Phát hiện mới về đảo rác Thái Bình Dương

Phát hiện mới về đảo rác Thái Bình Dương

Trong một nghiên cứu công bố ngày 17/4, các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều cộng đồng sinh vật ven biển như cua nhỏ và hải quỳ sống đông đảo trên đảo rác Thái Bình Dương, cách nơi sống ban đầu của chúng hàng nghìn km.

tm-img-alt
Các nhà khoa học phát hiện ra cộng đồng sinh vật vốn tồn tại ở ven biển xuất hiện tại đảo rác Thái Bình Dương.

Trong một nghiên cứu công bố ngày 17/4, các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều cộng đồng sinh vật ven biển như cua nhỏ và hải quỳ sống đông đảo trên đảo rác Thái Bình Dương, cách nơi sống ban đầu của chúng hàng nghìn km.

Theo CNN trích dẫn nghiên cứu công bố ngày 17/4 trên tạp chí Nature Ecology & Evolution, các nhà khoa học phát hiện ra sự tồn tại của hàng chục loài sinh vật biển không xương trên các mảnh rác thải nhựa trôi nổi tại Thái Bình Dương trong nhiều năm. Những loài sinh vật này thường sống ở vùng ven biển, nhưng lại được tìm thấy trên đảo rác Thái Bình Dương cách nơi sinh sống tự nhiên của mình rất xa.

Để tiến hành nghiên cứu này, nhà khoa học Mỹ Linsey Haram tại Viện Thực phẩm và Nông nghiệp Quốc gia và là tác giả chính của nghiên cứu chia sẻ bà cùng các đồng nghiệp đã kiểm tra 105 vật phẩm bằng nhựa được lấy từ đảo rác trong khoảng thời gian từ tháng 11/2018 đến tháng 1/2019.

Các kiểm tra sau đó đã giúp họ xác định được 484 sinh vật không xương sống trên các mảnh rác thuộc 46 loài khác nhau. Trong số các sinh vật này, có tới 80% thường được tìm thấy ở môi trường sống ven biển .

Nhận định về kết quả nghiên cứu, bà Haram cho biết tần suất xuất hiện của các loài sinh vật ven biển tại đảo rác Thái Bình Dương là rất đáng ngạc nhiên. Phần lớn sự đa dạng sinh vật mà bà cùng nhóm của mình tìm thấy là “các loài ven biển chứ không phải các loài bản địa ngoài biển khơi được kỳ vọng”

Tuy các nhà khoa học có tìm thấy nhiều loài bản địa, nhưng kết quả nghiên cứu 2/3 số rác thu được cho thấy nhiều lúc cả 2 cộng đồng cùng nhau tranh giành không gian và có thể còn “tương tác theo những cách khác” nữa.

Hiện nghiên cứu này vẫn chưa thể chỉ ra cách mà các loài sinh vật ven biển có thể tới được đảo rác và làm thế nào chúng có thể tồn tại ở đó trong nhiều năm. Các câu hỏi, ví dụ như liệu chúng chỉ đơn giản là bám vào mảnh rác tại bờ biển rồi dần trôi ra xa hay chúng có khả năng xâm chiếm vật thể, cũng chưa được giải đáp.

Ngoài ra, hệ quả của việc ô nhiễm nhựa tạo điều kiện cho việc sản sinh các hệ sinh thái nổi mới của các loài thường không thể tồn tại trong đại dương mở cũng chưa được hiểu rõ ràng.

Không giống như vật liệu hữu cơ phân hủy và chìm trong vòng vài tháng hoặc nhiều nhất là vài năm, các mảnh vụn nhựa có thể trôi nổi trong đại dương trong thời gian dài hơn, tạo cơ hội cho các sinh vật sống sót và sinh sản trong đại dương mở nhiều năm.

Theo CNN trích dẫn bà Haram, có khả năng xảy ra sự cạnh tranh về không gian do yếu tố này thường có giá trị cao trong đại dương mở. Ngoài ra, còn có khả năng giữa các cộng đồng sinh vật xảy ra sự cạnh tranh về nguồn thức ăn, hoặc chúng cũng có thể ăn thịt nhau. Các nhà khoa học đã tìm thấy bằng chứng cho việc một số loài hải quỳ ven biển sống tại đảo rác Thái Bình Dương ăn thịt các loài sống ở đại dương.

Phát hiện mới về đảo rác Thái Bình Dương ảnh 1
Hải quỳ trên một mảnh rác nhựa màu đen trục vớt từ đảo rác Thái Bình Dương. Ảnh: Linsey Haram/Smithsonian Institution

Đảo rác Thái Bình Dương là một mảng tích tụ nhựa lớn nhất thế giới nằm ở trên biển Thái Bình Dương với diện tích gấp đôi Texas. Các mảnh rác được kéo lại gần nhau bởi dòng hải lưu lớn nhất trong số 5 dòng hải lưu chính trong các đại dương trên thế giới. Chính điều này giúp đảo rác kéo về thêm càng nhiều rác về phía trung tâm, tạo ra một dòng xoáy rác.

Đảo rác Thái Bình Dương là một nan đề đối với nhân loại trong nhiều năm và các nhà khoa học vẫn đang nghĩ cách giải quyết nó. CNN trích dẫn số liệu bởi Ocean Cleanup, một tổ chức phi lợi nhuận đang phát triển các công nghệ để loại bỏ nhựa trong đại dương, cho biết hiện ước tính có khoảng 1,8 nghìn tỷ mảnh rác thải nhựa với tổng trọng lượng khoảng 80.000 tấn tại đảo rác. Phần lớn nhựa được tìm thấy từ ngành đánh bắt cá, trong khi từ 10% đến 20% trong số đó có thể bắt nguồn từ trận sóng thần Nhật Bản năm 2011.

Tổ chức này cũng xây dựng các hệ thống thu gom rác đại dương khổng lồ và đang tiến hành quá trình này. Tuy nhiên, dọn dẹp chỉ là một phần của giải pháp.

Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), thế giới sản xuất khoảng 460 triệu tấn nhựa mỗi năm. Tới năm 2060, con số này hoàn toàn có khả năng tăng gấp 3 lần nếu không có giải pháp nào được đưa ra. Trong khi đó trên toàn cầu, UNEP cho biết chỉ có khoảng 9% rác thải nhựa được tái chế nhưng có tới 22% tổng số rác thải nhựa được quản lý sai cách với phần lớn trong số đó đổ ra đại dương.

Do đó, Hội đồng Môi trường Liên Hợp Quốc đã thông qua một nghị quyết lịch sử vào năm 2022 nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa và tạo ra hiệp ước ô nhiễm nhựa toàn cầu đầu tiên trên thế giới vào năm 2024. Thỏa thuận này có ràng buộc về mặt pháp lý và nó sẽ liên quan tới toàn bộ vòng đời của nhựa, từ khâu sản xuất và thiết kế cho đến thải bỏ.

Phát hiện mới về đảo rác Thái Bình Dương ảnh 2
Hải quỳ ven biển được tìm thấy cùng với ốc cổ ngỗng và bryozoan (động vật thủy sinh) sống nổi trên một thùng cá vô chủ được trục vớt từ đảo rác Thái Bình Dương. Ảnh: Linsey Haram/Smithsonian Institution

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích