Những nhà thờ bí ẩn nằm ‘lơ lửng trên trời’
ETHIOPIA – Vương quốc cổ xưa Axum hiện là một phần của Ethiopia. Đây cũng là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới chấp nhận đạo Cơ đốc.
Tôn giáo này đã có chỗ đứng vững chắc vào năm 330 sau Công nguyên khi Vua Ezana Đại đế tuyên bố đây là quốc giáo và ra lệnh xây dựng vương cung thánh đường uy nghiêm St. Mary of Tsion. Truyền thuyết kể rằng tại đây, Menelik, con trai của vua Solomon và nữ hoàng Sheba, là người mang ‘Hòm Giao ước chứa Mười Điều Răn’.
Đến thế kỷ thứ V, chín vị thánh từ Syria, Constantinople và những nơi khác đã bắt đầu truyền bá đức tin vượt xa các tuyến đường lữ hành và đi xa hơn tới cả những vùng nông thôn và miền núi. Những nhà truyền giáo này đã đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển ban đầu của Cơ đốc giáo ở Ethiopia.
Các tu sĩ đã dịch Kinh thánh và các văn bản tôn giáo khác từ tiếng Hy Lạp sang tiếng Ethiopia để những người dân địa phương không biết đọc tiếng Hy Lạp có thể tìm hiểu về Cơ đốc giáo. Các khía cạnh thần bí của tôn giáo đã thu hút sự tò mò của giới trẻ. Khi Cơ đốc giáo phát triển, một loạt các nhà thờ và tu viện ngoạn mục được xây dựng trên đỉnh núi cao hoặc được đào từ đá rắn, nhiều trong số đó vẫn còn được sử dụng cho đến ngày nay.
Những nhà thờ cổ này thường được xây dựng ở những nơi không ngờ tới nhất. Một ví dụ điển hình là nhà thờ Abuna Yemata Guh ở Tigray, miền Bắc Ethiopia. Nhà thờ thế kỷ được xây từ thế kỷ thứ 5 này nằm trên một ngọn núi cao 200 m.
Để đến được đây, người ta phải leo ‘chay’ không có bất kỳ dây leo hay dây nịt nào, nhích từng chút một dọc theo các gờ hẹp và băng qua một cây cầu tạm bợ ọp ẹp.
Chặng cuối cùng của hành trình liên quan đến việc leo lên một bức tường đá cao 15 m. Các tu viện trên đều được thành lập bởi Abuna Yemata, một trong chín vị thánh, người đã chọn nơi hẻo lánh làm nơi ẩn dật của mình.
Nguồn: Báo xây dựng