Vật liệu xây dựng làm từ chanh và dừa có thể giúp điều hòa nhiệt độ trong nhà

Vật liệu xây dựng làm từ chanh và dừa có thể giúp điều hòa nhiệt độ trong nhà

Loại vật liệu xây dựng mới này được làm từ nguồn vật liệu tái tạo là dừa, vỏ chanh và gỗ, có thể giúp điều chỉnh nhiệt độ trong nhà như một chiếc điều hòa.

Trong bối cảnh giá năng lượng trên toàn cầu tăng cao một cách báo động, các nhà khoa học tại Viện Công nghệ Hoàng gia (KTH), Thụy Điển đã nghiên cứu một loại vật liệu xây dựng có thể giúp điều chỉnh nhiệt độ trong nhà.

Theo đó, loại vật liệu composite này được làm từ các nguyên liệu tái tạo gồm có dừa, chanh và gỗ, có thể ứng dụng tốt trong các công trình nhà kính.

Đầu tiên, các nhà nghiên cứu đã tạo ra cấu trúc lỗ rỗng trong gỗ bằng cách loại bỏ lignin, chất làm bay màu gỗ. Các khoảng trống sau đó được lấp đầy bằng limonene acrylate (bắt nguồn từ chất thải vỏ trái cây trong ngành công nghiệp chế biến) và một phân tử có nguồn gốc từ quả dừa.

tm-img-alt
Các nhà nghiên cứu đã kết hợp gỗ gia nhiệt với các phân tử lấy từ dừa và vỏ chanh để tạo ra vật liệu xây dựng có thể lưu trữ và giải phóng nhiệt. Nguồn: Small

Khi hỗn hợp nóng lên, limonene acrylate trở thành một loại polymer, giữ các phân tử dừa bên trong. Nhiệt độ tại đó quá trình chuyển đổi xảy ra có thể được điều chỉnh theo yêu cầu, và quá trình này được đảo ngược khi vật liệu nguội đi.

Nhóm nghiên cứu cho biết, các phân tử dừa có thể chuyển từ thể rắn sang thể lỏng để hấp thụ năng lượng hoặc từ thể lỏng sang thể rắn giải phóng năng lượng, giống như cách nước đóng băng và tan chảy. Thông qua quá trình chuyển đổi này, loại vật liệu xây dựng mới này có thể sưởi ấm hoặc làm mát môi trường xung quanh.

Theo ước tính, có thể tiết kiệm khoảng 2,5 kWh điện mỗi ngày cho khoảng 100kg vật liệu được sử dụng trong xây dựng công trình, với điều kiện nhiệt độ xung quanh là 24 độ C. Khi mặt trời chiếu sáng, gỗ trở nên trong suốt và lưu trữ nhiều năng lượng hơn, trong khi vào ban đêm, vật liệu trở nên đục và giải phóng nhiệt được lưu trữ.

Hiện, vật liệu composite có thể dùng để làm vách ngăn các phòng trong nhà với chức năng như “pin nhiệt” hoặc làm bình phong nhờ có độ trong suốt nhất định. Nhóm nghiên cứu cho biết họ sẽ cần nghiên cứu thêm trước khi dùng vật liệu này cho các công trìnhx xây dựng ngoài trời.

Tuấn Khang (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích