Những công nghệ loại bỏ CO2 khỏi không khí đang được nghiên cứu
Những công nghệ loại bỏ CO2 khỏi không khí đang được nghiên cứu
Do nhu cầu hành động vì biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng nhằm đáp ứng cam kết của thế giới về việc đưa phát thải ròng về 0, nhiều chính phủ và ngành công nghiệp đang khám phá ra các cách loại bỏ CO2 khỏi khí quyển.
Đã có nhiều phương pháp được các chính phủ và nhiều công ty trong ngành sử dụng để loại bỏ CO2 khỏi bầu khí quyển và ngăn chặn hiện tượng nóng lên toàn cầu. Một biện pháp tiềm năng sử dụng công nghệ cao hiện đang được nghiên cứu chính là công nghệ thu giữ không khí trực tiếp (DAC).
Công nghệ DAC sử dụng các phản ứng hóa học để loại bỏ carbon dioxide khỏi không khí, sau đó lưu trữ số khí thu được trong các hang động dưới lòng đất hoặc được sử dụng trong các sản phẩm hoặc ứng dụng như sản xuất bê tông hoặc nhiên liệu hàng không.
Theo Reuters, hiện nhà máy DAC đang hoạt động lớn nhất trên thế giới là nhà máy Orca của Climeworks ở Iceland, với công suất loại bỏ 4.000 tấn CO2 mỗi năm khỏi bầu khí quyển và lưu trữ chúng sâu dưới lòng đất.
Là một phương pháp thu giữ và lưu trữ CO2 tiên tiến, chính phủ Mỹ đang cung cấp khoản tài trợ trị giá 3,5 tỷ USD cho những công ty nghiên cứu thực hiện quy trình này. Ngoài ra, nước này cũng đang tài trợ cho các nhà máy với quy mô lớn hơn và có thể loại bỏ tới 1 triệu tấn CO2 khỏi không khí mỗi năm.
Nếu xét về mặt kinh tế, sử dụng các phương pháp loại bỏ carbon tự nhiên như trồng cây và quản lý rừng sẽ rẻ hơn nhiều và cũng mang lại hiệu quả to lớn trong việc giúp chống biến đổi khí hậu. Nguyên nhân là do theo Viện Tài nguyên Thế giới, chi phí thu giữ carbon từ trồng rừng và quản lý rừng sẽ ở mức dưới 50 USD/tấn trong khi công nghệ DAC hiện tốn gấp 3 lần con số này.
Tuy nhiên theo nhiều nhà khoa học, các giải pháp kỹ thuật vẫn đóng vai trò quan trọng do việc trồng rừng để loại bỏ CO2 khỏi khí quyển sẽ chiếm dụng nhiều diện tích đất.
Ngoài DAC, còn một số phương pháp khác được sử dụng như công nghệ năng lượng sinh học có thu hồi và lưu trữ carbon (BECCS). Thông qua phương pháp này, điện được sản xuất bằng cách đốt cháy sinh khối như viên gỗ trong khi khí thải từ quá trình này được thu giữ và lưu trữ.
Than sinh học là một dạng than củi được tạo ra khi các chất hữu cơ như lá, gỗ hoặc rơm được nung ở nhiệt độ cao mà không có oxy, để lại một chất giàu cacbon có thể được sử dụng làm phân bón, nhờ đó lưu trữ cacbon trong đất.
Trong khi đó, công nghệ thu hồi và lưu trữ carbon (CCS) thường được triển khai tại các ống khói công nghiệp tại nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Quá trình này sẽ giúp lọc CO2 và lưu trữ chúng trước khi thải ra khí quyển.
Trừ khi công nghệ CCS thu được nhiều CO2 hơn so với hoạt động công nghiệp tại địa điểm đó đang thải ra, công nghệ này thường không được coi là loại bỏ CO2.
Do đó, điểm thu hút nhất của công nghệ loại bỏ CO2 so với công nghệ CCS là nó giúp loại bỏ lượng khí thải lịch sử ra khỏi bầu khí quyển và lưu trữ chúng trong đất, đá, cây cối, đại dương và các sản phẩm. Nói cách khác, nó giúp con người loại bỏ vĩnh viễn CO2 thay vì chỉ đơn giản là giảm phát thải.
Ngoài việc thu giữ và loại bỏ CO2 khỏi không khí, nhiều công ty cũng đang nghiên cứu các kỹ thuật loại bỏ CO2 khỏi nước biển.
Hầu hết các nhóm hoạt động môi trường công nhận tầm quan trọng của việc loại bỏ carbon khỏi không khí để có thể đạt được các mục tiêu khí hậu toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều người bày tỏ lo ngại các công ty có thể lợi dụng công nghệ này để không cắt giảm lượng phát thải của mình càng nhiều càng tốt. Nhiều lo ngại cho rằng công nghệ DAC mang lại cho các công ty sử dụng nhiên liệu hóa thạch khả năng tiếp tục sản xuất.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị