan thiên nhiên của Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo hãng CNN, trải dài hơn 600 dặm dọc theo Địa Trung Hải, bờ biển phía tây nam của đất nước này từ lâu đã được biết đến với vẻ đẹp tự nhiên, thu hút khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới.
Tuy nhiên trong khi làn nước lấp lánh trông thật hấp dẫn thì cuộc sống dưới bề mặt đang trở nên kém sắc thái hơn. Trong những thập kỷ gần đây, khu vực này đã trở nên cạn kiệt sức sống tự nhiên nghiêm trọng do đánh bắt quá mức, đánh bắt trái phép, phát triển du lịch và biến đổi khí hậu. Môi trường sống quan trọng đối với rùa quản đồng và hải cẩu thầy tu Địa Trung Hải đang bị đe dọa tuyệt chủng do bị phá hủy, nơi sinh sản của cá mập cũng bị đe dọa và quần thể cá bản địa đang bị tàn phá.
Nỗ lực hồi sinh khu vực này một phần nhờ vào Chủ tịch và người sáng lập Akdeniz Koruma Derneği (Hiệp hội Bảo tồn Địa Trung Hải) – ông Zafer Kizilkaya. Ông Zafer Kizilkaya là người đã vận động thành công Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ xây dựng mạng lưới các khu bảo tồn biển (MPA) trải dài hơn 300 dặm dọc theo bờ biển Địa Trung Hải. Ông Kizilkaya đã được trao Giải thưởng Môi trường Goldman danh giá cho công việc bảo vệ đại dương.
“Hãy cứu lấy Vịnh”
Nhiệm vụ của ông Kizilkaya bắt đầu vào năm 2007 sau chuyến thám hiểm lặn ở Vịnh Gökova, một vịnh dài 62 dặm ở trung tâm Bờ biển Ngọc lam. Ông đã trở về quê hương Thổ Nhĩ Kỳ sau vài năm làm việc với tư cách là nhà nghiên cứu biển và nhiếp ảnh gia dưới nước ở Indonesia và bị sốc trước sự suy thoái của biển. Đây được xem là một trong những phần đa dạng sinh học nhất của bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ nhưng nó đang trở nên cằn cỗi.
“Được ví giống như một cuộc chiến tranh hạt nhân đã xảy ra dưới nước: không có sự sống, đá trơ trụi, không có tảo vĩ mô”, ông nói.
Hầu hết Bờ biển Ngọc lam Turquoise Coast và Địa Trung Hải đã trải qua ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc, Địa Trung Hải là vùng biển bị đánh bắt quá mức nhất thế giới, có rất nhiều đội tàu đánh cá quy mô công nghiệp như tàu lưới vây và tàu lưới kéo. Xóa sổ sinh vật biển đã làm tổn hại đến sinh kế của ngư dân địa phương. Trong khi đó, các cộng đồng đánh bắt cá quy mô nhỏ đang hoảng loạn. Nhận thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề, ông quyết định rằng đây là lúc phải hành động và bắt đầu cố gắng thuyết phục ngư dân địa phương cũng như các bên liên quan khác nhanh chóng ngăn chặn các khu vực cấm đánh bắt cá và các khu vực được bảo vệ nhằm giúp đảo ngược những xu hướng này. Ông thừa nhận thuyết phục ngư dân đứng về phía mình là thách thức lớn nhất, nhưng vì tình hình đã trở nên nghiêm trọng nên một số người bắt đầu lắng nghe. Vào năm 2012, nhà nghiên cứu Kizilkaya đã thành lập Khu bảo tồn biển do cộng đồng quản lý đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ tại Vịnh Gökova.
Ông Kizilkaya giải thích để khu bảo tồn hoạt động, các khu vực cấm đánh bắt phải được thực thi một cách hiệu quả. Ông Kizilkaya đã đào tạo ngư dân địa phương thành những kiểm lâm viên trong ngành hàng hải, những người có thể giám sát vùng biển trước tình trạng đánh bắt cá bất hợp pháp, sau đó gửi cảnh báo cho Lực lượng bảo vệ bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù không có quyền bắt giữ nhưng người dân địa phương được trang bị máy quay để cung cấp bằng chứng có thể chấp nhận được cho các vụ kiện.
Hệ sinh thái biển đang hồi sinh
Khi Địa Trung Hải ấm lên do biến đổi khí hậu, các loài cá nhiệt đới xâm lấn như cá mao tiên đã bơi qua Kênh đào Suez. Chúng gây ra mối đe dọa cho hệ sinh thái khi săn mồi các loài cá bản địa, chúng ăn cỏ quá mức và bản thân chúng lại ít động vật có thể ăn thịt lại được. Để giải quyết vấn đề này, ông Kizilkaya đã đưa ra cách tiếp cận mới, liên hệ với một số đầu bếp nổi tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ và khuyến khích họ tạo ra các công thức nấu ăn ngon với nguyên liệu chính là những loài cá xâm lấn này. Quảng bá các công thức nấu ăn, khuyến khích các nhà hàng trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu phục vụ các món ăn như gỏi cá mao tiên và các món khác từ loài cá này kèm với khoai tây chiên nhằm phục vụ du khách.
“Chúng tôi trở thành người bán cá. Cá mao tiên ngon, rẻ do ngư dân địa phương đánh bắt và bán cho các nhà hàng phục vụ ăn uống”, ông Kizilkaya nói.
Nhờ có sự nỗ lực, hệ sinh thái biển của Vịnh Gökova đã hồi sinh. Theo Tổ chức từ thiện bảo tồn đại dương Blue Marine Foundation, số lượng cá/m2 đã tăng gấp 10 lần kể từ khi thực hiện các khu vực cấm đánh bắt vào năm 2012 và thu nhập của ngư dân địa phương đã tăng 400%.
“Vịnh Gökova đã trở thành một ví dụ điển hình về bảo tồn”, ông Kizilkaya nói đồng thời cho biết thêm rằng thành công của lần này đã thuyết phục chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng mạng lưới các khu Bảo tồn biển (KBTB) về phía đông nam dọc theo 310 dặm bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ.
Chuyên gia Kizilkaya hy vọng rằng Giải thưởng Môi trường Goldman sẽ tiếp thêm động lực cho sứ mệnh của ông. Ông Kizilkaya muốn thấy các khu bảo tồn biển được thành lập trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ và toàn bộ Địa Trung Hải đồng thời hy vọng sự mệnh lần này sẽ giúp mọi người ý thức tốt hơn về cuộc khủng hoảng dưới nước và những gì chúng ta có thể làm để giải quyết nó.
“Các đại dương bị bỏ quên vì không ai chú ý đến môi trường dưới nước. Hệ thống này hoạt động vì lợi ích của cá, cá mập, hải cẩu và con người. Nếu điều này có thể thực hiện được ở đây, tại sao những nơi khác lại không?”, ông Kizilkaya nhấn mạnh.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị