Ban quản lý nhà chung cư có những quyền gì?
(Xây dựng) – Ban quản lý chung cư là gì, họ có trách nhiệm như thế nào với người dân tòa nhà. Là thắc mắc của nhiều cư dân khi sinh sống tại các khu chung cư cao tầng.
Quản lý chung cư chính là những người có trách nhiệm đem lại cuộc sống thoải mái, an toàn cho người dân. |
Ban quản lý chung cư là gì?
Theo khoản 2 Điều 103 Luật Nhà ở 2014 có quy định: Đối với những tòa nhà chung cư quy hoạch xây dựng từ 20 căn hộ trở lên bắt buộc phải thành lập Ban quản lý chung cư. Đội ngũ ban quản lý nhà chung cư có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng. Tổ chức này hoạt động theo mô hình hội đồng quản trị của công ty cổ phần hoặc mô hình chủ nhiệm hợp tác xã.
Số lượng thành viên của ban quản trị thường từ 3-5 người. Các thành viên ban quản lý chung cư phải có trình độ kiến thức chuyên môn phù hợp với vị trí công việc. Quản lý chung cư chính là những người có trách nhiệm đem lại cuộc sống thoải mái, an toàn cho người dân. Mọi mâu thuẫn bức xúc của người dân diễn ra trong chung cư thì ban quản lý phải nắm rõ để có hướng giải quyết xử lý phù hợp.
Ban quản lý nhà chung cư có những quyền gì?
Điều 42 Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư được ban hành kèm theo văn bản hợp nhất Thông tư số 05/VBHN-BXD ngày 17 tháng 9 năm 2021 của Bộ xây dựng quy định về quyền và trách nhiệm của đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư như sau:
1. Thực hiện quản lý vận hành nhà chung cư theo quy định của Quy chế này và hợp đồng dịch vụ quản lý vận hành đã ký với Ban quản trị nhà chung cư hoặc người đại diện quản lý nhà chung cư (đối với nhà chung cư không phải thành lập Ban quản trị); thực hiện bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư theo hợp đồng bảo trì nếu có năng lực bảo trì.
2. Ký kết hợp đồng phụ với các đơn vị cung cấp dịch vụ trong việc quản lý vận hành nhà chung cư (nếu có); giám sát việc cung cấp các dịch vụ của các đơn vị này.
3. Thông báo bằng văn bản về việc thu, nộp các khoản kinh phí có liên quan; thông báo các yêu cầu, nội dung cần chú ý cho người sử dụng nhà chung cư trong trường hợp xảy ra các tình huống đột xuất như thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn; hướng dẫn việc lắp đặt các thiết bị trong phần sở hữu riêng của chủ sở hữu.
4. Thu kinh phí dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư theo thỏa thuận với các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư; thu, chi trả thù lao cho các thành viên Ban quản trị nhà chung cư theo quyết định của hội nghị nhà chung cư.
5. Định kỳ 6 tháng một lần hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền phải báo cáo công khai về công tác quản lý vận hành nhà chung cư với Ban quản trị nhà chung cư; báo cáo tình hình quản lý vận hành tại hội nghị nhà chung cư; lấy ý kiến góp ý của người sử dụng về việc cung cấp dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư.
6. Phối hợp với Ban quản trị nhà chung cư để giải quyết các vấn đề khác có liên quan trong quá trình quản lý vận hành nhà chung cư.
7. Chấp hành quyết định giải quyết, xử lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
8. Thực hiện các quyền và trách nhiệm khác theo thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư hoặc theo quy định của pháp luật có liên quan.
Nguồn: Báo xây dựng