Hà Nội: Dựng rào, giăng dây, xây trụ bê tông để giữ vỉa hè
Để giữ vỉa hè, tại Hà Nội, một số cơ quan, ban quản lý tòa nhà đã xây trụ bê tông, dựng rào sắt, giăng dây.
Từ ngày 1 đến 31/3, Hà Nội đồng loạt ra quân xử lý các trường hợp vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, lập lại trật tự đô thị. Để đảm bảo vỉa hè không bị tái chiếm, đến nay, nhiều đoạn được các phường, cơ quan giăng dây, dựng rào chắn, đặt trụ bê tông,… Trong ảnh, vỉa hè phố Phan Đình Phùng (trước trụ sở UBND phường Quán Thánh, quận Ba Đình) được xây 4 – 5 trụ bê tông để ngăn phương tiện dừng đỗ. |
Vỉa hè đường Phùng Hưng, đoạn qua Bệnh viện Quân y 103 và Học viện Quân y (quận Hà Đông) từ lâu được lắp cột trụ, giăng dây xích để ngăn các phương tiện. |
Khu vực vỉa hè trên phố Huỳnh Thúc Kháng (quận Đống Đa) được dựng hàng rào, đảm bảo không gian cho người đi bộ. Anh Phạm Văn Tám, sống tại phố Chùa Láng cho rằng những tuyến phố lớn vỉa hè đã được đảm bảo thông thoáng nhưng trong ngõ, phố nhỏ vẫn diễn ra tình trạng lấn chiếm, đẩy người đi bộ xuống lòng đường. |
Vỉa hè trên cầu Thượng Đình (quận Thanh Xuân) được dựng rào, giăng dây và đặt biển cấm kinh doanh buôn bán. |
Khoảng hè phố sát trụ sở TAND Hà Nội (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai) thường bị chiếm dụng làm nơi để phương tiện đã được giăng dây. |
Khu vực lòng đường, vỉa hè trước cổng Bệnh viện K (huyện Thanh Trì) trước đây luôn có nhiều ôtô đỗ trên vỉa hè, nay đã được dựng rào chắn và đặt biển cấm đỗ. |
Vỉa hè đầu phố Thanh Bình – Trần Phú (phường Mộ Lao, quận Hà Đông được dựng rào giăng dây và đặt biển cấm: “Sử dụng trái phép lòng đường, hè phố để kinh doanh dịch vụ,… đổ rác thải bừa bãi”. |
Tòa nhà ở số 25 Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân) ngăn các phương tiện đi lên vỉa hè bằng những cục bê tông. |
Vỉa hè trước cổng Trường Đại học Thương mại trên đường Hồ Tùng Mậu (quận Nam Từ Liêm) được Sở Giao thông vận tải cho phép dựng rào chắn dài khoảng 200m để ngăn xe máy đi lên. Hàng rào chắn trên đã được dựng cách đây hơn 1 năm. Sinh viên Nguyễn Mai Anh (Trường Đại học Thương Mại) cho biết, ngày đầu mới dựng rào chắn cảm thấy bỡ ngỡ khi đi trên vỉa hè nhưng lâu dần thành quen. “Từ ngày có rào chắn không xe máy nào đi lên vỉa hè được nên tôi đi bộ cũng yên tâm hơn”, Mai Anh chia sẻ. |
Đầu đường Trung Thư (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) ngăn không cho phương tiện lên vỉa hè bằng hàng gạch cao khoảng 25cm. Anh Trần Hữu Luấn sống tại phường Trung Văn cho biết các hàng gạch được xây ở cả hai đầu đường Trung Thư cách đây hơn một năm. Ngày mới hoàn thành, một số người đi bộ tập thể dục buổi sáng do không chú ý đã va trúng những hàng gạch này. |
Đoạn vỉa hè phố Kim Mã (quận Ba Đình) đã duy trì hàng trụ sắt rào chắn phương tiện nhiều năm nay. Nam bảo vệ tại đây cho biết, việc rào chắn để ngăn không cho xe máy đi lên vỉa hè, đặc biệt vào giờ cao điểm. Ông Phạm Văn Biên (50 tuổi, quê Nam Định) nói rằng, ông thấy khó chịu khi phải “luồn lách” qua hàng rào. “Nếu đi ban đêm mà không chú ý rất có thể sẽ va trúng hàng rào”, ông Biên bày tỏ. |
Từ ngày 1 đến 31/3, Hà Nội đồng loạt ra quân xử lý các trường hợp vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, lập lại trật tự đô thị trên đại bàn thành phố. Trong đó tăng cường xử lý hành vi lấn chiếm lòng đường, hè phố để kinh doanh, buôn bán, trông giữ phương tiện sai quy định,… Sau 1 tháng ra quân, Thanh tra Giao thông vận tải Hà Nội đã lập biên bản xử phạt hơn 1.600 trường hợp vi phạm, với số tiền xử phạt trên 6 tỷ đồng, tạm giữ 23 phương tiện và tước giấy phép lái xe 170 trường hợp. |
Nguồn: Báo xây dựng