Mỹ đặt mục tiêu cắt giảm 56% khí thải từ xe cơ giới trong thập kỷ tới

Mỹ đặt mục tiêu cắt giảm 56% khí thải từ xe cơ giới trong thập kỷ tới

Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) ngày 12/4 đề xuất thực hiện mục tiêu đến năm 2032 cắt giảm 56% lượng khí thải từ các loại xe cơ giới. Theo đó để đạt được mục tiêu này, trong 10 năm tới, 2/3 số lượng xe mới bán ra thị trường nước này sẽ là xe điện (EV).

Đề xuất trên nếu được thông qua sẽ là kế hoạch cắt giảm khí thải xe cơ giới tiêu biểu của Mỹ cho đến thời điểm hiện tại, theo đó Mỹ thực hiện cắt giảm 13% lượng khí thải trung bình qua từng năm.

Ngoài mục tiêu cụ thể này, EPA cũng đề xuất các tiêu chuẩn phát thải nghiêm ngặt hơn đối với hai loại xe tải hạng trung và hạng nặng đến năm 2032.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

EPA cho rằng với mục tiêu và các biện pháp đề ra giai đoạn 2027-2032, Mỹ sẽ cắt giảm thêm hơn 9 tỷ tấn CO2 vào năm 2055 – tương đương hơn hai lần tổng lượng khí thải CO2 của nước này vào năm ngoái.

EPA ước tính đến năm 2055, lợi nhuận ròng thu được từ kế hoạch cắt giảm khí thải này là từ 850 đến 1.600 tỷ USD. Đến năm 2032, chi phí sản xuất một xe ôtô của các hãng sẽ tăng thêm 1.200 USD, song lại giúp các chủ sở hữu tiết kiệm trung bình hơn 9.000 USD chi phí nhiên liệu, bảo dưỡng và sửa chữa xe trong tám năm sử dụng phương tiện.

Theo đề xuất của EPA, các nhà sản xuất ôtô được dự báo sẽ sản xuất 60% EV vào năm 2030 và 67% vào năm 2032 để đáp ứng yêu cầu. Trong khi đó, báo cáo thực tế cho thấy chỉ 5,8% số xe mới bán ra vào năm 2022 tại Mỹ là xe điện.

Đề xuất này tham vọng hơn mục tiêu mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đề cập trong đề xuất năm 2021 nhận được sự ủng hộ của các nhà sản xuất xe ôtô. Chính quyền của ông Biden đặt mục tiêu đến năm 2030, 50% số phương tiện mới bán ra thị trường là xe điện hoặc xe hybrid.

Ông John Bozzella, Giám đốc điều hành của Liên minh đổi mới ôtô đại diện cho General Motors, Volkswagen, Toyota và nhiều nhà sản xuất ôtô khác, cho rằng để kế hoạch này thành công, sẽ cần phải làm nhiều việc chưa từng được thực hiện, từ thay đổi trong thị trường ôtô đến cơ sở sản xuất.

Ông cho rằng các yếu tố bên ngoài phương tiện, như cơ sở hạ tầng sạc, chuỗi cung ứng, khả năng phục hồi lưới điện, sự sẵn có của các loại nhiên liệu carbon thấp và các khoáng chất quan trọng sẽ quyết định liệu các tiêu chuẩn của EPA ở những cấp độ này có thể đạt được hay không.

Hải Đăng (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích