Lâm Đồng: Công ty Song Long Đà Lạt có “nhờn luật” khi tiếp tục gây ô nhiễm môi trường?

Lâm Đồng: Công ty Song Long Đà Lạt có “nhờn luật” khi tiếp tục gây ô nhiễm môi trường?

Tháng 6/2022, Công ty Song Long Đà Lạt từng bị xử phạt 164 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 3 tháng vì vi phạm trong khai thác khoáng sản gây ô nhiễm môi trường. Đến nay hoạt động lại vẫn tồn tại những vi phạm chưa có dấu hiệu dừng lại.

Cụ thể, ngày 21/6/2022, UBND tỉnh Lâm Đồng ra Quyết định số 1101/QD-XPVPHC đối với Công ty TNHH Song Long Đà Lạt ( Công ty Song Long Đà Lạt, trụ sở tại thôn 1, xã Rô Men, huyện Đam Rông) 164 triệu đồng.

tm-img-alt

Công ty Song Long Đà Lạt bị xử phạt hành chính vì gây ô nhiễm môi trường khi khai thác khoáng sản.

Theo đó, doanh nghiệp này có hàng loạt sai phạm như: Không lắp đặt camera giám sát tại kho chứa, nơi vận chuyển khoáng sản nguyên khai ra khỏi mỏ để theo dõi, lưu trữ thông tin liên quan; Vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 40 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ.

Công ty Song Long Đà Lạt quản lý không tốt, không còn mốc ngoài thực địa; Vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 37 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ. Đồng thời, không lập sổ sách, chứng từ, tài liệu làm căn cứ để xác định sản lượng khai thác khoáng sản thực tế theo quy định; Vi phạm quy định tại điểm b, khoản 8, Điều 40 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/03/2020 của Chính phủ.

Không xây dựng hồ lắng nước thải (để lắng lọc, ổn định các chất lơ lửng, bùn trước khi thải nước chảy trả lại lòng suối) tại bãi tập kết cát; Vi phạm quy định tại điểm d, khoản 3, Điều 8 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 7, Điều 1 Nghị định số 55/2021/ND-CP ngày 24/05/2021 của Chính phủ.

tm-img-alt

Hoạt động khai thác cát của Công ty Song Long Đà Lạt tại thôn 2 xã Liêng Srônh.

UBND tỉnh Lâm Đồng đã xử phạt doanh nghiệp này với hình thức cảnh cáo đối với hành vi không lắp đặt camera giám sát; Phạt tiền 100 triệu đồng đối với hành vi không lập sổ sách, chứng từ, tài liệu làm căn cứ để xác định sản lượng khai thác khoáng sản thực tế theo quy định; Phạt 60 triệu đồng đối với hành vi không xây dựng hố lắng nước thải (để lắng lọc, ổn định các chất lơ lửng, bùn trước khi thải nước chảy trả lại lòng suối) tại bãi tập kết cát và 4 triệu đồng đối với hành vi quản lý không tốt, không còn mốc ngoài thực địa. Tổng hợp các mức phạt, doanh nghiệp phải nộp số tiền 164 triệu đồng.

Đồng thời, Công ty Song Long Đà Lạt còn bị đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm môi trường trong thời hạn 3 tháng; phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải hoàn thành xây dựng hồ lắng đúng tiêu chuẩn kỹ thuật trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày nhận được quyết định.

tm-img-alt

Nước suối bị ô nhiễm nghiêm trọng do việc khai thác cát.

Mặc dù bị xử phạt nhưng theo phản ánh của người dân tại thôn 2 xã Liêng Srônh, huyện Đam Rông, trong thời gian gây đây doanh nghiệp này đã hoạt động khai thác cát trở lại và tiếp tục gây ô nhiễm môi trường.

tm-img-alt

Máy xúc múc đất lên sàng qua lưới ngay dưới lòng sông để khai thác cát mà không qua bể lắng.

Theo ghi nhận thực tế của PV vào ngày 9/4/2023, tại bãi khai thác của Công ty Song Long Đà Lạt có 1 máy hút cát, 1 lưới sàng cát, 1 máy xúc đang hoạt động nơi đây. Máy xúc múc cát sỏi đất đổ lên lưới sàng cho máy hút hút lên bãi tập kết.

Tuy nhiên việc sàng cát và hút lên bãi chứa không qua bể lắng mà nước thải chảy trực tiếp ra sông khiến dòng sông đục đen gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đồng thời tại vị trí bãi PV cũng ghi nhận không có trạm cân, không có camera giám sát theo quy định của pháp luật.

tm-img-alt

Việc khai thác cát có dấu hiệu sạt lở bờ suối và đất canh tác của người dân.

Được biết, Công ty Song Long Đà Lạt được UBND tỉnh Lâm Đồng cho phép khai thác khoảng sản cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường bằng phương pháp lộ thiên tại lòng suối thuộc xã Liêng Srônh, huyện Đam Rông theo Giấy phép Khai thác khoáng sản số 76/GP-UBND ngày 23/10/2018. Diện tích khai thác theo Giấy phép này là 4,2637 ha, mức sâu khai thác trung bình là 1,07m. (tương đương 1,5km lòng suối).

tm-img-alt
“Tàn dư” của việc khai thác cát là bùn, đất và đá.

Mặc dù bị xử phạt nhưng đến thời điểm PV ghi nhận (9/4/2023) tình trạng khai thác khoáng sản của Công ty Song Long Đà Lạt vẫn hoạt động mà chưa khắc phục hậu quả việc buộc hoàn thành xây dựng hồ lắng đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, tình trạng gây ô nhiễm môi trường vẫn tiếp diễn bùn, đất vẫn xả trực tiếp ra lòng suối.

Phải chăng với mức phạt 164 triệu đồng so với lợi nhuận hàng tỷ đồng do khai thác cát mà doanh nghiệp sẵn sàng “nhờn luật”? 

Đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng vào cuộc tái kiểm tra và xử phạt mang tính răn đe đối với Công ty Song Long Đà Lạt để chấm dứt tình trạng gây ô nhiễm môi trường cũng như cuộc sống của người dân xã Liêng Srônh, huyện Đam Rông.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích