Trường hợp nào ngân hàng được thu hồi nợ trước hạn?

(Xây dựng) – Tháng 3/2022, bà Ka Thị Tình (Lâm Đồng) có vay ngân hàng một khoản tiền để cải thiện nhà ở và mua thiết bị đồ dùng gia đình, thời hạn vay 5 năm. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nửa đầu năm 2022 bà Tình gặp khó khăn về kinh tế nên vay thêm bên công ty tài chính, nhưng sau đó bà không có khả năng thanh toán và khoản nợ này thành nợ xấu.

Trường hợp nào ngân hàng được thu hồi nợ trước hạn?

Trường hợp nào ngân hàng được thu hồi nợ trước hạn.

Hiện nay, bà Tình vẫn trả lãi cho ngân hàng nhưng do có nợ xấu từ phía công ty tài chính nên ngân hàng đề nghị bà phải trả toàn bộ số vốn nếu không sẽ tịch thu tài sản.

Bà Tình đang mang thai đôi tháng thứ 6, hiện chồng bà không có việc làm. Gia đình đang thuê 2 ha ruộng để làm thêm, cuộc sống vô cùng khó khăn. Nếu ngân hàng tịch thu tài sản thì gia đình còn không còn nhà để ở.

Bà Tình đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho gia đình bà.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trả lời vấn đề này như sau:

Theo Khoản 3 Điều 8 Thông tư số 11/2021/TT-NHNN ngày 30/7/2021 của Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quy định:

“3. Trong thời hạn 03 (ba) ngày kể từ ngày nhận được danh sách khách hàng do CIC cung cấp theo quy định tại Khoản 2 Điều này, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài:

a) Điều chỉnh nhóm nợ theo nhóm nợ của danh sách khách hàng do CIC cung cấp.

Trường hợp kết quả tự phân loại nợ, cam kết ngoại bảng của khách hàng theo quy định tại Khoản 1 Điều này thấp hơn nhóm nợ theo danh sách khách hàng do CIC cung cấp, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải điều chỉnh kết quả phân loại nợ, cam kết ngoại bảng theo nhóm nợ của khách hàng do CIC cung cấp”.

Căn cứ quy định trên, trường hợp khách hàng có phát sinh nợ xấu tại một tổ chức tín dụng thì các khoản nợ của khách hàng tại tổ chức tín dụng khác cũng bị chuyển thành nhóm nợ xấu.

Tại Khoản 2 Điều 95 Luật Các tổ chức tín dụng quy định: “Trong trường hợp khách hàng không trả được nợ đến hạn, nếu các bên không có thỏa thuận khác thì tổ chức tín dụng có quyền xử lý nợ, tài sản bảo đảm tiền vay theo hợp đồng cấp tín dụng, hợp đồng bảo đảm và quy định của pháp luật”.

Theo Khoản 1 Điều 21 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng quy định: “Tổ chức tín dụng có quyền chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn theo nội dung đã thỏa thuận khi phát hiện khách hàng cung cấp thông tin sai sự thật, vi phạm quy định trong thỏa thuận cho vay và/hoặc hợp đồng bảo đảm tiền vay”.

Căn cứ quy định trên, trường hợp khách hàng có vi phạm, tổ chức tín dụng có quyền xử lý thu hồi nợ trước hạn.

Trường hợp khách hàng không trả được nợ đến hạn, tổ chức tín dụng có quyền xử lý tài sản bảo đảm theo hợp đồng và quy định pháp luật để thu hồi nợ. Căn cứ các quy định của pháp luật nêu trên, kiến nghị của bà Ka Thị Tình thuộc thẩm quyền xử lý của tổ chức tín dụng. Do vậy, đề nghị bà Ka Thị Tình cần làm việc cụ thể với tổ chức tín dụng nơi vay vốn để được xem xét, xử lý cụ thể.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích