Khu quy hoạch san ủi sát dấu tích ngôi đình trăm tuổi: Nốt “lặng” buồn trên đất cố đô
Khu quy hoạch san ủi sát dấu tích ngôi đình trăm tuổi: Nốt “lặng” buồn trên đất cố đô
Khi có thông tin khu quy hoạch Bàu Vá tiếp tục mở rộng, vị trí có ngôi đình hoang phế tọa lạc cũng sẽ bị san ủi phục vụ quy hoạch, lúc ấy, các vị bô lão cao niên của làng mới giật mình …
Ngang qua khu quy hoạch Bàu Vá (Phường Đúc – TP. Huế), nhiều người ngạc nhiên và cám cảnh với hình ảnh một công trình kiến trúc tâm linh, xuống cấp nặng nề, không tường không mái, đứng chơ vơ trên một chỏm đất đồi do 4 chung quanh đều đã được san ủi để làm khu quy hoạch.
Tôi cũng là một trong số những người như họ. Nhân thấy một người đàn ông đứng tuổi đang ở gần đấy, tôi dừng xe hỏi xem kia là công trình gì. Ông ta lắc đầu: “Chắc là chùa miếu gì đó, mà cũng chẳng thấy ai đáo lai hương khói…”. Tôi hơi thất vọng, nhưng rồi chợt nhớ, đây là khu quy hoạch, cư dân hầu hết đều là người từ các nơi đến ở sau này. Người đàn ông kia có lẽ không phải dân thổ địa, nên không biết công trình kia là gì cũng là lẽ thường tình dễ hiểu.
Mang mối băn khoăn trong lòng, nhân ngồi cà phê với một ông bạn lứa tuổi “tri thiên mệnh” sinh ra và lớn lên cạnh cánh đồng Bàu Vá, nghe tôi nói chuyện, ông bạn nhanh nhảu: “À, đình Lợi Cửu đó, hoang phế lâu rồi!”. Thế thôi, không thêm được thông tin gì.
Về tra sách vở, tuyệt cũng không có dòng nào về công trình gọi là đình “Lợi Cửu”. Ngẫm nghĩ, có thể có sự biến âm gì ở đây chăng? Như Bạch Hổ, dân gian nhiều người lại gọi là Bạch Thổ; Kế Môn, Đại Lộc lại gọi là Cái Môn, Đợi Lược…tra tìm có khi “bể phổi” không ra. Bất chợt nhớ đến cái từ “đình” được người bạn nhắc tới. Tôi bật dậy, tra cứu về những ngôi đình ở Huế. Đây rồi, đích thị nó là “đình Đệ Cửu” chứ không phải “Lợi Cửu” như bị dân gian đọc trại ra và được ông bạn kia tiếp nhận.
Đình Đệ Cửu là một trong 9 ngôi đình của 9 phường bên ngoài Kinh thành Huế (từ Đệ Nhất cho đến Đệ Cửu) được phân định dưới thời Pháp thuộc. Đình tọa lạc ở vùng Lịch Đợi, nay thuộc về phường Phường Đúc (TP. Huế). Tương truyền khởi thủy đây chỉ là một ngôi miếu nhỏ thờ “bà Hỏa”, sau đó mới xây dựng thành đình Đệ Cửu. Đến thập niên 30 của thế kỷ trước, biến động dân cư và địa giới hành chính, ngôi đình được trùng tu xây dựng lại và đặt tên là đình Phú Vĩnh. Dấu tích để lại trên bức bình phong trước sân đình còn rõ con số bằng sành sứ ghép cho thấy đấy là thời điểm năm 1937.
Đình thờ Thành Hoàng và các vị “Tiền khai canh, Hậu khai khẩn” của làng. Các kỳ Xuân tế và Thu tế hàng năm, không chỉ con dân Phú Vĩnh mà cư dân các địa phương lân cận cũng tựu về lễ bái. Không khí linh thiêng, kính cẩn và ấm áp tình làng nghĩa xóm. Về sau, do chiến tranh leo thang và những biến động lịch sử, ngôi đình ít còn được chăm nom, dần xuống cấp rồi rơi vào hoang phế. Các họ, phái của làng cũng lần lượt thỉnh “thần vị” của họ, phái mình về nhà thờ. Việc làm này có thể xem gần như đặt dấu chấm hết vai trò lịch sử của ngôi đình trăm năm tuổi này (?!)
Khi có thông tin khu quy hoạch Bàu Vá tiếp tục mở rộng, vị trí có ngôi đình Phú Vĩnh hoang phế tọa lạc cũng sẽ bị hạ cốt, san ủi phục vụ quy hoạch, đến lúc ấy, các vị bô lão cao niên của làng mới giật mình lo lắng cho nguy cơ xóa sổ một công trình di sản của tiền nhân vẫn đang lưu vết. Vậy là đơn thư, là ý kiến đề đạt đến các ngành các cấp…
Nguyện vọng của người dân cuối cùng cũng đã được UBND tỉnh lưu ý. Các vị cao niên ở đây nhớ lại: Đích thân ông Phan Ngọc Thọ, lúc đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thị sát và chỉ đạo giữ nguyên hiện trạng đình Phú Vĩnh để tiến tới trùng tu, đồng thời giao trách nhiệm cho các đơn vị thực hiện dự án Bàu Vá phải trồng cây xanh để che chắn, cải thiện cảnh quan cho ngôi đình… Chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh đã khiến người dân nơi đây vô cùng thỏa lòng thỏa dạ.
Tuy nhiên, rất nhiều năm đã trôi qua, câu chuyện kinh phí vẫn là nút thắt chưa tìm ra chỗ gỡ. Và ngôi đình Phú Vĩnh tiếp tục hoang phế, xuống cấp theo mưa nắng thời gian. 3 án thờ trong đình lạnh lẽo, chơ vơ giữa mấy bức vách xập xệ chực đổ, lộ thiên giữa nắng mưa do hệ mái không còn lấy 1 đòn tay hay tấm ngói…
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài TRT, Chủ tịch UBND phường Phường Đúc – ông Huỳnh Ngọc Dũng khẳng định chính quyền địa phương sẽ thành lập ban vận động để kêu gọi sức dân. Tất nhiên, ông Dũng cũng lường trước là khó khi kinh phí dự trù cho việc trùng lên tới 9 tỷ đồng!
Con dân của 7 họ, 4 phái nguyên được thờ trong ngôi đình Phú Vĩnh chắc chắn không hề ít, và hẳn trong số đó sẽ không hiếm những người thành đạt, giàu có. Chủ trương của tỉnh cũng đã rõ ràng. Nếu ban vận động được thành lập và hoạt động công tâm, ráo riết, dù sớm dù muộn, chắc chắn công việc rồi cũng sẽ thành tựu. Nhưng trước hết, vài tấm tôn để che mưa che nắng cho các án thờ để khói nhang mỗi dịp sóc vọng, hẳn không quá khó và là việc nên làm. Về mặt nhân tâm, sẽ làm cho người sống đỡ thấy lạnh lẽo trong lòng. Còn về mặt tâm linh, biết đâu từ chút tâm thành thao thức ấy linh khí sẽ lại tụ về, chứng tri và phù trì để ngôi đình lại sớm quang rạng ấm áp như ngày xưa cũ…
Ngôi đình là nơi thờ Thành Hoàng và những người có công tạo lập làng. Xưa kia, chốn đình trung còn là nơi làm việc của các vị chức việc, nơi họp bàn những việc lớn liên quan đến dân làng,… Sự hiện diện cho đến bây giờ của những ngôi đình cổ ngay giữa lòng phố thị như Huế là điều thú vị và hiếm thấy ở những thành phố khác; gìn giữ, tôn tạo chúng cũng đồng nghĩa với việc gìn giữ, tôn vinh và tỏa lan một giá trị di sản quý giá của dân tộc, của Huế.
Một số hình ảnh tại hiện trường:
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị