Những trẻ nào nhiễm virus RSV cần phải nhập viện?
Những trẻ nào nhiễm virus RSV cần phải nhập viện?
Bác sĩ chỉ ra những dấu hiệu nặng cần phải nhập viện với trẻ nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV).
Trước thông tin virus hợp bào hô hấp (RSV) lây lan nhanh khi thời tiết chuyển mùa. Ở nhiều cơ sở y tế, bệnh nhân đến khám và chuyển nặng tăng cao, khiến các bậc cha mẹ lo lắng.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, virus hợp bào hô hấp (RSV) thường gây bệnh đường hô hấp dưới và viêm phổi ở trẻ với khả năng lây lan mạnh, cha mẹ cần chú ý các dấu hiệu nhận biết khi trẻ nhiễm virus RSV; trẻ thường có triệu chứng khởi phát ban đầu như: Ho khan, hắt hơi, sổ mũi và có thể sốt nhẹ tới sốt cao. Các triệu chứng này rất dễ bị nhầm lẫn với nhiễm cúm hay các loại virus khác.
Đến giai đoạn toàn phát, trẻ có dấu hiệu khò khè, ho nhiều, thở nhanh. Đối với trẻ sơ sinh có thể có các dấu hiệu nặng như sốt cao khó hạ, tím tái, rút lõm lồng ngực, trẻ kích thích quấy khóc hoặc có cơn ngừng thở. Đối với những trẻ có bệnh lý nền như trẻ bị tim bẩm sinh, trẻ sinh non, trẻ suy dinh dưỡng, trẻ bị loạn sản phổi… thì bệnh có xu hướng tiến triển nặng hơn.
Bệnh thường kéo dài trong vài ngày, nếu trẻ có nền sức khỏe tốt, và được chăm sóc đúng cách, bệnh sẽ không quá đáng ngại và có thể tự khỏi sau 3 – 5 ngày. Tuy nhiên, cha mẹ cần căn cứ theo tình trạng bệnh của từng trẻ để quyết định cho trẻ điều trị ở nhà hay nhập viện.
Cụ thể, bác sĩ khuyến cáo, nếu trẻ mắc bệnh do virus RSV có một trong những biểu hiện sau cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện:
– Sốt cao, co giật.
– Tím tái.
– Bỏ bú, kém ăn.
– Thở nhanh, rút lõm lồng ngực.
Đặc biệt, với bệnh nhi là trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi hoặc trẻ có bệnh lý nền, cha mẹ cũng cần hết sức lưu ý, nên cho trẻ đi khám sớm để kiểm soát và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nặng.
Bác sĩ cũng khuyến cáo, các bậc phụ huynh không nên tự ý sử dụng kháng sinh chữa bệnh cho con khi chưa xác định được chính xác con mắc vius RSV hay không và mức độ bệnh ra sao; việc dùng kháng sinh không theo chỉ định không những không có tác dụng mà còn làm chậm quá trình điều trị, gây ra nhiều hậu quả sau này cho trẻ./.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị