Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 18/4/2023

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 18/4/2023

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 18/4/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 18/4/2023 trên Môi trường và Đô thị.

Nắng nóng đặc biệt gay gắt ở miền Bắc, có nơi trên 39 độ, cảnh báo sốc nhiệt, cháy nổ

Theo thông tin từ Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày hôm nay (17/4), ở phía Tây Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ có nắng nóng cục bộ.

Dự báo, từ 18/4, ở phía Tây Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-38 độ, có nơi trên 39 độ. Độ ẩm tương đối thấp nhất 35-60%.

Nắng nóng ở phía Tây Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 23/4. Từ ngày 21-23/4 ở Bắc và Trung Trung Bộ có khả năng xảy ra nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt; ở phía Đông Bắc Bộ từ ngày 21-23/4 có khả năng xảy ra nắng nóng diện rộng.

Do ảnh hưởng của nắng nóng kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.

Quận Hoàn Kiếm (Hà Nội): Triển khai giai đoạn hai chương trình thu gom rác thải nhựa

Thông tin từ UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, quận sẽ triển khai giai đoạn hai chương trình “Giảm rác thải nhựa và kinh tế tuần hoàn rác thải nhựa” với sự tham gia của người dân, chính quyền, công nhân môi trường và người thu mua ve chai.

tm-img-alt
Ảnh minh họa

Dự án sẽ được triển khai từ nay đến hết tháng 7, ở 6 phường Hàng Đào, Hàng Buồm, Hàng Bạc, Hàng Trống, Cửa Đông, Phúc Tân, cả trong khu dân cư và các trường học. Mục tiêu là mỗi tuần thu gom được ít nhất 100 kg rác nhựa giá trị thấp và 50% tổng số người dân các phường tham gia phân loại.

Lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Hoàn Kiếm cho biết quá trình thí điểm sẽ giúp người dân, cán bộ nâng cao kỹ năng phân loại, thu gom rác. Khi UBND TP Hà Nội có hướng dẫn về phân loại rác tại nguồn theo Luật Bảo vệ môi trường 2020 thì quận sẽ có kinh nghiệm để thực hiện ngay.

Thúc đẩy sử dụng công nghệ hoả táng bảo vệ môi trường

Từ thực tiễn hoạt động, ông Nguyễn Văn Thành, Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần Hợp lực cho rằng, nhờ tích cực triển khai các quy định, chính sách của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực hoả táng, trong giai đoạn từ 2010-2019, xu hướng hoả táng của người dân tăng lên rõ rệt.

Số liệu thống kê cho thấy, đến hết năm 2022, tỷ lệ sử dụng hình thức hoả táng tại các địa phương đã từng bước tăng lên. Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là 2 địa phương có tỷ lệ sử dụng hình thức hoả táng cao nhất (trên 70%).

tm-img-alt
Hội thảo “Công nghệ hoả táng bảo vệ môi trường”

Nhìn chung, phần lớn các tỉnh, thành phố có điều kiện kinh tế phát triển, thiếu quỹ đất… thì tỷ lệ sử dụng hình thức hoả táng cao. Nhận thức của các tầng lớp nhân dân về hoả táng đã được nâng lên đáng kể.

Ngoài việc giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường, tiết kiệm quỹ đất, hoả táng còn tiết kiệm chi phí, bảo vệ nguồn nước, tránh lây lan dịch bệnh…

Chia sẻ về công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực này, ông Nguyễn Văn Thành cho rằng, Tổng công ty cổ phần Hợp lực đang triển khai dịch vụ hoả táng, xây dựng các công viên nghĩa trang sinh thái vĩnh hằng ở nhiều địa phương trong cả nước, với lò hoả táng đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường.

Bắc Ninh: Ra mắt mô hình “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”

Vừa qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh ra mắt mô hình “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm” tại khu phố Y Na 2, phường Kinh Bắc (thành phố Bắc Ninh).

tm-img-alt
Ra mắt mô hình “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”

Mô hình được triển khai với 7 nội dung chủ yếu, gồm: Triển khai và phát động phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”; xây dựng quy định mỗi hộ gia đình tự quét dọn vệ sinh trong nhà và khu vực xung quanh nhà, tổ chức tổng vệ sinh môi trường đường phố vào cuối tuần và ngày 26 hàng tháng; vận động nhân dân tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, sản xuất, kinh doanh lương thực, thực phẩm an toàn, rõ nguồn gốc, xuất xứ; Ban Công tác Mặt trận hiệp thương, phân công các tổ chức đoàn thể phụ trách kiểm tra, đôn đốc đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện phong trào trên từng tuyến phố; tổ chức ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ  môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; xây dựng các tuyến đường, tuyến phố tự quản về bảo vệ môi trường;  tham gia trồng xây xanh, trồng hoa, giữ gìn cảnh quan các điểm sinh hoạt văn hóa công cộng, xây dựng khu dân cư sáng – xanh – sạch – đẹp.

Việc triển khai mô hình “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm” tại khu phố Y Na 2 góp phần nâng cao chất lượng Cuộc vận động “Mỗi người dân, mỗi ngày một việc góp phần làm sạch thành phố”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và Chương trình “10 phút góp phần làm sạch thành phố”, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển, an ninh trật tự được bảo đảm, môi trường an toàn, xanh sạch đẹp, đáp ứng nguyện vọng của người dân, xây dựng khu phố đạt chuẩn đô thị văn minh.

