Khó khăn bủa vây từ nhiều hướng, lối thoát nào cho doanh nghiệp nhà thầu?
Lời tòa soạn:
Thời gian qua, các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản không khỏi bất ngờ trước tình trạng giá vật liệu xây dựng (VLXD) liên tục tăng. Theo Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, giá thép tăng đột biến từ quý IV/2020, và kéo dài trong những tháng đầu năm 2020. Đơn cử, giá thép phi 6 của một doanh nghiệp thép tại thời điểm tháng 10/2020 mới chỉ 12,4 triệu đồng/tấn thì đến nay đã vọt lên 19,4 triệu đồng/tấn, tăng gần 60%. Không chỉ riêng hãng thép này mà tất cả thương hiệu thép cũng đều đồng loạt tăng giá, với mức tăng 40% – 60% so với cuối năm 2020.
Ngoài thép, kim loại màu cũng tăng 20% và những VLXD khác cũng bước vào chu kỳ tăng giá.
Tình trạng VLXD tăng giá đã ảnh hưởng rất lớn đến thị trường bất động sản, bởi xi măng, cát đá, đặc biệt là sắt thép… là những nguyên liệu chủ chốt cho việc thi công, xây dựng. Thông thường, riêng chi phí mua thép chiếm khoảng 28% chi phí xây dựng một căn chung cư và 35% chi phí xây dựng một căn nhà liền kề.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp bất động sản đang lao đao cầm cự, việc VLXD liên tục tăng giá có thể trở thành cú đánh bồi, gây ra những hệ luỵ nghiêm trọng cho thị trường. Đặc biệt, khi phân khúc nhà ở bình dân dần “biến mất” khỏi thị trường với nguồn cung vô cùng hạn chế, VLXD tăng giá tạo ra áp lực lớn buộc các chủ đầu tư có thể phải tăng giá nhà và thiết lập mặt bằng giá mới tăng cao hơn nữa.
Trên tinh thần nghiên cứu, phản biện, Reatimes khởi đăng tuyến bài “Giá vật liệu xây dựng “nhảy múa” bất thường và những hệ luỵ đến thị trường bất động sản”.
Trân trọng giới thiệu!
Khó khăn bủa vây từ nhiều hướng
Cho đến thời điểm hiện tại, có thể khẳng định năm 2021 là một năm quá nhiều khó khăn với các doanh nghiệp nước nhà. Dịch Covid-19 tái bùng phát với diễn biến phức tạp cùng các đợt giãn cách xã hội kéo dài khiến không ít doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực rơi vào trạng thái lao đao “tiến không được, dừng không xong”. Doanh nghiệp nhà thầu ngành xây dựng là một trong số đó.
Hơn hết, không chỉ chịu ảnh hưởng chung từ dịch bệnh, các nhà thầu Việt Nam từ đầu năm đến nay còn rơi vào cơn bão giá của VLXD tăng cao.
Vốn đã khó ký hợp đồng mùa dịch, nay lại phải hoãn triển khai công trình do giãn cách xã hội cùng với chi phí đội lên cao do các khoản chi phòng chống dịch và giá thép tăng mạnh đã đẩy nhiều nhà thầu đến bên bờ vực.
Chia sẻ với Reatimes, đến nay đã có hơn 5 doanh nghiệp nhà thầu lớn nhỏ bày tỏ những khó khăn bủa vây từ nhiều phía. Các doanh nghiệp có thể xuất phát điểm khác nhau, doanh thu khác nhau, quy mô khác nhau nhưng nhìn chung đều đang ảnh hưởng nặng nề từ vòng xoáy Covid-19 và giá VLXD tăng “phi mã”.
Cụ thể, tình hình giá nguyên vật liệu hiện nay có giảm so với đỉnh điểm đầu tháng 5/2021, trong đó giá thép giảm 6% một phần là nhu cầu vật tư giảm do nhiều dự án phải tạm ngưng theo Chỉ thị 16 của Nhà nước. Tuy nhiên, giá thép vẫn còn cao so với cuối năm 2020 là 34%. Giá nguyên vật liệu đẩy lên cao chắc chắn ảnh hưởng đối với các hợp đồng xây dựng đã ký kết ở thời điểm trước cuối năm ngoái, ngân sách dự toán bị vượt và làm không còn lợi nhuận.
Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh kéo dài trong nhiều tháng qua cũng ảnh hưởng lớn tới hoạt động xây lắp, cả khi ổn định dịch các nhà thầu cũng cần thời gian để bắt nhịp tiến độ. Chưa kể chi phí tăng cao do thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, lãi vay ngân hàng không hề giảm cùng với việc mất nguồn nhân công do không đáp ứng được nhu cầu công việc đều đặn,…
Rõ ràng chỉ với hai yếu tố gồm dịch bệnh và giá thép tăng nhưng đã tác động hầu hết mọi mặt từ tài chính, nhân lực đến tiến độ hoạt động của các nhà thầu xây dựng. Một lúc phải gánh chịu nhiều áp lực, các doanh nghiệp nhà thầu “thoi thóp” đồng loạt kêu cứu là điều dễ hiểu.
Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu Việt Nam (VACC) cho biết, đây là lần đầu tiên từ trước tới nay nhận được đồng loạt đơn “kêu cứu” của các doanh nghiệp. Nói để thấy, những khó khăn mà các doanh nghiệp nhà thầu ngành xây dựng hiện nay đang gặp phải khổ sở đến mức nào. “Chẳng ai muốn kêu than mình khổ trong khi mình sướng, chỉ đến khi quá khổ người ta mới phải nói ra để cầu cứu”, ông Hiệp bày tỏ.
Lối thoát nào cho doanh nghiệp nhà thầu?
Trước quá nhiều áp lực bủa vây, đã đến lúc các doanh nghiệp nhà thầu không thể nằm yên chờ “chết”. Vì vậy, thay vì đợi người khác đến cứu, đồng loạt các nhà thầu xây dựng đã đệ đơn lên VACC nhằm kiến nghị Chính phủ tìm các giải pháp tháo gỡ.
Chia sẻ với báo chí, Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng Delta kiến nghị với các cơ quan Nhà nước chia sẻ và hỗ trợ doanh nghiệp như gia hạn thời gian trả nợ/cơ cấu nợ ngân hàng, giảm lãi suất ngân hàng, giảm thuế suất thu nhập doanh nghiệp, gia hạn và giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội trong năm.
Tương tự Delta, Eurowindow, Vinaconex cũng đề xuất miễn giảm, giãn thời nộp thuế như giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (từ tháng 4/2021), giảm thuế VAT xuống còn 5%, giãn thời gian nộp VAT từ quý II sang năm tới. Tổng công ty cũng mong muốn Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn với lãi suất ưu đãi để trả lương người lao động.
Ngoài ra, Vinaconex còn bày tỏ mong muốn Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính có cơ chế điều chỉnh giá, thanh toán, thanh lý hợp đồng xây dựng trong bối cảnh hiện nay như bổ sung các chi phí dừng chờ, phòng chống dịch, hỗ trợ ăn ở vào chi phí xây dựng công trình.
Hay Công ty cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings cũng bổ sung kiến nghị về việc tạm dừng thi công ngoài những vấn đề nêu trên. Cụ thể, doanh nghiệp kiến nghị cho phép duy trì thi công với các dự án đang thi công phần ngầm để tránh nguy hiểm cho các công trình lân cận. Đối với các dự án đang thi công phần kết cấu, công ty đề xuất cho phép hoàn thiện một số phần dở dang để tránh thiệt hại cho nhà thầu.
Mới đây, chia sẻ với Reatimes, đại diện một doanh nghiệp nhà thầu lớn tại Hà Nội cũng bày tỏ mong muốn: “Chúng tôi kiến nghị Nhà nước xem xét và cần có chính sách điều tiết về thị trường cung ứng VLXD, đặc biệt là mặt hàng thép trong nước với giá phù hợp, bình ổn, đảm bảo nhu cầu cung cấp ngay khi dịch bệnh được kiểm soát và kinh tế xã hội hoạt động trở lại bình thường”.
Bên cạnh những giải pháp tình thế để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh và giá VLXD tăng, nhiều doanh nghiệp xây dựng, nhà thầu cũng đề xuất giải pháp lâu dài nhằm khắc phục những khó khăn nội tại, hướng tới sự phát triển bền vững hơn.
Đại diện Công ty cổ phần FECON – một doanh nghiệp hàng đầu về thi công xây dựng và đầu tư hạ tầng cho biết, bên cạnh các khó khăn khách quan đến từ giá vật liệu và ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều cơ chế, chính sách mới cũng đang tạo điểm nghẽn, gây khó khăn cho các doanh nghiệp.
Đơn cử như, các quy định trong Luật (PPP) có hiệu lực từ tháng 1/2021 và Nghị định số: 35/2021/NĐ-CP về “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư” chưa thực sự thông thoáng, đủ sức hấp dẫn để huy động được nguồn lực lớn từ các tổ chức tài chính quốc tế và các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư.
