Đề xuất bổ sung cơ chế đặc thù để đẩy nhanh thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

(Xây dựng) – Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 27/2022/NĐ-CP quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Đề xuất bổ sung cơ chế đặc thù để đẩy nhanh thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện Việt Nam có 3 chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xóa đói giảm nghèo bền vững. Qua quá trình triển khai thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia trong năm 2022, phát sinh một số khó khăn, vướng mắc do thiếu cơ sở pháp lý đã ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện và giải ngân vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là tháo gỡ vướng mắc về thể chế, Chính phủ dự kiến bổ sung một số cơ chế đặc thù về tổ chức thực hiện các chương trình tại Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 27/2022/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

Hỗ trợ trực tiếp cho một số đối tượng chính sách thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia

Dự thảo đề xuất bổ sung cơ chế đặc thù để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong triển khai thực hiện Dự án 1 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Theo quy định tại Mục 1 Phụ lục I về phân bổ vốn ngân sách trung ương thực hiện Dự án 1 giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt ban hành kèm theo Quyết định số 39/2021/QĐ-TTg, sử dụng vốn đầu tư công của Chương trình để thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất cho hộ dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo sinh sống ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Bên cạnh đó, phương án phân bổ vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cho các địa phương để thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Dự án 1 của Chương trình đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 517/NQ-UBTVQH15.

Tuy nhiên, Luật Đầu tư công không quy định trường hợp sử dụng vốn đầu tư công để hỗ trợ trực tiếp, hỗ trợ một phần cho hộ gia đình. Do vậy, các địa phương chưa có đủ cơ sở để triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ về nhà ở, đất ở, đất sản xuất thuộc Dự án 1 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và giải ngân được kế hoạch đầu tư vốn nguồn ngân sách trung ương năm 2022, năm 2023 đã được Thủ tướng Chính phủ giao.

Để giải quyết khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án 1 của Chương trình, cần thiết phải bổ sung quy định cơ chế đặc thù về sử dụng vốn đầu tư công để hỗ trợ trực tiếp cho một số đối tượng chính sách thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia.

Bổ sung cơ chế đặc thù trong lập, phê duyệt và giao kế hoạch vốn

Dự thảo cũng đề xuất bổ sung cơ chế đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ sở pháp lý trong thực hiện giao kế hoạch vốn sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 5 năm của các chương trình mục tiêu quốc gia.

Luật Đầu tư công đã quy định về giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 5 năm. Tuy nhiên, Luật Ngân sách nhà nước không quy định cụ thể việc giao kế hoạch vốn sự nghiệp nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 05 năm. Vì vậy, việc thực hiện cơ chế xây dựng kế hoạch nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (cả vốn đầu tư và vốn sự nghiệp) theo tầm nhìn trung hạn theo quy định tại khoản 5 Điều 5 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện một số cơ chế đặc thù trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (như: cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; xây dựng kế hoạch cân đối, bố trí vốn đối ứng từ ngân sách địa phương giai đoạn 5 năm thực hiện từng chương trình mục tiêu quốc gia).

Để làm rõ cơ sở pháp lý tiến hành việc giao tổng kế hoạch vốn nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 5 năm cho các địa phương, cần thiết phải bổ sung cơ chế đặc thù trong lập, phê duyệt và giao kế hoạch vốn theo tầm nhìn giai đoạn 5 năm, bao gồm cả kế hoạch vốn đầu tư phát triển, kế hoạch vốn thường xuyên.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích