Tin tức 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 14/4/2023

Tin tức 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 14/4/2023

Tin tức 24h nóng nhất, mới nhất hôm nay 14/4/2023 tin tức thời sự, tin tức pháp luật, tin tức tai nạn giao thông, môi trường, đô thị, xã hội, thể thao…

Hà Nội bố trí 57 chốt trực phân luồng, chống ùn tắc dịp nghỉ lễ

Tin tức trên SK&ĐS, trong dịp nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương (ngày 10/3 Âm lịch), Ngày Giải phóng miền Nam 30/4 và Quốc tế lao động 1/5, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội bố trí lực lượng phối hợp, phân luồng chống ùn tắc, bảo đảm trật tự an toàn giao thông kết hợp kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết sự cố tại 57 vị trí, đặc biệt là khu vực bến xe khách liên tỉnh, các tuyến đường trọng điểm, cửa ngõ Thủ đô.

tm-img-alt
Lực lượng chức năng TP Hà Nội xử lý phương tiện vi phạm.

Trong đó, Thanh tra Sở sẽ bố trí lực lượng tại 50 vị trí thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm, huy động 181 người/ca trực, đồng thời bố trí lực lượng tại 7 vị trí xung quanh các bến xe khách liên tỉnh. Ngoài thời gian quy định, lãnh đạo các đơn vị có trách nhiệm chủ động nắm bắt tình hình giao thông trên địa bàn quản lý để kịp thời bố trí lực lượng, không để ùn tắc giao thông kéo dài.

Ngoài bố trí lực lượng phân luồng, chống ùn tắc giao thông, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội sẽ tập trung xử lý xe khách tuyến cố định chạy sai hành trình, dừng, đỗ, đón, trả khách trái quy định, các tụ điểm bến “cóc”; xử lý xe hợp đồng vận chuyển hành khách hoạt động như tuyến cố định, tổ chức tụ điểm đón khách tập trung gây mất trật tự an toàn giao thông.

Bên cạnh đó, lực lượng thanh tra tăng cường xử lý xe taxi dừng, đỗ trái quy định tại các cổng bệnh viện, nhà ga, trung tâm thương mại, khu vui chơi, lễ hội, xe taxi che biển kiểm soát, xe buýt không đáp ứng các điều kiện tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ vận chuyển hành khách, xe nhái thương hiệu xe buýt…

Quảng Ninh: Tiêu huỷ gần 1 tấn thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc

Theo đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh (Đội Quản lý thị trường số 4) cho biết Đội vừa tiến hành giám sát các đối tượng tiêu hủy số thực phẩm nhập lậu và không rõ nguồn gốc gồm:  gần 400 gói xúc xích nhập lậu từ Trung Quốc được phát hiện khi tiến hành khám phương tiện vận tải biển kiểm soát 14C-223.69 tại phường Hải Yên và gần 500 kg nội tạng gà (trứng non) được phát hiện khi kiểm tại cửa hàng Luyện Nghĩa tại phường Hải Yên, thành phố Móng Cái với tổng trị giá hàng hóa cả hai vụ việc hơn 83 triệu đồng.

tm-img-alt
Lực lượng QLTT Quảng Ninh giám sát tiêu hủy gần 1 tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc. Ảnh: Cục QLTT Quảng Ninh

Các vụ việc đã được cơ quan chức năng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính lần lượt là 30.000.000 đồng và 42.500.0000 đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ tang vật.

Việc tiêu hủy những sản phẩm không rõ nguồn gốc và không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm không chỉ đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng mà còn có hiệu quả cao trong việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức kinh doanh buôn bán thực phẩm.

Công ty Grab bị xử phạt do sai phạm trong sử dụng bản đồ Việt Nam

Sở Thông tin và Truyền thông TP. HCM cho biết hình ảnh bản đồ không thể hiện đầy đủ ‘Quần đảo Trường Sa,’ ‘Quần đảo Hoàng Sa’ trong bản đồ ứng dụng Grab được phát hiện vào ngày 8/4.

Ngày 14/4, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đã có quyết định xử phạt Công ty Grab Việt Nam 60 triệu đồng, đồng thời đề nghị công ty này phải cam kết khắc phục cũng như triển khai các biện pháp ngăn ngừa sự việc tương tự trong tương lai và chấp hành đúng quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh, qua công tác quản lý Nhà nước và thông tin đăng tải trên các phương tiện báo chí liên quan đến vụ việc hình ảnh bản đồ không thể hiện đầy đủ “Quần đảo Trường Sa,” “Quần đảo Hoàng Sa” trong bản đồ ứng dụng Grab được phát hiện vào ngày 8/4, Sở đã làm việc đối với Công ty Grab Việt Nam để làm rõ các nội dung vi phạm.

Tại buổi làm việc, Công ty đã xác nhận nội dung vi phạm và cho biết đang hợp tác với một đơn vị đối tác cung cấp dữ liệu bản đồ là OpenStreetMap để làm bản đồ nền trên ứng dụng Grab. Sau khi tiếp nhận thông tin vụ việc, Công ty đã nhận thức được tính nghiêm trọng và triển khai ngay các biện pháp rà soát, cập nhật dữ liệu bản đồ, nhằm đảm bảo chủ quyền quốc gia Việt Nam.

Căn cứ quy định pháp luật, hành vi vi phạm của Công ty Grab Việt Nam phải chịu xử phạt vi phạm hành chính theo điểm b khoản 7 Điều 102 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, với mức phạt 60 triệu đồng.

Cùng với đó, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Công ty Grab Việt Nam phải cam kết khắc phục cũng như triển khai các biện pháp ngăn ngừa sự việc tương tự trong tương lai và chấp hành đúng quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh của công ty.

Nghệ An: Bắt giữ vụ khai thác hơn 300 nghìn m3 khoáng sản trái phép

Tin tức trên Báo Nghệ An, chiều 13/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã đồng loạt khám xét 5 địa điểm liên quan tới vụ khai thác khoáng sản trái phép tại huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

Trước đó, vào khoảng 8 giờ 30 phút, ngày 7/4/2023, Công an tỉnh Nghệ An đã tiến hành kiểm tra hoạt động khai thác đất tại khu vực điểm mỏ núi Dứa (thuộc xã Nghi Hưng, huyện Nghi Lộc) của Công ty TNHH Đông Nam.

tm-img-alt
Lực lượng chức năng đã khám xét và thu giữ một số tài liệu liên quan tới vụ khai thác khoáng sản trái phép quy mô lớn tại huyện Nghi Lộc. Ảnh: Phạm Thủy

Tại hiện trường, Công an tỉnh Nghệ An phát hiện 4 phương tiện (gồm 2 máy đào bánh xích và 2 xe ô tô tải) đang có dấu hiệu hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản đất ngoài phạm vi ranh giới được cấp phép.

Đoàn kiểm tra đã yêu cầu dừng toàn bộ hoạt động và tiến hành lập biên bản, hồ sơ ban đầu và tạm giữ 4 phương tiện theo quy định.

Theo Giấy phép khai thác khoáng sản đã được cấp phép cho Công ty TNHH Đông Nam thì tính đến thời điểm hiện tại, Công ty TNHH Đông Nam đã khai thác vượt trữ lượng cho phép hơn 300 nghìn m3 khoáng sản (đất).

Hiện, vụ việc đang được tiếp tục điều tra, làm rõ.

Hơn 1.700 phụ huynh tại TPHCM yêu cầu Apax Leaders trả học phí

Hiện tổng số phụ huynh có đơn yêu cầu hệ thống Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders hoàn trả học phí là 1.717 người. Theo ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, do đây là vụ việc khá đặc biệt, các trung tâm quy mô lớn, học viên đông và số tiền còn nợ nhiều nên nhiều cơ quan đang phối hợp xử lý.

Theo website của trung tâm anh ngữ này, đối với chương trình dành cho học viên từ 12–18 tuổi, mức học phí khoảng 40 triệu đồng/12 tháng, với thời gian học 2 buổi/ tuần. Học phí đối với khóa học dành cho học viên từ 4–6 tuổi là 30 triệu đồng/12 tháng, thời gian học là 2 buổi/tuần.

Được biết, Công ty cổ phần Anh ngữ Apax (Apax English) nằm trong hệ sinh thái Apax Holdings của ông Nguyễn Ngọc Thủy (hay còn được gọi là shark Thủy), hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Tại Apax English, ông Nguyễn Ngọc Thủy giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc và cũng là người đại diện theo pháp luật.

Chung cư Mường Thanh tại Đà Nẵng đã tự tháo dỡ 78 căn hộ xây sai phép

PLO đưa tin, sáng 14/4, UBND TP Đà Nẵng tổ chức họp báo quý I-2023. Tại đây, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng Lê Văn Tuấn đã trả lời câu hỏi về tình hình xử lý vi phạm tại Tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ cao cấp Sơn Trà (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn).

Theo ông Tuấn, việc tháo dỡ vi phạm tại khối chung cư Mường Thanh đã được UBND TP Đà Nẵng giao cho quận Ngũ Hành Sơn thực hiện theo quy định. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên công tác này bị gián đoạn.

Hiện, Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên, chủ đầu tư (CĐT) dự án đã tự nguyện tháo dỡ 78 căn hộ (khoảng 50% số căn hộ xây sai phép) ở các tầng theo giấy phép được cấp trước đây là bố trí chỗ đậu đỗ xe và nhà trẻ cho khối chung cư.

Quận Ngũ Hành Sơn sẽ tiếp tục đôn đốc tháo dỡ các hạng mục sai phạm trong thời gian đến, hoặc tiến hành cưỡng chế tháo dỡ theo quy định.

tm-img-alt
Khối chung cư tại dự án Tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ cao cấp Sơn Trà. Ảnh: TẤN VIỆT

Trước đó, ngày 22-10-2019, UBND quận Ngũ Hành Sơn công bố quyết định của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng về việc cưỡng chế, buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với CĐT dự án.

Vi phạm tại dự án được phát hiện từ năm 2017. Cụ thể, từ tầng hai đến tầng năm của khối chung cư được cấp phép là khu vực nhà để xe, nhà trẻ, nhà sinh hoạt cộng đồng… Nhưng trên thực tế, CĐT đã xây dựng 26 căn hộ/tầng, tổng số căn hộ được xây trái phép là 104 căn.

Tại các tầng 25, 35, 41 và 42, CĐT cũng xây dựng sai phép nhiều hạng mục như chuyển vị trí lánh nạn thành tám phòng ở, tầng kỹ thuật biến thành 26 phòng, tầng mái biến thành 23 phòng. Riêng trên tầng mái (tầng 42), CĐT đã tự ý cơi nới thêm hai tầng…

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng thời điểm đó là ông Huỳnh Đức Thơ buộc tháo dỡ và hoàn trả lại công năng ban đầu đối với phần công trình xây dựng sai nội dung giấy phép nêu trên.

T.Anh (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích