Cầu bộ hành tại TP.HCM thành nơi ở của người vô gia cư
Được đầu tư xây dựng nhưng nhiều cầu bộ hành tại TP.HCM vắng bóng người sử dụng, có nơi trở thành điểm tập kết rác hoặc nơi ở của người vô gia cư.
Nhiều cầu vượt bộ hành tại TP.HCM được xây dựng tại các nút giao thông, đại lộ đông đúc nhưng trên thực tế vẫn vắng người qua lại.
Cầu bộ hành Văn Thánh (quận Bình Thạnh) nằm gần nút giao đường Ung Văn Khiêm – cầu Nguyễn Hữu Cảnh – cầu Sài Gòn hiện vắng người qua lại. Trong khi cách đó 500 m, nhiều người chọn đi bộ từ cổng ĐH Công nghệ TP.HCM, vượt dải phân cách để băng ngang đường Điện Biên Phủ.
Trên cây cầu này xuất hiện nhiều bơm kim tiêm đã qua sử dụng vứt bừa bãi tại các chậu hoa.
Cầu thang lên cầu bị gỉ sét, hoai mục, lối đi trên cầu cũng không có mái che. Thanh Thương, sinh viên ĐH Công nghệ TP.HCM cho biết mỗi ngày đều phải qua đường để đón xe buýt từ trường về nhà. Tuy vậy, cầu vượt lại nằm cách xa trường, trong khi trạm xe buýt lại nằm ngay đối diện trường. “Qua đường bằng cầu vượt mất thêm nhiều thời gian, nếu cầu được xây gần trường hơn thì sẽ được nhiều sinh viên lựa chọn”, Thanh Thương nói.
Là đại lộ nội đô đẹp nhất TP.HCM, đại lộ Phạm Văn Đồng có tới 5 cầu vượt bộ hành, tuy nhiên hầu hết rơi vào tình trạng “ế” khách.
Tình trạng cầu bộ hành tại đại lộ Võ Văn Kiệt cũng không khá khẩm hơn. Vì vắng người qua lại, nhiều người lớn tuổi lên cầu tập thể dục dưỡng sinh. Ông Trần Minh Sơn (65 tuổi) chia sẻ mỗi ngày đều đi bộ tập thể dục trên cầu bộ hành ở đại lộ Võ Văn Kiệt. “Cầu xây ra để người đi bộ qua đường, nhưng vắng khách đi. Chủ yếu người dân xung quanh tới đây dạo mát và tập thể dục”, ông Sơn nói.
Rác rưởi, chai lọ, quần áo rách vương vãi trên thành cầu.
Cầu bộ hành tại Bệnh viện Ung Bướu (quận Bình Thạnh) với 2 thang máy ở 2 đầu cầu giúp y bác sĩ, bệnh nhân, thân nhân thuận tiện qua lại, giảm ùn tắc giao thông. Trái ngược với kỳ vọng trên, người dân vẫn còn thói quen băng ngang dưới lòng đường bất chấp nguy hiểm.
Các cầu vượt bộ hành hiện nay đều phải đảm bảo độ cao 4.75 m theo quy định. Cầu thang nối lên hai đầu cầu đều khá dốc, có nhiều bậc nhỏ, gây bất tiện cho người già, trẻ em, người khuyết tật.
Giúp đảm bảo an toàn cho người dân khi qua đường cũng như hạn chế cản trở giao thông, nhưng cầu vượt bộ hành vẫn chưa phải là lựa chọn hấp dẫn với người dân. Dưới chân các cây cầu thường xuất hiện nhiều rác thải gây mất mỹ quan.
Ban đêm, các cầu vượt trở thành nơi ở của người vô gia cư. Họ tận dụng không gian trống, không có ai qua lại để ăn uống, nghỉ ngơi.
Người vô gia cư trải chiếu nằm ngủ trên một góc cầu vượt bộ hành số 3 ở đại lộ Phạm Văn Đồng (quận Bình Thạnh).
Nguồn: Báo xây dựng