Ngay sau khi ra mắt mô hình, khu phố Y Na 2 tiến hành ký giao ước thi đua giữa Ban Công tác Mặt trận, Trưởng khu phố và các chi hội đoàn thể; tập huấn, hướng dẫn thực hiện mô hình điểm “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm” cho Ban chỉ đạo mô hình và hội viên, đoàn viên, các tầng lớp nhân dân khu phố.

Quảng Trị: Đảm bảo vệ sinh môi trường trong chăn nuôi

Theo số liệu thống kê hiện nay toàn tỉnh Quảng Trị có 59 trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học. An toàn sinh học đối với các cơ sở chăn nuôi là việc thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, vệ sinh thú y nhằm ngăn ngừa và hạn chế sự lây nhiễm của mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào các cơ sở chăn nuôi và tiêu diệt mầm bệnh tồn tại ở bên trong của cơ sở chăn nuôi. Huyện Cam Lộ là địa phương luôn chú trọng triển khai các biện pháp để đảm bảo an toàn trong chăn nuôi.

Với đàn đại gia súc hơn 6.770 con, đàn lợn 25.400 con, gia cầm trên 350.000 con, huyện chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương, đơn vị liên quan tích cực phun hóa chất tiêu độc khử trùng tại các chuồng trại có quy mô lớn, điểm trung chuyển gia súc, khu vực buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm, gia súc tại các chợ; ổ dịch cũ, khu vực tiêu hủy gia súc, gia cầm mắc bệnh, cơ sở ấp nở gia cầm…

Ngoài ra, tuyên truyền hướng dẫn người dân thường xuyên vệ sinh chuồng trại và khu vực xung quanh bằng cách rải vôi, quét dọn, thu gom chất thải, chất độn chuồng trại để đốt hoặc chôn nhằm chủ động tiêu diệt các mầm bệnh nguy hiểm xảy ra.

Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh vẫn còn một số lượng lớn chăn nuôi có quy mô nông hộ nhỏ lẻ (khoảng 68.000 hộ chăn nuôi). Chuồng trại chăn nuôi thường được người dân bố trí ngay trên diện tích đất sinh hoạt chung của gia đình nên đã gây tác động lớn đến môi trường xung quanh, phát sinh dịch bệnh và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

tm-img-alt
Một trang trại chăn nuôi gà bằng công nghệ sinh học. Ảnh minh họa

Theo số liệu điều tra đến tháng 10/2022, tỉ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo các quy định về vệ sinh thú y, chăn nuôi và bảo vệ môi trường chiếm 41,58%, tương đương 42/101 xã. Bằng nguồn vốn từ các tổ chức, chương trình dự án như Tầm nhìn Thế giới, Chương trình khí sinh học Trung ương… và nguồn hỗ trợ từ ngân sách địa phương, các hộ gia đình khu vực nông thôn đã xây dựng các hầm biogas bằng vật liệu composite để xử lý chất thải chăn nuôi theo hình thức Nhà nước và Nhân dân cùng làm (Nhà nước: 40%; Nhân dân: 60%).

Tính đến nay, toàn tỉnh có khoảng 5.000 công trình khí sinh học và hàng trăm mô hình sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gia súc, gia cầm nhằm xử lý chất thải chăn nuôi, hạn chế ô nhiễm môi trường, tận thu khí CH4 phục vụ cho đun nấu, phát điện, sưởi ấm, góp phần giảm khí thải nhà kính. Mô hình đã và đang mang lại hiệu quả đối với quy mô chăn nuôi hộ gia đình, tăng hiệu quả sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn, tận thu khí sinh học phục vụ cho đun nấu, phát điện, sưởi ấm vật nuôi.

Bên cạnh đó, tỉnh đã ban hành “Quy định khu vực nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi và quy hoạch vùng nuôi chim yến”, “Quy hoạch vùng chăn nuôi lợn tập trung” để các địa phương chủ động trong việc rà soát, bổ sung quy hoạch, tạo quỹ đất “sạch” nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi trong thời gian tới.

Tiếp tục ban hành các chính sách ưu đãi về đầu tư trong chăn nuôi theo hướng hình thành vùng chăn nuôi tập trung, an toàn dịch bệnh, ứng dụng công nghệ cao, phù hợp với các quy định của Luật Chăn nuôi, Luật Thú y, Luật Bảo vệ môi trường nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế về chăn nuôi của địa phương.

Mưa lớn, cá chết đầy kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè

Ngày 17/4, ghi nhận trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đoạn từ cầu Thị Nghè (quận 1) đến cầu Công Lý (quận 3, TP.HCM) xuất hiện tình trạng cá chết rải rác.

Các loại cá chết như cá diêu hồng, cá chép, cá rô và thậm chí cả cá lóc, ếch, cá trê…, với nhiều kích thước khác nhau, có con to bằng bàn tay người lớn. Ở nhiều chỗ, cá chết nổi lên kèm rác thải, bốc mùi khó chịu. Ngoài ra, hàng ngàn con cá khác nổi đầu lên trên mặt nước như bị thiếu oxi, trong lúc mặt nước nhiều chỗ sủi bọt, đục ngàu…

tm-img-alt
Hôm 16/4 cá nổi đầy trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè và đến ngày 17/4 thì xuất hiện tình trạng cá chết. Ảnh: HT.

Một số người dân cho biết, tình trạng cá nổi lên, chết hàng loạt thường xuất hiện sau những cơn mưa đầu mùa, nước thải ở nhiều khu vực đổ xuống kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè khiến nước ô nhiễm là nguyên nhân chính.

Trước đó, hôm 16-4, hàng hàng con cá đã nổi đầu, xuất hiện dày đặc trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè sau những cơn mưa lớn đầu mùa.

T.Anh (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích