Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học công nghệ

Theo PGS. TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), dân số Việt Nam tiếp cận giáo dục đại học còn thấp, đào tạo sau đại học cũng chưa được chú trọng nhiều. Trong khi đó, yêu cầu về đào tạo sau đại học rất quan trọng đối với lĩnh vực khoa học công nghệ. Dù quy mô đào tạo nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao ở các trình độ tăng qua các năm nhưng số tuyển sinh mới lại giảm.

Đặc biệt nhóm ngành Toán, Khoa học tự nhiên, Khoa học sự sống ít hấp dẫn với người học. Các phân ngành về khoa học cơ bản có số lượng công bố quốc tế cao nhưng quy mô đào tạo các ngành này chưa tương đồng. Thực tế này đặt ra yêu cầu vừa phải đảm bảo nâng cao chất lượng vừa phải gia tăng số lượng tiếp cận đại học các ngành phục vụ phát triển khoa học công nghệ ở các trình độ.

Phân tích số liệu trong hơn 10 năm gần đây cho thấy, tỷ trọng công bố quốc tế của các cơ sở giáo dục đại học tăng nhanh về số lượng, đặc biệt trong 3 năm gần đây, số công bố quốc tế của các cơ sở giáo dục đại học chiếm 90% trong tổng số của cả nước. Tuy nhiên, so sánh với một số nước trong khu vực, số công bố của nước ta còn thấp; số sáng chế, giải pháp hữu ích của các trường đại học có tăng nhưng còn khiêm tốn.

Để phát huy nguồn lực giáo dục đại học phục vụ phát triển công nghệ cao, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy đề xuất nhiều giải pháp thúc đẩy đào tạo cũng như thu hút nhân lực khoa học công nghệ. Trong đó, các bộ, ngành rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định về tài trợ nghiên cứu cho trường đào tạo, nghiên cứu các ngành phục vụ phát triển công nghệ cao; tài trợ nghiên cứu cho trường đại học hợp tác nghiên cứu với cơ sở giáo dục đại học, tổ chức nước ngoài. Cùng với đó, ưu tiên phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, các trung tâm đào tạo và nghiên cứu xuất sắc; có chính sách thúc đẩy các nguồn lực từ doanh nghiệp; thu hút nhà khoa học cho các cơ sở giáo dục đại học…

Chia sẻ về thực trạng nghiên cứu tại đơn vị, PGS. TS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho biết, số lượng công bố quốc tế của trường tăng nhanh trong 5 năm gần đây, với tốc độ gia tăng 30% mỗi năm. Nhà trường chủ động tham gia thực hiện các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm của quốc gia và Thành phố; thúc đẩy phát triển các nhóm nghiên cứu, nhất là các nhóm nghiên cứu liên ngành.

Hiện trường có hơn 15 nhóm nghiên cứu phát triển công nghệ đã và đang được hỗ trợ kinh phí từ đề tài cấp nhà nước. Dù đạt nhiều kết quả tích cực nhưng trường vẫn chưa phát huy hết tiềm năng của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ; cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu cũng chưa đáp ứng đầy đủ trước yêu cầu thực tế. Phần lớn sản phẩm chỉ mới được phát triển đến mức độ phòng thí nghiệm dẫn đến các doanh nghiệp chưa thể tiếp cận được.

Ảnh minh hoạ

Thời gian qua, các hoạt động tài trợ, hỗ trợ của Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia đã góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu và phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ trình độ cao. TS Phạm Đình Nguyên, Giám đốc cơ quan điều hành Quỹ cho biết, trong giai đoạn 2018-2020, Quỹ được cấp kinh phí 300 tỷ đồng mỗi năm. Trong đó cơ cấu kinh phí của Quỹ chủ yếu hỗ trợ các nghiên cứu cơ bản với tỷ lệ 87,8%; hỗ trợ nghiên cứu hướng ứng dụng chiếm tỷ lệ nhỏ (9,7%); hỗ trợ nâng cao năng lực khoa học công nghệ quốc gia chiếm 2,5%.

Giai đoạn 2021-2025, kinh phí tối thiểu Quỹ được cấp là 500 tỷ đồng/năm, cơ cấu phân bổ kinh phí tài trợ, hỗ trợ Quỹ cũng có sự điều chỉnh phù hợp với yêu cầu thực tế. Trong đó, Quỹ hướng đến tài trợ cho các nghiên cứu xuất sắc, tăng tỷ lệ tài trợ, hỗ trợ cho các nghiên cứu ứng dụng lên mức 25% nhằm thúc đẩy số lượng sáng chế sở hữu trí tuệ của Việt Nam; đồng thời tăng tỷ lệ hỗ trợ cho hoạt động nâng cao năng lực khoa học công nghệ quốc gia lên mức 10%.

Cho rằng cơ chế hoạt động cấp kinh phí theo dự toán kinh phí đề tài nghiên cứu như hiện nay chưa phù hợp, các ý kiến cho rằng, thời gian Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia cần đổi mới cơ chế tài chính linh hoạt hơn.

GS. TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh chia sẻ, hiện quy mô tài trợ trung bình của Quỹ là 950 triệu đồng/đề tài là khá thấp so với yêu cầu đầu ra của các đề tài mà Quỹ tài trợ. Cùng với mở rộng quy mô tài trợ, việc đổi mới cơ chế tài chính trong hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ là rất cần thiết; trong đó, cần đảm bảo tài chính theo kết quả đầu ra của các nghiên cứu.

Mặt khác, trong các chương trình hỗ trợ, tài trợ của Quỹ cũng cần chú trọng hơn các chương trình chuyên sâu về khoa học giáo dục, khoa học xã hội và nhân văn, nhất là về sức khỏe tâm thần, phát triển xã hội, cộng đồng… nhằm đảm bảo sự cân bằng trong phát triển kinh tế – xã hội.

Nói về thực trạng kinh phí đề tài được cấp chưa đáp ứng nhu cầu, nhất là với đề tài phát triển công nghệ, PGS. TS Mai Thanh Phong kiến nghị các bộ, ngành cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, phương thức đầu tư và cơ chế tài chính, kinh phí cần “đúng thời điểm” để đảm bảo tính mới và hiệu quả của đề tài; trong đó cần có cơ chế chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu; mở rộng phạm vi và khuôn khổ tài trợ của mô hình quỹ khoa học và công nghệ với cơ chế thông thoáng.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách, khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà khoa học tại các cơ sở giáo dục đại học phát huy tối đa năng lực nghiên cứu. Các cơ sở giáo dục đại học cũng cần dành sự ưu tiên đầu tư thích đáng cho việc nâng cao chất lượng đào tạo đại học, sau đại học, phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ trình độ cao.

Từ yêu cầu thực tiễn, Bộ trưởng Bộ KH&CN đề nghị Quỹ Phát triển Khoa học và công nghệ Quốc gia nghiên cứu, định hướng các chương trình tài trợ, hỗ trợ để thúc đẩy mạnh mẽ các nhóm nghiên cứu xuất sắc, phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học công nghệ trình độ cao, đặc biệt là lực lượng trẻ.

Đặc biệt, các đơn vị cần nghiên cứu, phối hợp các cơ quan liên quan nhằm tạo dựng cơ chế quản lý tài chính phù hợp đặc thù hoạt động nghiên cứu khoa học, theo thông lệ quốc tế, với định hướng chấp nhận độ trễ, rủi ro trong nghiên cứu khoa học; chuyển dần từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đẩy mạnh khoán chi trong tài trợ nghiên cứu khoa học.

Bảo Lâm

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích