Hà Nội hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và triển khai chương trình đảm bảo đo lường
Trong công nghiệp, đo lường đảm bảo chất lượng sản phẩm, tiết kiệm nguyên liệu và vật tư tiêu hao, kiểm soát môi trường, đảm bảo an toàn trong hoạt động sản xuất, bảo vệ sức khỏe và môi trường, là công cụ để quản lý quá trình sản xuất và nâng cao hiệu quả sản xuất, thúc đẩy đổi mới công nghệ.
Nhận thức rõ vấn đề này, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng TP.Hà Nội không ngừng hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và triển khai chương trình đảm bảo đo lường trong sản xuất. Đây được coi là một trong những yếu tố quan trọng nhằm thực hiện Đề án 996 hiệu quả.
Mới đây, Trung tâm Đào tạo nghiệp vụ TCĐLCL tổ chức khóa đào tạo cán bộ tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn TP.Hà Nội xây dựng và triển khai chương trình đảm bảo đo lường thuộc nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng chương trình, tài liệu đào tạo và tổ chức các khóa đào tạo hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới hoạt động đo lường thông qua thực hiện các chương trình đảm bảo đo lường nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế.
Chi cục TCĐLCL TP. Hà Nội hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và triển khai chương trình đảm bảo đo lường
Nội dung khóa học bao gồm: Vai trò của đo lường và nhu cầu đổi mới hoạt động đo lường; Đề án 996 về tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường tại doanh nghiệp; Quyết định số 510/QĐ-BKHCN ngày 17/3/2021 của Bộ Khoa học và Công nghệ về “Hướng dẫn xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp”; Tổng quan về phân tích thực trạng đảm bảo đo lường; Thực trạng phép đo thử nghiệm, kiểm tra trong sản xuất, kinh doanh; Thực trạng hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm; Xây dựng chương trình đảm bảo đo lường.
Ngoài các chương trình giảng dạy trên lớp, học viên được đi khảo sát chương trình đảm bảo đo lường tại Hợp tác xã chè Hảo Đạt, xã Tân Cương, TP.Thái Nguyên, đây là một trong ba doanh nghiệp được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên lựa chọn để hỗ trợ xây dựng mô hình điểm về Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp.
Tại đây, các học viên được tìm hiểu về toàn bộ quy trình sản xuất, chế biến, đóng gói chè các loại của Hợp tác xã chè Hảo Đạt. Nhiệm vụ của học viên là nghiên cứu, tư vấn doanh nghiệp lựa chọn mục tiêu cụ thể để xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiêp từ đó đưa ra giải pháp và nguồn lực thực hiện tăng cường, đổi mới kiểm soát về đo lường đối với phương tiện đo, chuẩn đo lường, thiết bị thử nghiệm, kiểm tra; phương pháp đo, thử nghiệm, kiểm tra; lượng của hàng đóng gói sẵn nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp.
Trước đó, nhằm phát triển hạ tầng đo lường quốc gia theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế và bảo đảm đo lường chính xác cho hoạt động của các doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 996/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Để thực hiện đề án này, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 16/KH-UBND giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện.
Mục tiêu cụ thể của kế hoạch là, giai đoạn 2021-2025, thành phố sẽ đầu tư phát triển hạ tầng đo lường được ít nhất 10 chuẩn đo lường có cấp chính xác cao; đầu tư trang thiết bị, đáp ứng điều kiện để thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường đạt trên 50% nhu cầu quản lý nhà nước và bảo đảm đo lường tại doanh nghiệp; thực hiện bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ về đo lường cho ít nhất 1.000 lượt cán bộ. Triển khai áp dụng Bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường đối với ít nhất 20 phòng thí nghiệm thuộc lĩnh vực đo lường trên địa bàn thành phố…
Đến giai đoạn 2026-2030, phát triển được ít nhất 20 chất chuẩn, chuẩn đo lường, phương tiện đo các loại trên địa bàn thành phố, đáp ứng 80% nhu cầu quản lý nhà nước và bảo đảm đo lường chính xác cho doanh nghiệp. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ về đo lường và số lượng các tổ chức, doanh nghiệp được hỗ trợ triển khai chương trình bảo đảm đo lường tăng ít nhất 50% so với giai đoạn 2021-2025. Triển khai áp dụng bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường đối với ít nhất 40 phòng thí nghiệm thuộc lĩnh vực đo lường trên địa bàn thành phố cho các lĩnh vực đo lường để tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước về đo lường chất lượng…
Đề án 996 Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu chung là phát triển hạ tầng đo lường quốc gia theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng hội nhập quốc tế và nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác cho hoạt động doanh nghiệp, phù hợp điều kiện kinh tế – xã hội của Việt Nam, phù hợp với quy hoạch phát triển bộ ngành và địa phương; xây dựng và áp dụng hiệu quả bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường để tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước về đo lường; thực hiện chuẩn hóa năng lực, hoạt động của các tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường… Cụ thể, Đề án 996 phấn đấu đến năm 2025 sẽ phát triển hạ tầng đo lường quốc gia đáp ứng công nhận đủ 41 chuẩn đo lường quốc gia theo quy hoạch đã được phê duyệt; công nhận ít nhất 200 phép đo hiệu chuẩn được quốc tế thừa nhận trong khuôn khổ Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau toàn cầu về đo lường (CIPM-MRA); phát triển ít nhất 100 chất chuẩn, chuẩn đo lường, phương tiện đo lường các loại đáp ứng nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác cho doanh nghiệp; bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về đo lường ít nhất 10.000 cán bộ tham gia hoạt động đo lường; triển khai Chương trình đảm bảo đo lường cho ít nhất 50.000 doanh nghiệp bao gồm doanh nghiệp có vốn nhà nước và doanh nghiệp tư nhân; triển khai áp dụng bộ tiêu chí đánh giá quốc gia ít nhất 1000 phòng thí nghiệm được công nhận trong cả nước cho các lĩnh vực đo lường… Tới năm 2030, Đề án phấn đấu phát triển hạ tầng đo lường quốc gia đáp ứng công nhận ít nhất 300 phép đo hiệu chuẩn được quốc tế thừa nhận trong khuôn khổ Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau toàn cầu về đo lường (CIPM-MRA); phát triển ít nhất 250 chất chuẩn, chuẩn đo lường, phương tiện đo lường các loại đáp ứng nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác cho doanh nghiệp; bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về đo lường ít nhất 20.000 cán bộ tham gia hoạt động đo lường; triển khai Chương trình đảm bảo đo lường cho ít nhất 100.000 doanh nghiệp bao gồm doanh nghiệp có vốn nhà nước và doanh nghiệp tư nhân; triển khai áp dụng bộ tiêu chí đánh giá quốc gia ít nhất 2000 phòng thí nghiệm được công nhận trong cả nước cho các lĩnh vực đo lường… |
An Dương