Đại tướng Phùng Quang Thanh – Vị chỉ huy mẫu mực, chiến đấu quả cảm
Tiếp bước cha, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt nhất, năm 1967, tròn tuổi 18, Đại tướng Phùng Quang Thanh tình nguyện lên đường nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện ở miền Bắc, Đại tướng cùng đoàn quân vào Nam chiến đấu, giáp mặt với quân thù.
Với tinh thần “đâu có giặc là ta cứ đi”, Đại tướng Phùng Quang Thanh tham gia nhiều trận chiến đấu giành thắng lợi giòn giã, luôn được cấp trên khen thưởng, đồng đội nể phục. Khiêm tốn và nỗ lực không ngừng, với tố chất người quân nhân cách mạng, Đại tướng Phùng Quang Thanh trở thành một dũng sĩ diệt giặc rồi phát triển thành người chỉ huy của đơn vị. Trong suy nghĩ của mình Đại tướng Phùng Quang Thanh luôn thường trực câu hỏi: “Làm thế nào cho xứng đáng với chiến sĩ? Phải kiên cường, dũng cảm! Chỉ huy mà không gương mẫu và kiên cường, dũng cảm thì đâu còn là chỉ huy nữa? Nhưng còn phải mưu trí, phải biết tìm ra cách đánh sáng tạo để mỗi chiến sĩ có thể đánh thắng 10 địch, 20 địch hay hơn nữa”.
Trong chiến dịch Đường 9-Nam Lào, Đại tướng Phùng Quang Thanh là trung đội trưởng thuộc Đại đội 9, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320B đánh 2 trận đều đạt hiệu suất chiến đấu cao, góp phần quan trọng cùng đơn vị diệt gọn 1 tiểu đoàn và 1 đại đội địch. Ngày 10/2/1971, Đại tướng trực tiếp chỉ huy 1 tiểu đội chốt giữ đồi Không Tên. Địch dùng 1 đại đội có máy bay yểm trợ, chia làm 2 mũi tấn công vào chốt nhưng Đại tướng Phùng Quang Thanh không hề nao núng, bình tĩnh chỉ huy từng tổ chờ địch vào sát mới nổ súng, tiêu diệt 38 tên, trong đó có tên đại đội trưởng, giữ vững chốt. 3 ngày sau, địch lại đổ bộ đường không hòng chiếm chốt. Tuy bị thương do mảnh đạn pháo găm vào bả vai trái khiến cánh tay không cử động được, cấp trên cho về tuyến sau, nhưng Đại tướng xin ở lại chiến đấu; nhờ y tá cố định tay trái để đỡ vướng, nhờ chiến sĩ tháo sẵn nắp 17 quả lựu đạn cho vào các túi đeo quanh người, dẫn đơn vị xung phong đánh vào bên sườn quân địch, hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị trong Đại đội 9, cùng Tiểu đoàn 9 diệt gọn Tiểu đoàn 6 (Lữ đoàn dù 3) của địch… Tinh thần trách nhiệm, tấm gương chiến đấu quả cảm của Đại tướng Phùng Quang Thanh làm nức lòng cán bộ, chiến sĩ. Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu, tháng 9/1971, Trung đội trưởng Phùng Quang Thanh được tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân Giải phóng miền Nam Việt Nam khi mới 22 tuổi.
Không chỉ dũng cảm, mưu lược, quyết đoán trong chiến đấu, Đại tướng Phùng Quang Thanh luôn gắn bó, yêu thương đồng chí, đồng đội. Trong các cuộc hành quân cơ động chiến đấu, đồng chí luôn chủ động mang giúp anh em bị thương, bị ốm súng đạn, bao gạo, ba lô. Việc gì nặng nhọc, khó khăn Đại tướng Phùng Quang Thanh đều xung phong làm trước. Hành quân xa rất mệt, nhưng cứ hạ ba lô là đồng chí bắt tay vào đào hầm trú ẩn giúp anh em. Khi chiến sĩ bị ốm, sốt cao không ăn được, đồng chí lại lặn lội lần theo bờ suối tìm rau rừng nấu canh cho bộ đội. Sau mỗi trận đánh, cõng thương binh về nơi tập kết vừa mệt, vừa đói, vừa khát, chưa kịp ăn uống nhưng khi cấp trên cần người quay lại trận địa để đưa tiếp liệt sĩ ra, Đại tướng Phùng Quang Thanh lại lập tức xung phong.
Đại tướng Phùng Quang Thanh gặp gỡ, động viên, chụp ảnh lưu niệm, chia tay các chiến sĩ Lữ đoàn 144, Bộ Tổng Tham mưu và Tiểu đoàn 103, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương (1-2010 / 1-2016). Ảnh: Minh Trường.
Trên các cương vị công tác, phẩm chất, phong cách người chỉ huy của Đại tướng Phùng Quang Thanh ngày càng được khẳng định và tỏa sáng. Giữa mùa đông giá rét, Tư lệnh Quân khu 1 Phùng Quang Thanh chỉ đạo làm nhà tắm nước nóng cho chiến sĩ bắt đầu từ Sư đoàn 3-Sao Vàng. Chiến sĩ phải luyện rèn mới có thể chịu đựng gian khổ, nhưng theo quan điểm của Đại tướng Phùng Quang Thanh, cán bộ, chiến sĩ không thể không rèn luyện, nhưng phải qua nhiều giai đoạn. Là người chỉ huy phải hiểu thấu và quan tâm đến mọi mặt đời sống của bộ đội, cả việc huấn luyện chiến đấu, rèn luyện kỷ luật, xây dựng chính quy, cũng như đời sống vật chất, tinh thần, môi trường văn hóa quân sự.
Đảm nhiệm cương vị người chỉ huy cao nhất của quân đội-Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh vẫn luôn sâu sát đến cán bộ, chiến sĩ ở đơn vị cơ sở, nhất là nơi biên giới, hải đảo. Có lần, khi nghe tin gió mùa Đông Bắc về, đồng chí trực tiếp chỉ đạo các cục: Quân nhu, quân y, doanh trại (Tổng cục Hậu cần) phải đi tới các đồn biên phòng và các đơn vị quân đội ở biên giới phía Bắc, những nơi rét nhất, gian khổ nhất, xem bộ đội sinh hoạt, thực hiện nhiệm vụ như thế nào, còn thiếu thốn những gì để đề xuất công tác bảo đảm. Sau khi các cơ quan chức năng khảo sát, báo cáo, Bộ Quốc phòng đã quyết định đầu tư, trang bị cho cán bộ, chiến sĩ nơi biên giới đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi để anh em yên tâm làm nhiệm vụ. Với người chỉ huy Phùng Quang Thanh: “Phải làm cho bộ đội yêu mến, gắn bó, tin tưởng vào người chỉ huy thì đến khi lâm trận người ta sẵn sàng sống chết vì đất nước, vì quân đội và cả vì người chỉ huy nữa”.
Là vị tướng trưởng thành qua chiến đấu, phát triển từ người chiến sĩ, qua hầu hết các chức vụ lãnh đạo, chỉ huy đến Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, từ quân hàm Binh nhì ngày nhập ngũ lên cấp bậc cao nhất của quân đội là Đại tướng. Cuộc đời binh nghiệp của Đại tướng Phùng Quang Thanh không chỉ là tấm gương sáng về tinh thần chiến đấu quả cảm, mà luôn là người chỉ huy quân đội mẫu mực. Ở đâu, trên cương vị nào Đại tướng Phùng Quang Thanh cũng để lại dấu ấn trong công tác và tình cảm tốt đẹp với cấp ủy, chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ đơn vị cũng như cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân địa phương nơi đơn vị đóng quân và nơi công tác.
Trưởng thành trong khói lửa chiến tranh, trong xây dựng quân đội, phẩm chất người chỉ huy của Đại tướng Phùng Quang Thanh tiếp tục được khẳng định và tỏa sáng. Khi đảm nhiệm chức vụ Sư đoàn trưởng Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1) Đại tướng đã cùng chỉ huy sư đoàn hoàn thành tốt nhiệm vụ quan trọng cấp trên giao đó là xây dựng thí điểm sư đoàn vững mạnh toàn diện với mục tiêu khi có lệnh là lên đường được ngay. Xác định cán bộ là khâu quyết định, ngoài việc được trên tăng cường cán bộ chủ trì các cấp là những người đã qua chiến đấu, được đào tạo bài bản, Đại tướng Phùng Quang Thanh luôn đoàn kết cùng cấp ủy, chỉ huy, lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy tốt tinh thần trách nhiệm và năng lực của đội ngũ cán bộ với phương châm “miệng nói tay làm”. Tất cả công việc đều phân công trách nhiệm rõ ràng, lên kế hoạch khoa học, kiểm tra, đôn đốc cụ thể, trực tiếp, bảo đảm hiệu quả thiết thực. Với những chủ trương, giải pháp đột phá, năm 1992, cả 3 trung đoàn của Sư đoàn 312 đều đạt danh hiệu Đơn vị Quyết thắng-một kết quả hiếm có đối với các đơn vị trong thời điểm ấy.
