Lo ngại bùng phát dịch khi người dân về quê thiếu kiểm soát
Lo ngại bùng phát dịch khi người dân về quê thiếu kiểm soát
Do tình hình dịch Covid-19 ở các tỉnh miền Nam, trong những ngày qua nhu cầu người dân về quê ngày càng đông. Tuy nhiên, điều này cũng dấy lên lo ngại về việc nhiều tỉnh thành không đủ điều kiện phòng dịch có thể dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Danh sách đại diện Ban liên lạc đồng hương Thanh Hóa tại miền Nam để người dân đăng ký khi có nhu cầu về quê
Những ngày qua, trước diễn biến dịch Covid-19 ngày càng phức tạp tại TP.HCM và nhiều tỉnh miền Nam, lãnh đạo các địa phương đã lên phương án hỗ trợ công dân tỉnh nhà về quê nhằm giảm áp lực cho tỉnh bạn và giúp người dân an toàn mùa dịch. Tuy nhiên, điều lo ngại là nguy cơ bùng dịch ở tỉnh khi lượng người về đông, điều kiện cơ sở vật chất, năng lực của tỉnh còn hạn chế.
Ngày 21/7, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành kế hoạch đón công dân là người Thanh Hóa đang làm việc, sinh sống, học tập tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam có nhu cầu cấp thiết và có nguyện vọng về quê.
Theo Hội đồng hương Thanh Hóa tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, hiện nay số lượng người Thanh Hóa tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam có nguyện vọng về quê rất lớn. Ngoài những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, người già yếu, phụ nữ mang thai thì những người có điều kiện kinh tế cũng lo ngại cho sức khỏe của mình và gia đình nên muốn về quê. Tuy nhiên, nếu bà con về với số lượng tăng cao, tỉnh Thanh Hóa khó có khả năng đáp ứng điều kiện đưa đón, ăn ở, điều kiện cách ly, xét nghiệm. Vì vậy, chỉ có thể đăng ký cho những đối tượng thật sự khó khăn và cấp thiết để được về quê.
Ông Cầm Bá Thắng, Giám đốc Trung tâm Y tế, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 huyện Thường Xuân cho biết, huyện có khoảng 11.000 người đang lao động ngoài tỉnh. Từ ngày 27/4 đến nay, huyện có hơn 1.100 người từ các vùng dịch trở về địa phương được cách ly tại khu cách ly tập trung và tại nhà. Nếu thời gian tới công dân ồ ạt về quê, huyện sẽ rất khó thu xếp nơi ăn chốn ở chu tất cho bà con.
“Không chỉ lo ngại không đáp ứng đủ nơi ăn chốn ở cho bà con ở khu cách ly mà còn lo ngại nguy cơ bùng dịch sau khi cách ly tập trung 21 ngày. Thực tế cho thấy, có một số trường hợp dương tính sau khi công dân hoàn thành cách ly, trở về cộng đồng”, ông Thắng chia sẻ.
Trên mạng xã hội, nhiều người dân địa phương tỏ ra rất nóng lòng lo cho người thân ở vùng dịch, nhưng bên cạnh đó cũng bày tỏ lo ngại. Một tài khoản Facebook viết: “Thiết tha đề nghị mọi người đừng nôn nóng gây áp lực phải về quê để tránh dịch nữa. Xin hãy bình tĩnh. Hãy nhìn nhận vấn đề hiện tại vì sao mà lần lượt các tỉnh thành trong cả nước công bố thực hiện Chỉ thị 16. Vì dịch bệnh bùng phát mạnh, mọi người xem xét kỹ liệu có phải do di chuyển từ vùng dịch lớn về các nơi không?”.
Ông Nguyễn Trọng Hùng, công dân Thanh Hóa sống tại TP.HCM băn khoăn: “Tôi không biết, liệu dòng người từ các tỉnh phía Nam ồ ạt về quê tránh dịch Covid-19, địa phương sẽ chuẩn bị như thế nào về nguồn lực, cơ sở vật chất cách ly cũng như công tác chống dịch”.
“Không chỉ tỉnh Thanh Hóa, các tỉnh khác cũng nguy cơ rất cao khi hiện nay nguồn lực kinh tế địa phương đang bị ảnh hưởng nhiều do Covid-19. Theo tôi biết, trang thiết bị y tế, cơ sở cách ly, cơ sở điều trị ở địa phương hạn chế hơn so với các thành phố lớn, đặc biệt là nguồn vắc xin ở các tỉnh chưa được cấp nhiều. Nếu như địa phương bùng phát dịch thì rất nguy hiểm”, ông Nhân, người Thanh Hóa sống tại TP.HCM lo lắng.
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, Đỗ Trọng Hưng kiểm tra khu cách ly Trường Dân tộc nội trú tỉnh để chuẩn bị đón công dân về quê (Ảnh: Báo Thanh Hóa)
Trước đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành kế hoạch đón công dân là người Thanh Hóa đang làm việc, sinh sống, học tập tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam có nhu cầu cấp thiết và có nguyện vọng về quê hương do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, công dân Thanh Hóa sẽ được UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Hội đồng hương tỉnh Thanh Hóa tại TP.HCM, Tập đoàn FLC đón về quê trên máy bay của Hãng hàng không Bamboo Airways.
Đối tượng tiếp nhận là người có hoàn cảnh khó khăn là lao động tự do mất việc làm; người già trên 65 tuổi thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn; trẻ em dưới 15 tuổi thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn; phụ nữ mang thai thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn; người bị mắc kẹt do thăm người thân, đi công tác.
Trước mắt, UBND tỉnh Thanh Hóa dự kiến sẽ chỉ đón công dân từ TP.HCM và chia thành 3 đợt. Cụ thể, đợt 1: từ 30/7 đến ngày 2/8, số lượng khoảng 400 người; đợt 2: từ 25/8 đến 27/8, số lượng khoảng 400 người; đợt 3: từ 20/9 đến 22/9, số lượng khoảng 200 người.
Công dân sẽ được tiếp nhận tại Cảng hàng không Thọ Xuân. Khi trở về địa phương, công dân sẽ được tổ chức cách ly tập trung 21 ngày tại: các khu cách ly tập trung của tỉnh; tại cơ sở cách ly khách sạn, nhà nghỉ có thu phí (theo nguyện vọng của công dân); tự cách ly và theo dõi y tế tại nhà 14 ngày.