Đại diện FECON phân tích, cơ chế chia sẻ rủi ro không hấp dẫn các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực BOT đường cao tốc vì không có bảo lãnh doanh thu tối thiếu mà chỉ chia sẻ 50% khi doanh thu giảm dưới 75% so với phương án tài chính và kèm theo nhiều quy định ràng buộc phức tạp; Chưa có cam kết về biến động tỷ giá và chỉ đảm bảo chuyển đổi ngoại tệ ở mức 30% doanh thu dự án. Do đó sẽ gây khó khăn trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài huy động vốn vay từ các tổ chức tài chính quốc tế, ngân hàng nước ngoài bằng ngoại tệ.
Trước thực trạng này, lãnh đạo doanh nghiệp FECON kiến nghị Chính phủ ban hành cơ chế chia sẻ rủi ro khả thi, đảm bảo cho nhà đầu tư tư nhân và Nhà nước cùng nhận được hiệu quả đầu tư hoặc rủi ro tương ứng tỷ lệ tham gia. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có các cơ chế đảm bảo các yếu tố liên quan đến chủ quyền để hạn chế rủi ro cho dự án đầu tư, như các vấn đề sở hữu đất đai, sở hữu sử dụng mặt biển, các dự án hạ tầng dùng chung…
Đối với các dự án đường bộ cao tốc, cần hình thành gói tín dụng ưu đãi phù hợp để cung cấp vốn tín dụng cho các dự án đường bộ cao tốc trong bối cảnh các ngân hàng thương mại đang hạn chế cho vay đối với các dự án BOT, hoặc phát hành trái phiếu công trình có bảo lãnh của Chính phủ để huy động vốn cho dự án. Lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện một số dự án quan trọng, có yêu cầu đẩy nhanh tiến độ; trên cơ sở áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư để lựa chọn được các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm, uy tín, năng lực, bảo đảm công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả.
Một số kiến nghị khác của FECON
Các dự án công trình ngầm, giao thông đô thị:
Các dự án như đường sắt đô thị, nhà ga, không gian ngầm và thoát nước… là các dự án có công nghệ kỹ thuật phức tạp, tổng mức đầu tư rất lớn, nếu chỉ dựa vào nguồn lực từ vốn ngân sách hoặc ODA sẽ rất khó thực hiện và thời gian kéo dài.
Kiến nghị: Để khơi thông nguồn lực từ khu vực tư nhân, cần có những cơ chế đặc thù cho các loại hình dự án nêu trên như sau:
– Đối với các dự án đường sắt đô thị trọng điểm cần kết hợp với phát triển các khu đô thị xung quanh (mô hình TOD) thay thế cho hình thức BT trước đây. Coi hạ tầng và đô thị là một dự án không tách rời từ đó nhà đầu tư tư nhân được quyền đầu tư xây dựng, khai thác các đô thị lân cận. Đảm bảo yếu tố đồng bộ về kiến trúc cảnh quan, chức năng sử dụng đất theo quy hoạch và đặc biệt là đảm bảo hiệu quả chung của dự án.
– Tạo cơ chế cho các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM phát hành trái phiếu công trình đối với các dự án hạ tầng lớn, sử dụng làm nguồn vốn góp của Nhà nước (Public) cho các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Thành phố được chủ động thu xếp nguồn vốn thanh toán thông qua các nguồn thu như: Cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp, đấu giá đất, thu vượt ngân sách, tiết kiệm chi…
Về các dự án điện gió ngoài khơi:
Việt Nam có tiềm năng vô cùng lớn về điện gió ngoài khơi, khi hiện thực hóa các tiềm năng này chúng ta sẽ cùng một lúc đạt được 3 mục tiêu: Đảm bảo an ninh năng lượng Quốc Gia, giảm phát thải do nhiệt điện than gây ra với sự tham gia quan trọng của năng lượng sạch, đồng thời đảm bảo góp phần bảo vệ an ninh chủ quyền biển đảo. Tuy nhiên, suất đầu tư loại điện gió ngoài khơi còn khá cao so với các loại hình năng lượng khác như nhiệt điện than, điện khí, điện gió và mặt trời trên bờ, vì vậy cần có sự tham gia hỗ trợ của Nhà nước theo hình thức đối tác công tư.
Kiến nghị:
– Đề nghị Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ chi phí đầu tư cho các dự án điện gió ngoài khơi, hoặc trợ giá cho EVN trong việc mua điện từ nguồn điện gió này.
– Đề nghị Chính phủ áp dụng cơ chế chỉ định nhà đầu tư cho các dự án điện gió ngoài khơi để đảm bảo các nhà đầu tư trong nước và các nước G7 đủ năng lực tham gia đầu tư, tránh tuyệt đối nhà đầu tư Trung Quốc.
– Có chủ trương phát triển chuỗi cung ứng cho mảng dự án chiến lược này để tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm giá thành đầu tư.