Trên cương vị chỉ huy Cục Tác chiến (Bộ Tổng Tham mưu), xuống đơn vị hay ra hải đảo, ở đâu Đại tướng Phùng Quang Thanh cũng luôn sâu sát kiểm tra từng vị trí chiến đấu, số lượng, chất lượng từng loại vũ khí trang bị, đạn dược, lương thực, thực phẩm cũng như nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ. Khi làm kế hoạch tham mưu chiến lược, bao giờ Đại tướng Phùng Quang Thanh cũng nghĩ đến các bước tiếp theo, dự kiến các tình huống có thể xảy ra và đặt mình vào thời điểm đó để suy nghĩ đến các vấn đề cần phải giải quyết, dự đoán đối phương sẽ phản ứng như thế nào để đưa ra phương án tác chiến sát thực, hiệu quả. Trong công việc, Đại tướng Phùng Quang Thanh luôn lắng nghe ý kiến đóng góp của đội ngũ cán bộ, các cơ quan, xem xét, phân tích kỹ trước khi kết luận, chỉ đạo.
Đặc biệt, giai đoạn 2001-2006, trên cương vị Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã để lại nhiều dấu ấn trong công tác. Trước sự chống phá của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ VII, cùng với các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy và cơ quan chức năng, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã chỉ đạo, điều hành Bộ Tổng Tham mưu hoàn thành tốt chức năng cơ quan tham mưu chiến lược cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng quân đội và lực lượng dân quân tự vệ, góp phần quan trọng cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân hoàn thành xuất sắc hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trong thời gian này, Bộ Tổng Tham mưu đã chủ trì tổng kết 15 năm đổi mới quân sự, quốc phòng, từ đó làm cơ sở, tham gia xây dựng Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) năm 2003 về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; tham mưu với Chính phủ ban hành Nghị định số 19/2002/NĐ-CP về huy động tiềm lực khoa học và công nghệ của Nhà nước phục vụ quốc phòng; tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2010, Nghị quyết số 29-NQ/TW về Chiến lược trang bị cho QĐND Việt Nam đến năm 2010 và những năm tiếp theo; chỉ đạo xây dựng, củng cố các đơn vị biên chế đủ quân ở tất cả các quân binh chủng, đẩy mạnh xây dựng chính quy lên một bước mới; phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Cùng với chỉ đạo xây dựng đường Trường Sơn Đông dài 671km, đi qua 7 tỉnh Tây Nguyên, Bộ Tổng Tham mưu đã chỉ đạo Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng xây dựng Luật Biên giới quốc gia, trình Quốc hội (khóa XI) thông qua năm 2003; chỉ đạo Quân chủng Hải quân và các lực lượng tăng cường công tác phòng thủ đảo, đồng thời tăng cường các biện pháp phòng thủ trên các hướng, địa bàn trọng điểm, sẵn sàng xử trí thắng lợi các tình huống… Tiếp xúc, làm việc với Đại tướng Phùng Quang Thanh, chúng tôi thấy Đại tướng luôn có phương pháp làm việc khoa học, sâu sát, cụ thể, đề cao dân chủ, huy động trí tuệ tập thể thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, để lại trong lòng cán bộ, chiến sĩ sự mến mộ, nể phục.
Tiếc thương Đại tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Phùng Quang Thanh, cán bộ, chiến sĩ toàn quân nói chung, Bộ Tổng Tham mưu nói riêng nguyện tiếp tục noi gương đồng chí, không ngừng phấn đấu, rèn luyện, tập trung xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng trong sạch vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, xây dựng các cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Với chức năng là cơ quan tham mưu chiến lược, học tập Đại tướng Phùng Quang Thanh, những năm tới, Bộ Tổng Tham mưu tiếp tục tập trung thực hiện tốt chức năng nghiên cứu, tham mưu chiến lược với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác quân sự, quốc phòng, xử lý thắng lợi các tình huống chiến lược, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ; đề xuất, chỉ đạo xây dựng thế trận phòng thủ đất nước, xây dựng LLVT nhân dân, nhất là QĐND Việt Nam có chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu ngày càng cao, làm nòng cốt bảo vệ Tổ quốc cũng như phòng chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn… bảo đảm trong bất kỳ tình huống nào cơ quan tham mưu chiến lược cũng luôn vững mạnh, nhạy bén, xứng đáng với truyền thống 16 chữ vàng: “Trung thành-mưu lược, tận tụy-sáng tạo, đoàn kết-hiệp đồng, quyết chiến-quyết thắng”.
Nguồn: hoanhap.vn