Câu chuyện ít biết về Tổng Giám đốc Vinamilk Mai Kiều Liên
Câu chuyện ít biết về Tổng Giám đốc Vinamilk Mai Kiều Liên
Thường được biết đến với vai trò là nữ doanh nhân, nhưng ít ai biết bà Mai Kiều Liên – Tổng Giám đốc Vinamilk có xuất phát điểm là một kỹ sư ngành sữa. Suốt 47 năm tại Vinamilk, nữ lãnh đạo này đã vận dụng được kiến thức tư duy, sự sáng tạo của một người làm kỹ thuật, một nhà khoa học để phát triển Vinamilk từ nền tảng chắc chắn, góp phần vào sự phát triển của ngành chế biến sữa và chăn nuôi bò sữa tại Việt Nam.
Doanh nhân xuất thân từ nhà khoa học
Bà Mai Kiều Liên tốt nghiệp trường phổ thông Trưng Vương, sau đó được Nhà nước cử sang Liên Xô học chuyên về ngành chế biến sữa. Trong quá trình đào tạo ở Nga, bà Liên đã sớm tiếp cận các công nghệ chế biến sữa ưu việt và các kiến thức về máy móc, tự động hóa tiên tiến của thế giới.
Sau khi về nước, trải qua nhiều vị trí khác nhau trước khi được bổ nhiệm là Tổng Giám đốc Vinamilk vào năm 1992, với nền tảng kiến thức chuyên môn vững chắc cùng năng lực quản trị tài ba, bà Liên đã có nhiều quyết định bứt phá mang tính “lịch sử”, đưa ngành sữa Việt Nam lên tầm cao mới.
Điển hình là quyết định phục hồi nhà máy sữa bột Dielac vào năm 1988, đặt nền móng cho sự ra đời của nhãn hiệu sữa bột trẻ em đầu tiên được làm từ chính bàn tay, khối óc của người Việt. Bà Liên từng chia sẻ, đề tài khi tốt nghiệp đại học của bà là “xây dựng một nhà máy sữa”. Có lẽ khi đó, bà cũng không nghĩ rằng có một ngày mình thực sự khôi phục thành công một nhà máy sữa bột bị hư hỏng nặng và thất lạc toàn bộ hồ sơ kỹ thuật.
Từ những hiểu biết, kiến thức có được khi du học về một ngành chế biến sữa tiên tiến, bà đã mạnh dạn cùng tập thể kĩ sư, chuyên gia Việt Nam đưa 3 nhà máy đi vào hoạt động ổn định sau khi tiếp nhận lại là Thống Nhất, Trường Thọ và Dielac. Trong thời gian này, bà cũng trực tiếp tham gia nghiên cứu, phát triển các sản phẩm của Vinamilk như Ngôi Sao Phương Nam, Dielac… Đây đều là những thương hiệu nổi tiếng, có chất lượng cao và được tin dùng đến hiện nay.
Đến những năm 1990, bà Liên cùng đội ngũ lãnh đạo công ty tiếp tục giải quyết bài toán khó khác của Việt Nam là luôn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Từ việc xây dựng đàn bò sữa trong nước, tiến tới xây dựng vùng nguyên liệu nội địa rộng lớn, hiện đại đã được hình thành và thay đổi diện mạo của ngành chăn nuôi bò sữa tại Việt Nam.
Trong suốt những năm lãnh đạo Vinamilk, bà Mai Kiều Liên vẫn giữ được “tinh thần” của một nhà khoa học khi luôn tìm tòi, nghiên cứu và phát triển các mô hình chăn nuôi bò sữa tiên tiến tại Việt Nam, đặc biệt trong việc xây dựng hệ thống các trang trại bò sữa (TTBS).
Năm 2015, Vinamilk có TTBS đầu tiên đạt chứng nhận Global GAP. Năm 2016, Vinamilk cũng là công ty sở hữu trang trại chuẩn hữu cơ Châu Âu đầu tiên của Việt Nam.
Tại các TTBS Vinamilk, lần đầu tiên, nhiều công nghệ đã được ứng dụng như: phần mềm quản lý đàn qua chip điện tử được gắn cho mỗi cá thể bò, phần mềm quản lý khẩu phần ăn, robot vun đẩy thức ăn, dàn vắt sữa tự động…
Đây là kết quả của một chiến lược sắc bén nhưng chứa đựng tư duy của một nhà khoa học: Không chỉ nuôi được bò sữa tại xứ nhiệt đới như Việt Nam, Vinamilk sẽ áp dụng các tiêu chuẩn cao nhất, tiên tiến nhất trên thế giới.
Gắn bó với nông dân, chú trọng “tam nông”
Một định hướng khá rõ nét trong tư duy phát triển bền vững và thực thi ESG của Vinamilk dưới sự dẫn dắt của bà Mai Kiều Liên chính là sự chú trọng chính sách tam nông (Nông nghiệp – Nông thôn – Nông dân). Vinamilk đã bắt tay cùng người nông dân từ những năm 1990, và trải qua cả quá trình xây dựng, hợp tác bền vững, các TTBS của Vinamilk trở thành hạt nhân để phát triển kinh tế vùng, với mắt xích là người nông dân, từ đó tạo ra chuỗi giá trị đảm bảo hài hòa phát triển nông nghiệp và đời sống của người nông dân một cách bền vững.
Nhận định sức khỏe và thức ăn cho bò sữa là yếu tố tiên quyết để nâng cao chất lượng sữa tươi nguyên liệu, Tổng Giám đốc Mai Kiều Liên đã yêu cầu đội ngũ của Vinamilk chủ động tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ tập huấn nông dân về kĩ thuật, thức ăn chăn nuôi, thú y,… kèm theo các chính sách ổn định về thu mua sữa tươi nguyên liệu, giúp người dân chăn nuôi bò sữa hợp tác với Vinamilk không chỉ có thu nhập ổn định mà còn nâng cao tay nghề, có thêm kiến thức về nông nghiệp.
Qua nhiều năm kiên trì xây dựng và đồng hành, không chỉ các hộ dân chăn nuôi bò sữa được hưởng lợi mà hệ sinh thái giữa các hộ trồng trọt với Vinamilk ngày càng phát triển gắn kết. Từ khâu thu mua, chế biến đến sản xuất; Vinamilk cùng các hộ dân đã tạo ra chuỗi liên kết có giá trị kinh tế cao, giúp các hộ trồng trọt xung quanh trang trại ổn định sinh kế.
Trong 5 năm gần nhất, sản lượng bắp sinh khối của các hộ nông dân được Vinamilk thu mua tăng từ 66.000 tấn năm 2015 lên gần 200.000 tấn năm 2022. Các hộ dân trồng bắp, cỏ cung cấp cho trang trại cũng được Vinamilk hướng dẫn thực hành nông nghiệp tốt, gia tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế.
Nhà khoa học Mai Kiều Liên cũng quan tâm đến vấn đề môi trường. Thấu hiểu những bất tiện và khó khăn của bà con nông dân, bà Liên luôn thúc đẩy việc tìm các giải pháp để cải thiện môi trường và chất lượng sống tại các nông hộ, trang trại, hướng đến chăn nuôi bền vững.
Dưới định hướng của TGĐ Mai Kiều Liên, Vinamilk đã triển khai chương trình vệ sinh môi trường, diệt ruồi muỗi, giảm bớt tác nhân gây mùi tại các khu chăn nuôi và đưa vào thử nghiệm chế phẩm sinh học carbon hữu cơ nguyên tử xuất phát từ Nhật Bản tại các TTBS của Vinamilk, sau đó ứng dụng thí điểm thành công tại các hộ chăn nuôi bò sữa tại tỉnh Vĩnh Phúc và huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.
Kết quả cho thấy chế phẩm sinh học này có tác dụng trung hòa môi trường rõ rệt, không khí trong lành, thông thoáng hơn, làm cho ruồi muỗi khó phát triển. Với những hiệu quả đạt được, Vinamilk dự kiến sẽ phổ biến chế phẩm này rộng rãi tại các khu vực chăn nuôi, góp phần cải thiện môi trường và bảo vệ sức khỏe người nông dân.
Đào tạo nhân tài, định hướng bền vững, chuẩn bị cho tương lai
Có lẽ từ chính thực tế của bản thân, khi có cơ hội tiếp cận với kiến thức tiên tiến của nông nghiệp thế giới, nên từ năm 1993, bà Mai Kiều Liên đã xây dựng chương trình đào tạo nhân tài, tài trợ cho các sinh viên giỏi sang Nga du học về ngành sữa. Từ chương trình này, đến nay đã có 6 thế hệ kỹ sư, chuyên gia giỏi về nông nghiệp và chế biến sữa tiếp nối nhau về nước làm việc và hiện đảm nhiệm nhiều vị trí quản lý tại các đơn vị của Vinamilk.
Không chỉ chú trọng đào tạo con người, nhằm đưa công ty phát triển theo định hướng phát triển bền vững, từ năm 2012, ban lãnh đạo Vinamilk đã bắt đầu cho công bố báo cáo phát triển bền vững theo bộ tiêu chuẩn GRI Standards và Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc (SDGs). Trước đó, doanh nghiệp này đã có những thực hành tiên tiến về nông nghiệp theo hướng bền vững.
Nhìn ra xu hướng tương lai và tất yếu của nông nghiệp là sự bền vững, bà Mai Kiều Liên cùng Ban lãnh đạo Vinamilk đã có sự đầu tư từ rất sớm cho các hệ thống như: tuần hoàn nước, xử lý chất thải kết hợp biogas biến chất thải thành phân bón, khí đốt; vận dụng tư duy kinh tế tuần hoàn, canh tác hữu cơ…
Nhiều trang trại, nhà máy của Vinamilk đã đạt các giải thưởng về môi trường và PTBV như Organic Đà Lạt, nhà máy sữa Mega tại Bình Dương.
Với những ảnh hưởng tích cực cho sự phát triển bền vững của ngành sữa và nền nông nghiệp nước nhà, cùng tâm huyết cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân và cộng đồng, bà Mai Kiều Liên xứng đáng là “nhà khoa học” điển hình của nhà nông.
Bà Mai Kiều Liên đã được trao Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kì đổi mới (2005), Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì (2006, 2001), được vinh danh trong chương trình Vinh Quang Việt Nam – Dấu ấn 30 năm đổi mới (2017).
Mới đây, cuối năm 2022, Bà đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng 3 và Trung ương Hội nông dân Việt Nam vinh danh Bà là Nhà khoa học của nhà nông.