Tổ chức không gian xanh gắn liền với lịch sử cho thành phố Biên Hòa

(Xây dựng) – Chiều 17/4, tại Trung tâm tổ chức sự kiện Sen Vàng (Thành phố Biên Hòa, Đồng Nai), Hội Kiến trúc sư tỉnh Đồng Nai tổ chức mạn đàm khoa học với chủ đề “Hướng tổ chức không gian xanh cho thành phố Biên Hòa gắn với lịch sử. Định hướng và các đề xuất tổ chức cụ thể cho công viên Biên Hùng” nhằm trao đổi, ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý về thực trạng thiếu không gian xanh trong thành phố và hướng quy hoạch cho công viên Biên Hùng trong thời gian tới.

Tổ chức không gian xanh gắn liền với lịch sử cho thành phố Biên Hòa
Ông Nguyễn Xuân Thanh – Phó Chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa, ông Lý Thành Phương – Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Đồng Nai, ông Trần Quang Toại – Chủ tịch Hội Sử học tỉnh Đồng Nai (từ phải qua trái).

Hiện nay, thành phố Biên Hòa đang phát triển hệ thống hạ tầng để đáp ứng cho yêu cầu phát triển đô thị, trong đó mảng đô thị xanh được quan tâm để đảm bảo chỉ tiêu 6m2/người. Không gian xanh trong đô thị làm cho các thành phố trở nên xanh, sạch, đẹp, góp phần cải thiện môi trường sống của người dân. Song song với đó, cải tạo cảnh quan đô thị cần lồng ghép các mục tiêu văn hóa, giáo dục truyền thống, qua đó cũng góp phần tạo dựng nên nét đặc trưng cho không gian đô thị.

Tổ chức không gian xanh gắn liền với lịch sử cho thành phố Biên Hòa
Ông Lê Bích Long – Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Đồng Nai phát biểu tại buổi mạn đàm khoa học.

Phát biểu tại buổi Mạn đàm, ông Nguyễn Xuân Thanh – Phó Chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa cho biết: Quá trình đô thị hóa mang lại cho thành phố Biên Hòa một bộ mặt mới khang trang hiện đại hơn, nhưng đi liền với đó là phần không gian xanh, không gian công cộng ngày càng bị thu hẹp. Việc điều chỉnh quy hoạch cũng khiến không gian xanh bị giảm đi đáng kể, nhiều diện tích được quy hoạch làm khu cây xanh nhưng cũng được điều chỉnh công năng sang nhà chung cư thương mại, dịch vụ, văn phòng… Ngoài việc diện tích cây xanh đang bị thu hẹp thì các ao, hồ cũng bị giảm đi rất nhiều do phát triển đô thị. Mặt khác, cây xanh gắn kết với không gian công cộng – công viên cũng có thể góp phần tạo dựng bản sắc cho mỗi đô thị. Công viên là nơi có thể khuyến khích sự tương tác, hòa nhập xã hội và thể hiện bản sắc văn hóa, lối sống của đô thị. Vì vậy, việc cải tạo công viên Biên Hùng trở thành một không gian xanh là vô cùng thiết thực.

Tổ chức không gian xanh gắn liền với lịch sử cho thành phố Biên Hòa
Ông Trần Quang Toại – Chủ tịch Hội Sử học tỉnh Đồng Nai.

“Ngoài chức năng công viên đơn thuần, việc quy hoạch công viên Biên Hùng cần gắn liền với danh nhân Trịnh Hoài Đức – danh nhân văn hóa đã góp phần đặt nền móng cho hào khí Đồng Nai, văn hóa Đồng Nai. Theo đó, việc quy hoạch nên gắn kết với không gian khu lăng mộ, nằm từng bước cải tạo khu di tích giúp cho mọi người tiếp cận thuận lợi công trình. Ngoài ra, tôn vinh Trịnh Hoài Đức là tôn vinh những giá trị văn hóa to lớn ông đã để lại cho đời, giáo dục tinh thần học tập cho thế hệ trẻ. Với hướng gợi mở này, công viên nên dành một khu vực không gian gắn với sách – không gian văn hóa Đọc”, ông Trần Quang Toại – Chủ tịch Hội Sử học tỉnh Đồng Nai chia sẻ.

Tổ chức không gian xanh gắn liền với lịch sử cho thành phố Biên Hòa
Không gian xanh tại công viên Biên Hùng.

Thông qua buổi mạn đàm với sự đóng góp của các chuyên gia về văn hóa lịch sử và các kiến trúc có kinh nghiệm, đã gợi mở cho các cơ quan liên quan và Hội Kiến trúc sư Đồng Nai lập hồ sơ quy hoạch công viên Biên Hùng, có được phương hướng rõ ràng trong đề xuất và chọn ra phương án lồng ghép nhiều mục tiêu gắn với thực tiễn. Góp phần giúp thành phố Biên Hòa chuẩn bị tốt hơn cho việc lập hồ sơ điều chỉnh quy hoạch chung thành phố theo quan điểm, mục tiêu: Tôn trọng, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích